Tốc độ tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp đạt 5,36%
Sau khi Nghị quyết 20 được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 10/CTr-UBND ngày 27/7/2021 thực hiện Nghị quyết; Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời đề ra các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển lĩnh vực nông, lâm, thủy sản của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.
Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở đã ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể và các văn bản tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch để lãnh đạo thực hiện. Sau hơn 1 năm triển khai, Nghị quyết đã khai thác và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất của từng vùng, từng sản phẩm để phát triển các sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản hữu cơ của tỉnh.
Các chương trình, đề án, chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới của tỉnh được triển khai thực hiện đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 20, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2021 của tỉnh Yên Bái đạt 5,36%, vượt kế hoạch được giao 18,3%, đứng thứ 4 trong 14 tỉnh thuộc vùng trung du, miền núi Bắc Bộ. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt gần 8.000 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch và đạt 82,3% so với kế hoạch Nghị quyết năm 2025.
Cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP của tỉnh đạt 23,17%, cao hơn 3,67% so với kế hoạch Nghị quyết năm 2025. Đến hết năm, toàn tỉnh có 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 70,4% so với kế hoạch Nghị quyết năm 2025…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 20, đưa ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả. Đồng thời đề xuất, kiến nghị tỉnh quan tâm điều chỉnh một số nội dung để ngành nông nghiệp thực hiện đạt các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tập trung thực hiện 3 định hướng chủ đạo
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước đề nghị thời gian tới ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần bám sát các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tham mưu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nông lâm nghiệp đã được cụ thể hóa tại các nghị quyết, đề án, chính sách và các chương trình hành động đã đề ra. Xác định lộ trình thực hiện cụ thể cho từng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, đảm bảo khoa học, rõ ràng, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm.
Đổi mới công tác phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các ngành, đoàn thể, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tập trung thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với 3 định hướng chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, trong đó phối hợp chặt chẽ với các địa phương hoàn thiện, thẩm định các đề án xây dựng nông thôn mới của các huyện.
Tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 69 (nay Nghị quyết 05) của HĐND tỉnh, tiếp tục tiến hành rà soát, đăng ký bổ sung nhu cầu để tham mưu phê duyệt hỗ trợ đợt II năm 2022. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2022 - 2025, trong đó chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP chất lượng cao, có khả năng thương mại hóa. Tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, xác định lâm nghiệp là thế mạnh, là khâu đột phá trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Phát triển vùng nguyên liệu theo định hướng rừng trồng gỗ lớn; đẩy nhanh cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC, quế hữu cơ. Quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp ở tất cả các khâu, hướng đến đối tượng chủ yếu là hợp tác xã và doanh nghiệp. Ngành tiếp tục kiện toàn, tổ chức sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, quan tâm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Văn Thông