Ngày 30/5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV bắt đầu tuần làm việc thứ hai.
Trong ngày làm việc hôm nay, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận tại hội trường về chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành". Đây là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội khóa XV. Phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi.
Tham gia ý kiến phát biểu thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Tuy nhiên, để việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quy hoạch trong thời gian tới, đại biểu Luận cho rằng, cần làm tốt công tác lựa chọn tư vấn lập quy hoạch.
Theo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và tình hình triển khai thực tế tại các địa phương cho thấy, việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập kế hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác theo quy định của Luật Đấu thầu hiện nay rất khó khăn và bất cập do các yêu cầu đặt ra đối với đơn vị tư vấn rất cao, trong khi số lượng đơn vị tư vấn, lực lượng chuyên gia đáp ứng được các yêu cầu không nhiều.
Mặt khác, hiện nay chưa có các quy định cụ thể về điều kiện năng lực, tiêu chí, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn phù hợp với từng loại quy hoạch dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong lựa chọn tư vấn lập quy hoạch.
Do vậy, đại biểu Luận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các quy định về điều kiện năng lực, tiêu chí, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn và công khai danh mục kèm theo năng lực các tổ chức tư vấn lập quy hoạch để các địa phương có căn cứ lựa chọn phù hợp với từng loại loại quy hoạch. Đồng thời, ban hành đầy đủ các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá đối với từng loại quy hoạch làm cơ sở cho việc lập và quản lý chi phí lập quy hoạch.
Về quy trình lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, đại biểu Luận cho biết: Thực tế triển khai thực hiện cho thấy việc đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, trong khi không phải khi nào cũng lựa chọn được tư vấn có năng lực thực sự.
Do đó, đại biểu đề nghị khi đã ban hành đầy đủ các quy định về điều kiện năng lực của tư vấn lập quy hoạch và hệ thống định mức, đơn giá lập quy hoạch như đề xuất ở trên thì không cần phải áp dụng phương thức đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch mà xem xét điều chỉnh theo hướng cho phép các bộ, ngành, địa phương được chỉ định thầu hoặc thi tuyển để lựa chọn tư vấn lập quy hoạch (như đã áp dụng đối với tư vấn lập quy hoạch xây dựng thời gian qua) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tạo thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương.
Về các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành trong công tác lập quy hoạch, đại biểu Nguyễn Quốc Luận bày tỏ sự đồng tình cao với đánh giá của Đoàn giám sát về việc hướng dẫn của một số bộ, ngành chưa đầy đủ, chưa kịp thời, một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chưa đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật; một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn là văn bản hành chính thông thường nhưng có nhiều nôi dung quy phạm pháp luật phức tạp, chi tiết rất khó cho các địa phương trong việc thực hiện.
Ví dụ: tại Văn bản số 5858/BNN-PCTT ngày 16/9/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch tỉnh, có yêu cầu trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh các địa phương lưu ý một số nội dung: xác định vị trí, quy mô các công trình đầu mối hạ tầng trên tuyến đê.
Xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu vực công trình, nhà ở phải di dời; xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ và vị trí, diện tích được sử dụng thêm ở bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực, đồng thời xác định phương án bảo vệ đối với các khu dân cư này.
Xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu vực bãi sông có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới.
Tuy nhiên, để thực hiện các nội dung rất chi tiết trên đây cần có thêm nguồn lực và nhiều thời gian; rất khó thể hiện trên bản đồ quy hoạch tỉnh, nhất là thể hiện trên bản vẽ.
Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành cần khẩn trương kiểm tra, rà soát lại các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp, trong đó yêu cầu các văn bản này phải được ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật để các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện – đại biểu Nguyễn Quốc Luận kiến nghị.
Về vấn đề chuyển tiếp, đại biểu Luận cho rằng, trong thời gian quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, đề nghị các quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030 đã quyết định hoặc phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành cần được tiếp tục thực hiện và được điều chỉnh, bổ sung nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời sẽ cập nhật, bổ sung vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch cấp quốc gia.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn các quy trình, thủ tục trong việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong triển khai thực hiện (hiện nay để bổ sung một khu công nghiệp vào quy hoạch hệ thống các khu công nghiệp quốc gia cần khoảng thời gian không dưới 12 tháng).
"Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, uỷ quyền cho các địa phương được phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt để rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy mạnh thu hút đầu tư cho các địa phương" - đại biểu Nguyễn Quốc Luận nhấn mạnh.
Đức Toàn (ghi)