Hôm nay (13/6), Quốc hội bước vào tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 3. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đại diện Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, ngày 25/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Theo đó, việc xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập đã nêu trong phần sự cần thiết, trên cơ sở các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án Luật theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về:
- Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề.
- Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
- Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh.
- Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.
- Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.
Về quy định về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bên cạnh việc tiếp tục duy trì hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cả nhà nước và tư nhân như hiện nay, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chia hệ thống khám bệnh, chữa bệnh này thành 3 cấp chăm sóc, bao gồm:
- Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu;
- Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú tổng quát; đào tạo thực hành tổng quát;
- Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú chuyên sâu; đào tạo thực hành chuyên sâu.
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật thay đổi từ cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sang cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các yếu tố phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
- Hàng hóa phục vụ cho việc khám bệnh, chữa bệnh như: thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế, trang thiết bị y tế và các hàng hóa khác.
- Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do các cơ sở và người hành nghề đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cung cấp.
- Các chi phí khác có liên quan đến quá trình khám bệnh, chữa bệnh.
Theo tờ trình, quy định như trên nhằm khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tư để nâng cao khả năng cung cấp cũng như chất lượng của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Việc xây dựng, quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Tại phiên thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật khám chữa bệnh để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế. Tuy vậy vẫn còn những điều khoản cần cụ thể và chi tiết hơn như việc khám chữa bệnh từ xa.
Thảo luận về dự thảo luật Thanh tra (sửa đổi) một số đại biểu rà soát quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm toán với cơ quan thanh tra nhằm tránh tình trạng chồng chéo như hiện nay.
Đại biểu đề nghị Dự thảo Luật (sửa đổi) sửa đổi cần quy định rõ hình thức thanh tra, thời gian thanh tra để phù hợp với thực tế, tránh trường hợp nhiều cuộc thanh tra sau 3,4 năm mới có kết luận và cần quán triệt quan điểm "thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới".
(Theo VTV)