■ Về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2022:
Đồng chí Đỗ Đức Duy kiến nghị Chính phủ đồng thời với việc triển khai chương trình phục hồi phát triển KT-XH theo Nghị quyết 43 của Chính phủ cần có nghiên cứu, đánh giá, bổ sung thêm về những yếu tố liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; nên có những hội nghị quy mô cấp toàn quốc đánh giá toàn diện, tổng thể về phòng, chống dịch; các giải pháp để phục hồi phát triển KT-XH và cần có những giải pháp chuyên sâu, chuyên môn, kỹ thuật chuyên ngành về lĩnh vực y tế để ứng phó với thời kỳ tạm gọi là hậu Covid-19. Đề nghị Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ hơn, chủ động hơn trong kiểm soát vĩ mô, nhất là kiểm soát lạm phát; hiện, áp lực lạm phát gia tăng rất lớn. Đề nghị Chính phủ có biện pháp mạnh mẽ hơn, chủ động hơn cùng với bước đi phù hợp hơn để giữ được sự bình ổn thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường tài chính để tránh những tác động lớn, đột ngột đến kinh tế vĩ mô nói chung, tác động đến quá trình phát triển, phục hồi kinh tế đất nước.
■ Về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 (NQ 24) ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu (XLNX) của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của NQ 24:
Đồng chí Đỗ Đức Duy nêu ý kiến thống nhất kéo dài NQ42 của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các thể chế, chính sách có liên quan đến XLNX. Chẳng hạn, có nhà đầu tư trúng đấu giá đất, sau đó, do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (SXKD), họ đem tài sản đó đảm bảo cho ngân hàng, đến nay, trở thành nợ xấu.
Theo Luật Đất đai đối với địa phương sau 2 năm không sử dụng đất phải đưa vào thu hồi và hoàn trả lại đúng giá mà nhà đầu tư trúng đấu giá, nhưng hiện tài sản đó ở đâu, thế chấp ngân hàng nào thì chính quyền địa phương không biết. Không có quy định cụ thể khi trở thành nợ xấu thì thông báo cho chính quyền địa phương những tài sản đảm bảo ấy.
Hay như, trong NQ 42 chỉ quan tâm đến đảm bảo quyền lợi của các tổ chức tín dụng (TCTD) còn các quyền lợi khác của chính quyền, địa phương như: có quỹ đất 7 đến 8 năm không đưa vào sử dụng, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đến phát triển KT-XH; địa phương rất khó khăn trong việc xử lý vì hiện nay đang là nợ xấu, nên đề nghị Chính phủ bổ sung thể chế chính sách liên quan đến XLNX.
■ Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, trong các giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
Đồng chí Đỗ Đức Duy đề nghị Chính phủ sớm có rà soát tổng thể, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn toàn quốc để tránh lãng phí, vì nhiều cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư lớn nhưng hiện nay không phát huy được hết công suất; nhiều cơ sở không tuyển sinh đủ số lượng theo năng lực đào tạo đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền gây lãng phí nguồn lực về cơ sở vật chất, nguồn lực bộ máy.
Đề nghị Chính phủ sớm xây dựng, ban hành hệ thống định mức, kinh tế kỹ thuật, đơn giá, khung giá, các loại giá về dịch vụ sự nghiệp công có sử dụng NSNN, nhất là về lĩnh vực y tế, giáo dục, làm cơ sở cho các địa phương thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ công có sử dụng NSNN, bảo đảm công khai minh bạch. Đây là biện pháp thực hiện tiết kiệm trong lĩnh vực này.
Đề nghị sớm rà soát, đánh giá, bổ sung hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến xã hội hóa (XHH) trong các dịch vụ sự nghiệp công, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục. Vừa qua, chúng ta chứng kiến có nhiều sai phạm ở các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục liên quan đến thực hiện các dự án, đề án về XHH bao gồm các nhà đầu tư tham gia đầu tư trang thiết bị; sau đó, các đơn vị sự nghiệp cùng khai thác, chia sẻ lợi nhuận. Tuy nhiên, có nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách Nhà nước hoặc không đủ cơ sở để triển khai thực hiện hoặc khi triển khai thực hiện dễ dẫn đến sai phạm.
Chẳng hạn, đặt thiết bị y tế, tỷ lệ phân chia lợi nhuận như thế nào cho đúng quy định mà không vi phạm pháp luật? Vì vậy, đề nghị sớm bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến huy động và sử dụng các nguồn lực XHH trong các lĩnh vực dịch vụ công, nhất là lĩnh vực giáo dục và lĩnh vực y tế.
■ Liên quan đến các nội dung về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020:
Đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu khóa XV tỉnh Yên Bái đồng tình, nhất trí với nội dung báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về những kết quả đạt được; những khó khăn, tồn tại, hạn chế và những giải pháp mà Chính phủ trình Quốc hội; đồng thời đề xuất một số giải pháp:
Một là: Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đã cơ bản phục hồi lại các hoạt động SXKD, song điều mong mỏi nhất của DN lúc này là được hỗ trợ dòng tiền thông qua chính sách tiền tệ, giảm lãi, khoanh nợ, hoãn nợ, cơ cấu nợ, vay vốn mới. Vì vậy, đề nghị Chính phủ triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội (NQ 43) và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân hàng Nhà nước đối với DN, HTX, hộ kinh doanh. Như vậy, DN mới sớm được hỗ trợ, sớm ổn định SXKD, chủ động nắm bắt cơ hội, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào các thị trường.
Hai là: Liên quan đến đầu vào cho sản xuất từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi và nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất không ngừng tăng cao. Trong khi đó, giá các sản phẩm nông nghiệp bấp bênh, hoạt động xuất, nhập khẩu qua biên giới còn nhiều bất cập, tình trạng ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu kéo dài đã đặt ra nhiều thách thức cho người nông dân trong việc tiếp tục duy trì sản xuất.
Do vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các bộ, ngành trung ương cần quan tâm đến các vấn đề: cần sớm có giải pháp hạ giá phân bón, thức ăn chăn nuôi và bình ổn các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp một cách căn cơ, bài bản.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp về thị trường thay vì phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường như hiện nay; cần đa dạng hóa thị trường dựa trên các hiệp định thương mại…; từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, nông dân.
Ba là: Về giải ngân vốn đầu tư công, theo báo cáo của Chính phủ, đến ngày 15/5 mới giải ngân đạt 20,27% kế hoạch, như vậy là rất thấp. Trong khi đó, nguồn vốn của 3 chương trình quốc gia mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 22/5/2022, trên cơ sở đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương mới có cơ sở phân bổ chi tiết.
Ngoài ra, nguồn vốn cho thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo NQ 43 vẫn chưa được giao. Do vậy, đại biểu Luận cho rằng, sẽ tạo áp lực rất lớn cho các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công của những tháng còn lại trong năm 2022. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu các giải pháp quyết liệt, căn cơ, bài bản để làm sao đảm bảo tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch của năm 2022, tránh tình trạng chúng ta phải chuyển nguồn sang năm 2023.
Bốn là: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại một số quy định hiện nay rất vướng khi thực hiện thực tế tại cơ sở, đơn cử như là Luật Giáo dục năm 2019 quy định giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân.
Đại biểu Luận cho rằng, theo quy định này thì có thể ở vùng thấp hoặc vùng có điều kiện KT-XH thuận lợi thì sẽ không vướng mắc gì, nhưng đối với vùng cao mà đặc biệt là những vùng đặc biệt khó khăn thì việc tuyển giáo viên có bằng cử nhân sẽ gặp nhiều khó khăn.
Do đó, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành xem xét. Ngoài ra, việc thực hiện Quyết định 861 quy định vùng III, vùng II, vùng I, đại biểu Luận cho rằng, việc quy định các xã vùng III, vùng II khi lên nông thôn mới trở về xã vùng I và thôi hưởng các chính sách hỗ trợ kể từ ngày có quyết định đạt chuẩn nông thôn mới thì đã tác động rất lớn đến một bộ phận người dân, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn thôi hưởng chính sách trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chế độ chính sách và huy động vốn SXKD…
Về kéo dài thời gian áp dụng NQ 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm XLNX đối với các TCTD. Trải qua gần 5 năm đi vào thực tiễn, các quy định tại NQ 42 về thí điểm XLNX của các TCTD đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho XLNX của các TCTD, mang lại những chuyển biến tích cực trong XLNX và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016 - 2020, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và toàn xã hội đối với XLNX trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc thực hiện NQ 42 còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: việc XLNX theo NQ 42 tại một số địa phương hiệu quả còn hạn chế, nhất là những tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, khoảng cách địa lý giữa các huyện còn xa, giao thông đi lại chưa thuận tiện, mức thu nhập trung bình của người dân vẫn còn thấp.
Các khoản nợ xấu theo NQ 42 đã tồn tại nhiều năm và tập trung chủ yếu là các khoản vay nhỏ, cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, không có tài sản bảo đảm nên việc xử lý, thu hồi nợ gặp khó khăn... Mặc dù, các TCTD quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để XLNX nhưng hiệu quả xử lý chưa cao nhất là đối với các khoản nợ xấu lớn phải xử lý bằng tài sản bảo đảm, khoản vay mà khách hàng cố tình chây ỳ, không hợp tác, các khoản nợ xấu đã chuyển sang cơ quan thi hành án dân sự để thu nợ...
Từ những khó khăn, hạn chế nêu trên, đại biểu Luận đề xuất, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương rà soát, nghiên cứu trình Quốc hội xem xét điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các luật liên quan đến hệ thống tín dụng và XLNX. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cấp, ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt các chính sách, giải pháp XLNX.
Đề nghị cơ quan thi hành án các cấp tăng cường chỉ đạo hoạt động tổ chức cưỡng chế thi hành án; tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn liên quan đến nhà, quyền sử dụng đất, giải quyết các vụ việc liên quan đến án tín dụng ngân hàng có tính chất phức tạp, kéo dài, những việc có điều kiện thi hành nhưng người phải thi hành án chống đối để làm điểm, tăng cường hiệu quả XLNX.
Đề nghị viện kiểm sát nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần có sự quan tâm phối hợp hơn nữa để hoạt động thi hành án dân sự có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng đạt kết quả cao trong những năm tiếp theo.
Hoàng Sâm (Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh)