Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật KCB (sửa đổi) vào sáng 13/6, đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào cho rằng, việc ban hành Luật nhằm giải quyết những vấn đề mới phát sinh nhằm phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KCB cho nhân dân, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực KCB trong tình hình mới.
Góp ý về chính sách của Nhà nước về KCB bệnh (Điều 4), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan của Nhà nước trong đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực y tế và các chế độ chính sách đặc thù cho cán bộ và nhân viên y tế phục vụ tại vùng này.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng chính sách thu hút đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, tạo việc làm trong lĩnh vực KCB, có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về KCB sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT), đại biểu đề nghị bổ sung quy định trong Dự thảo Luật theo hướng tiếp cận bình đẳng về điều kiện thủ tục, lựa chọn dịch vụ của người bệnh giữa cơ sở KCB công lập và ngoài công lập là tương tự như nhau, không nên có sự phân biệt, bởi lẽ đều là KCB cho người bệnh vì cùng được quỹ BHYT của Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả.
Thống nhất với phương án sử dụng các hội đồng y khoa để đánh giá năng lực hành nghề trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, song đại biểu Mào cho rằng, cần phân cấp cho các địa phương trong việc đánh giá, cấp và quản lý giấy phép hành nghề KCB trên địa bàn.
Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối tượng người nghèo đặc biệt khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo. Thực tế cho thấy, có nhiều người thuộc đối tượng trên, mặc dù đã được BHYT chi trả chi phí KCB, song một số danh mục kỹ thuật, thuốc chữa bệnh không có trong danh mục được BHYT chi trả hoặc vượt mức thanh toán 100%, nên người bệnh phải chi trả cùng. Tuy nhiên, do quá khó khăn, gia đình không có khả năng chi trả, người bệnh chấp nhận không tiếp tục KCB, kể cả phải đối diện với nguy cơ tử vong.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét và bổ sung chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng người nghèo đặc biệt khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo.
Về xã hội hóa trong công tác KCB (Điều 90), đại biểu đề nghị trong Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về phương thức, hình thức, cơ chế thực hiện xã hội hóa trong KCB, nhất là các hình thức liên doanh, liên kết, đóng góp trang thiết bị, nhân lực, thương hiệu giữa tổ chức, cá nhân với các cơ sở KCB.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Quốc Luận thảo luận tại hội trường. (Ảnh: Minh Đông- TTXVN)
Chiều cùng ngày, thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Quốc Luận thống nhất phương án vẫn tiếp tục duy trì cơ quan thanh tra cấp huyện. Đại biểu đề nghị cần có tổ chức thanh tra để giúp UBND và chủ tịch UBND huyện thực hiện những nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương.
Về thành lập thanh tra tổng cục và cục, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cần có quy định phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của thanh tra bộ, thanh tra tổng cục. Đại biểu cũng thống nhất về sự cần thiết phải thành lập thanh tra chuyên ngành tại các sở như Dự thảo Luật và nên giao cho Chính phủ quy định "cứng” một số cơ sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp được thành lập thanh tra sở để tạo sự thống nhất chung, số còn lại giao UBND cấp tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình và tổng số biên chế được giao của địa phương.
Đối với những sở không có tổ chức thanh tra thì sẽ bố trí một số công chức thanh tra biên chế trong văn phòng sở, đồng thời giao thanh tra tỉnh tiến hành các cuộc thanh tra chuyên ngành đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của sở. Trong trường hợp cần thiết sẽ trưng tập các công chức thanh tra hoặc các cán bộ, công chức của sở, ngành đó cùng tham gia.
Đại biểu cũng đề nghị cần có những quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn trong phối hợp giữa các cơ quan thanh tra và giữa các cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán từ quá trình xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện, nhất là việc xử lý đối với những vấn đề còn chưa thống nhất giữa kết luận của thanh tra và kết luận của kiểm toán để giảm bớt khó khăn, phiền hà cho các đối tượng được thanh tra, kiểm toán cũng như việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán tại các địa phương.
Mạnh Cường - Hoàng Sâm