Trường hợp Dự án Luật Đất đai được chuẩn bị tốt, ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh hơn tiến độ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
Thông tin trên được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Báo cáo được trình bày trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua nội dung này, chiều ngày 13/6.
Ông Tùng phản ánh ý kiến đại biểu đề nghị cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến đại biểu, cho rằng đây là Dự án Luật quan trọng, cấp thiết cần khẩn trương xây dựng, ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai, bảo đảm quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo đúng tiến độ.
Trường hợp dự án được chuẩn bị tốt, ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh hơn tiến độ thông qua Luật.
Theo nghị quyết, Quốc hội đồng ý điều chỉnh thời gian trình đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Như vậy, nếu khả năng tiến độ được đẩy nhanh hơn, có nghĩa là đạo luật quan trọng này có thể được thông qua vào giữa năm 2023.
Quốc hội cũng đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo quy trình tại một kỳ họp dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) các dự án: Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 1, Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) trình Quốc hội thông qua 6 luật, 1 nghị quyết: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Kỳ họp này trình Quốc hội cho ý kiến về 6 dự án luật: 1. Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. 2.
Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội thông qua 6 luật: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Hai dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến ở kỳ họp cuối năm gồm Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi).
(Theo Đầu tư)