Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, ngày 14/6, buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động và các nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023.
Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện DCƠCS. Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật BLGĐ (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, chiều 27/5, báo cáo Quốc hội về dự án Luật BLGĐ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, BLGĐ vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi BLGĐ có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ BLGĐ đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019 cho thấy, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục.
Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này cho thấy năm 2019, BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012). So với số liệu của cuộc Điều tra được thực hiện năm 2009 thì số vụ BLGĐ ở Việt Nam còn tăng lên.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống BLGĐ. Điều này một phần xuất phát từ công tác tổ chức, triển khai thực hiện của các địa phương, song cũng do Luật hiện hành còn thiếu các nội dung, chính sách, quy định phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần phải được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống BLGĐ.
Theo tờ trình, dự luật lần này sửa đổi, bổ sung quy định về biện pháp ngăn chặn hành vi BLGĐ và bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ. Theo đó, người có hành vi bạo lực có thể bị buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực, cấm tiếp xúc, yêu cầu đến trụ sở công an xã hoặc bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính, bảo vệ người bị hại theo pháp luật tố tụng hình sự.
Theo dự luật, Chủ tịch UBND cấp xã được quyền ra quyết định cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 3 ngày khi người bị bạo lực, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp yêu cầu cấm tiếp xúc và hành vi bạo lực gây tổn hại hoặc đe dọa tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực.
Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực suốt thời gian cấm tiếp xúc từ 50m trở lên, nếu vi phạm sẽ bị tạm giữ. Người bị bạo lực được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc.
Dự thảo luật bỏ quy định người bị BLGĐ phải viết đơn đề nghị áp dụng cấm tiếp xúc, để thay bằng quy định "yêu cầu cấm tiếp xúc" để vừa bảo đảm tôn trọng quyền của người bị BLGĐ vừa giảm thủ tục hành chính gây khó khăn cho người bị BLGĐ.
Tại phiên thảo luận tại tổ về dự án luật, một số đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm vào dự thảo Luật các hành vi BLGĐ như việc sử dụng các hình thức trừng phạt với các hành vi, ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của trẻ em hay như việc bổ sung quyền cho người bị BLGĐ được ở trong chính ngôi nhà của mình.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh) nêu thực tế, trước nay, hầu hết người ra khỏi nhà đều là người bị bạo hành trong khi họ có nhu cầu, mong muốn được cư trú ngay tại gia đình của mình. Cũng từ quan điểm này, đại biểu lưu ý, trong dự thảo có quy định phải bố trí nơi tạm lánh cho người bị BLGĐ.
"Người có hành vi xâm hại, bạo lực tại sao không phải là người đi khỏi nhà, tại sao lại phải cách ly người yếu thế. Đề nghị có nơi cách ly cần thiết cho đối tượng có nguy cơ BLGĐ", bà Nguyễn Thị Lệ nói.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết: ''Đối tượng bị BLGĐ có đối tượng yếu thế chiếm số lượng lớn là trẻ em nhưng dường như trong dự luật này, chúng ta quên mất đối tượng trẻ em. Tất cả quy định dường như hướng đến người lớn".
Một số đại biểu cho rằng, các nội dung của dự thảo luật còn chưa thể hiện đầy đủ các quy định về biện pháp phòng và hạn chế phát sinh hành vi bạo lực mà chủ yếu là giải pháp bảo vệ, hỗ trợ và xử lý khi đã xảy ra các hành vi bạo lực
Một số đại biểu đề nghị cần bổ sung đường dây nóng ở địa phương để trợ giúp người bị BLGĐ; cần quy định cụ thể hơn phạm vi, thậm chí là kể cả lực lượng y tế của các địa phương trong việc sớm phát hiện sớm những đối tượng có nguy cơ gây BLGĐ để ngăn ngừa.
(Theo VTV)