Trả lời phóng viên báo chí tối 6/6, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, cho biết nội dung đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (đang diễn ra) là quy trình công tác cán bộ theo thẩm quyền của Quốc hội. Việc này được thực hiện nhằm đồng bộ, thống nhất giữa kỷ luật Đảng và Nhà nước, theo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Chiều nay, Ban Chấp hành Trung ương quyết định khai trừ Đảng với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng "khẩn trương xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với cá nhân đã bị kỷ luật đảng".
Ông Nguyễn Thanh Long hiện đảm nhận hai cương vị gồm đại biểu Quốc hội khóa XV và Bộ trưởng Y tế. Vì vậy, Quốc hội phải thực hiện quy trình xem xét đối với cả hai chức vụ này.
Về đại biểu Quốc hội, theo điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội, khi đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Ông Long bị xác định "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước..." nên sẽ bị Quốc hội bãi nhiệm.
Với Bộ trưởng Y tế, chức vụ này do Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng. Do đó, Thủ tướng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm hoặc cách chức bộ trưởng đối với ông Nguyễn Thanh Long. "Ông Nguyễn Thanh Long vi phạm khi giữ chức Bộ trưởng Y tế nên phải cách chức chức danh đó", một thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói với phóng viên báo chí.
Theo điều 11 Luật Tổ chức Quốc hội, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó.
Quốc hội sẽ thành lập Ban kiểm phiếu và bỏ phiếu kín để bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và cách chức Bộ trưởng Y tế với ông Nguyễn Thanh Long.
Ông Nguyễn Thanh Long 56 tuổi, quê ở Giao Thủy, Nam Định. Tháng 11/2020, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Y tế sau hơn 4 tháng giữ quyền Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế. Như vậy, tròn một năm kể từ khi bà Nguyễn Thị Kim Tiến được Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế do đến tuổi nghỉ hưu (tháng 11/2019), ngành y tế mới có tân Bộ trưởng.
Trong 1,5 năm giữ chức "tư lệnh" ngành Y tế, ông Nguyễn Thanh Long tập trung chỉ đạo chống dịch Covid-19; đồng thời đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Cũng trong chiều mai, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội với ông Chu Ngọc Anh. Văn phòng HĐND TP Hà Nội cho hay đã triệu tập kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 6) để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố. Nội dung kỳ họp là xem xét, bãi nhiệm chức Chủ tịch TP Hà Nội đối với ông Chu Ngọc Anh.
Theo điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn được bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND và các Ủy viên UBND cấp tỉnh; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Ông Chu Ngọc Anh 57 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội; làm Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ từ tháng 4/2016 đến tháng 9/2020. Ông thôi chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 18/9/2020 để chuyển công tác sang Thành ủy Hà Nội, bảy ngày sau được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố và giữ vị trí này cho đến nay.
Ông Ngọc Anh nhận nhiệm vụ đứng đầu Hà Nội trong bối cảnh bộ máy lãnh đạo thành phố có nhiều biến động. Chủ tịch tiền nhiệm Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, tạm giam, bãi nhiệm; đại dịch Covid 19 bùng phát. Trong 1,5 năm giữ cương vị Chủ tịch Hà Nội, ông Ngọc Anh đã hoàn thiện những mảnh ghép cuối về quy hoạch thủ đô khi phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch không gian ngầm Hà Nội.
(Theo VnExpress)