Nghe ý kiến thảo luận của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Duy.
Phát biểu góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Đỗ Đức Duy đồng tình quy định về việc giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh; nhất là trong bối cảnh tần số là một dạng tài nguyên số đặc biệt và hữu hạn.
Đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo làm rõ thêm về thực trạng sử dụng loại tài nguyên này như thế nào, đặc biệt là các dải băng tần phục vụ cho hoạt động thương mại để có những quyết định việc đấu thầu, thi tuyển như thế nào.
Đại biểu thống nhất đề nghị sửa đổi bổ sung theo hướng cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các dải băng tần có giá trị thương mại cao theo hình thức đấu thầu và cấp phép có thời hạn.
Cho biết, trong tờ trình của Chính phủ có đề cập thêm việc thi tuyển đối với một số trường hợp đặc biệt, đại biểu cho rằng nên đưa vào hình thức đấu giá quyền sử dụng, đảm bảo công khai, minh bạch, không nên áp dụng thi tuyển hay tuyển chọn. Trường hợp cấp phép cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hay dải băng tần giá trị không cao thì có thể khuyến khích các doanh nghiệp tham gia để sử dụng, cấp phép không thông qua đấu giá để tránh lãng phí tài nguyên.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận ở tổ chiều 3/6.
Đại biểu Đỗ Đức Duy bày tỏ băn khoăn về quy định sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh kế hợp với phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt. Bởi thực tế, đây là một loại tài nguyên số đặc biệt, chúng ta cấp phép và quản lý, sử dụng phải lựa chọn những mục tiêu và nhiệm vụ ưu tiên.
"Đối với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, yêu cầu số 1 là tính bảo mật, trong khi hoạt động kinh tế thì yêu cầu và nguyên tắc đặt ra như trong dự thảo luật đã nói là phải bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng. Việc cấp như thế này là không qua đấu giá thì đối với hoạt động kinh tế lại không đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng với các dải băng tần mà chúng ta cấp cho hoạt động thương mại” - đại biểu nêu ý kiến và cho rằng ở đây sẽ có xung đột về mục tiêu sử dụng và khả năng quản lý khai thác; đồng thời cho rằng không cấp quyền tần số vô tuyến điện cho sử dụng mục đích hỗn hợp này.
Liên quan đến dự án Luật Dầu khí sửa đổi, đại biểu Đỗ Đức Duy cũng thống nhất với những ý kiến của các đại biểu phát biểu, song hiện còn băn khoăn về thiết kế một chương riêng về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Đây là một doanh nghiệp nhà nước đặc biệt, được Chính phủ giao thực hiện một số nhiệm vụ và được độc quyền trong sản xuất, kinh doanh một số hoạt động dầu khí.
Đại biểu nêu băn khoăn, Chương V nói về chức năng, nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí thì có tính chất các quy định riêng cho tập đoàn. Trên thực tế, Tập đoàn Dầu khí hiện là một doanh nghiệp thì phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp. Nhưng trong nhiều điều luật, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam được quy định giống như một cấp trung gian trong thực hiện các hoạt động dầu khí. Với cách diễn đạt như hiện nay có thể hiểu đâu đó như một cấp hành chính trong hoạt động dầu khí.
Đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị, nên chăng nếu thiết kế một chương riêng với Tập đoàn Dầu khí, dự thảo nên thể hiện đây là một doanh nghiệp vừa thực hiện một số nhiệm vụ đặc thù mà ở một số lĩnh vực đó là trách nhiệm của của cơ quan nhà nước nay giao cho Tập đoàn. Thêm nữa, Tập đoàn Dầu khí quốc gia được độc quyền thực hiện một số hoạt động kinh doanh dịch vụ dầu khí mà các doanh nghiệp khác không được phép.
Quang Tuấn