Nhấn mạnh chủ thể rất rộng, tác động đến mọi tầng lớp nhân dân, Bộ trưởng cho biết: quan trọng là thực hiện luật này nhằm thể chế quan điểm, chủ trương rất lớn của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Theo đó chúng ta đang tập trung để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; hoàn thiện thể chế về thực hành dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ thể của nhân dân và nhân dân là trung tâm…
Đối với việc thể chế tinh thần dân chủ đó, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Chính vì vậy, cơ quan soạn thảo cũng cân nhắc rất kỹ để trong nguyên tắc xây dựng dự thảo luận này phải thể chế và thực hiện cho bằng được phương châm theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đó là: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Bộ trưởng khẳng định, đặt việc thực hiện dân chủ cơ sở trong tổng thể của của hệ thống chính trị là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ nhưng đồng thời phải giải quyết được mối quan hệ để đảm bảo phát huy dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Dân chủ ở cơ sở phải gắn với dân trí, dân sinh, gắn với mục tiêu để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đảm bảo được cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Đại biểu cho rằng, dự luật này phải đảm bảo tính kế thừa, bởi không phải đây là vấn đề mới, những vấn đề có tính chất lịch sử, đặc biệt đó là thực hiện tinh thần tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như Đảng ta là chúng ta đã phát huy tinh thần dân chủ để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp được sức mạnh tổng hợp cho từng giai đoạn cách mạng rất rõ.
Cụ thể, Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị từ rất sớm, đến bây giờ chúng ta đã thực hiện Nghị quyết số 55 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định 04 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Mới đây nhất là Nghị định 145 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về hướng dẫn một số hoạt động thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019.
"Tất cả những vấn đề này, chúng ta điều chỉnh, lựa chọn những vấn đề thực tiễn kiểm nghiệm là đúng, là hợp lý là phát huy tốt được dân chủ ở cơ sở, và chúng ta tiếp tục phát triển lên cho phù hợp với yêu cầu mới, tinh thần mới và xu thế phát triển của đất nước. Chính vì thế đây là một dự án luật khó, bao trùm các chủ thể, các tầng lớp nhân dân nhưng phải thực hiện được các yêu cầu để chúng ta thực hiện đúng được các mục tiêu vừa là động lực, vừa là nguồn lực cho sự phát triển mà bắt đầu từ việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở" - Bộ trưởng nói.
Về phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng cho biết Dự luật quán triệt Chỉ thị 30 cũng như thông báo số 120, 160 của Bộ Chính trị, tập trung điều chỉnh ở ba loại hình chính, là dân chủ ở xã phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã. dân chủ ở cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội và cuối cùng là dân chủ ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, người có thuê mướn sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Đây là một vấn đề mới, mở rộng hơn, bao trùm hơn; khi đưa vào các điều khoản thế nào để không không làm ảnh hưởng đến những cam kết của chúng ta.
Về băn khoăn của các đại biểu về dân chủ ở doanh nghiệp nên làm như thế nào để phù hợp, đại biểu Trà thông tin, cơ quan soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Như hiện tại đang dự thảo thành một chương riêng về hình thức, cách thức thực hiện, nhưng đi sâu hơn đối với thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước. Bởi ở đây đang sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước cho nên cần phải có việc kiểm soát tốt hơn và phát huy dân chủ ở đây theo một yêu cầu cao hơn.
Có ý kiến chỉ thực hiện dân chủ với doanh nghiệp nhà nước, còn với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài nhà nước thì chúng ta phải cân nhắc vì ở đây liên quan mối quan hệ giữa người lao động và và chủ sử dụng lao động trên nguyên tắc của kinh tế thị trường.
Đại biểu cho biết, cũng có ý kiến cho rằng không nhất thiết phải đưa chương này vào, nhưng thực chất không đưa chương này vào thì không bao trùm được tất cả và cũng không đảm bảo được yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị và các kết luận của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng tin tưởng, với sự tham gia đóng góp của đại biểu và ý kiến các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phương án này sẽ tiếp tục được hoàn thiện hơn, sao cho đáp ứng được tính khả thi.
Các vấn đề khác có liên quan đến một số nội dung dân thụ hưởng có vẻ không rõ, nhưng thực chất thì dân thụ hưởng là mục tiêu cuối cùng. Bởi dân chủ thì phải gắn với dân trí, dân sinh, gắn với mục tiêu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khi thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở cũng chính là tham gia vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh; tất cả mục tiêu hướng tới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân" - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.