Kỷ niệm 92 năm ngày mất của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học (17/6/1930-17/6/2022)

Ngày đau thương và bi tráng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/6/2022 | 10:19:49 PM

YênBái - Cách đây vừa tròn 92 năm, vào đúng ngày 17/6/1930, 13 chiến sỹ Việt Nam Quốc dân Đảng, trong đó có Nguyễn Thái Học khi đó mới 28 tuổi, bị đưa từ Nhà tù Hỏa Lò lên Yên Bái để thực thi bản án tử hình. Cuộc Khởi nghĩa Yên Bái tuy thất bại nhưng đã tạo nên tiếng vang khắp nơi, làm nức lòng đồng bào trong nước và gây rung động cả chính quốc Pháp.

Nhà yêu nước Nguyễn Thái Học
Nhà yêu nước Nguyễn Thái Học

Những nhà lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân đảng quyết định tổ chức một cuộc nổi dậy vào đầu năm 1930, nhưng do quá trình chuẩn bị gặp nhiều trắc trở: thời gian phát động cuộc khởi nghĩa lúc đầu được ấn định vào ngày 10/02/1930, sau đó Nguyễn Thái Học lại quyết định hoãn tới ngày 15/02/1930. Do sự chỉ đạo không thống nhất và thiếu sự phối hợp nên cuộc nổi dậy của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng đã diễn ra không đồng nhất. Phần lớn tại các địa phương, cuộc khởi nghĩa bắt đầu vào đêm ngày 9 rạng ngày 10/02/1930, nơi nổ súng đầu tiên và quyết liệt nhất là ở Yên Bái, do đó sự kiện này thường được gọi chung là khởi nghĩa Yên Bái.

 Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị thực dân Pháp dập tắt, hàng ngàn đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng bị bắt và bị kết án, từ chung thân đến lưu đày biệt xứ; trên 30 đảng viên bị kết án tử hình. Phần lớn trong số họ bị đưa về giam giữ trong Nhà tù Hỏa Lò, chờ ngày thi hành bản án.

Vào đúng ngày 17/6/1930, 13 chiến sỹ Việt Nam Quốc dân Đảng, trong đó có Nguyễn Thái Học (28 tuổi) cùng các  ông: Bùi Tử Toàn (37 tuổi), Bùi Văn Chuẩn (35 tuổi), Nguyễn An (31 tuổi), Hồ Văn Lạo (25 tuổi), Đào Văn Nhít, Nguyễn Văn Du, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Sứ, Bùi Văn Cửu, Nguyễn Như Liên (20 tuổi), Phó Đức Chính (23 tuổi), bị đưa lên Yên Bái để thi hành án tử hình.

Tượng đài Khởi nghĩa Yên Bái tại Khu di tích lịch sử mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự ở thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Miền)
Tượng đài Khởi nghĩa Yên Bái tại Khu di tích lịch sử mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự ở thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Miền)

Trong tác phẩm "Từ Yên Bái đến ngục thất Hỏa Lò", tác giả Hoàng Văn Đào đã tường thuật cuộc xử chém như sau: 

"Yên Bái, một vị trí lịch sử lần thứ hai lại chứng kiến các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đền nợ nước.

 Trong chuyến xe lửa bí mật, riêng biệt khởi hành từ Hà Nội lên Yên Bái, các tử tù cứ hai người còng làm một, trò chuyện ở toa hạng tư trên một lộ trình dài 4 tiếng đồng hồ. Cùng đi với các tội nhân còn có các thanh tra sở mật thám Pháp, hai cố đạo người Âu là Linh mục Mechet và Dronet. Máy chém cũng di chuyển theo cùng chuyến xe. Đao phủ phụ trách buổi hành quyết là Cai Công.

Cuộc hành quyết khởi sự vào lúc 5 giờ kém 5 phút, sáng ngày 17/6/1930 trên một bãi cỏ rộng với sự canh phòng cẩn mật của 400 lính bản xứ…”.

Trước khi cuộc hành quyết được diễn ra, các chiến sĩ đều dõng dạc hô to " Việt Nam muôn năm”. Ngay sau đó, lưỡi máy chém đã rơi xuống đầu các ông. Riêng ông Phó Đức Chính còn đòi nằm ngửa để nhìn lưỡi máy chém rớt xuống cổ mình. Xác của 13 người chôn chung một hố, dưới chân đồi cao, bên cạnh đồi là đền thờ Tuần Quán, cách ga xe lửa Yên Bái khoảng một cây số.

Ký giả người Pháp Louis Roubaud được chứng kiến cuộc hành hình các nhà cách mạng Việt Nam sau này đã viết: "Tôi phải giở nón nghiêng mình kính phục tinh thần ái quốc, lòng dũng cảm vô bờ bến của những người Việt Nam yêu nước…”  (Vietnam, Tragédie Indochinoise)

 Sau này, Nguyễn Phan An có làm bài thơ tưởng niệm Nguyễn Thái Học như sau: 

Yên Bái đầu rơi một sớm nào,
Lòng son ngời sáng với trăng sao...
Vì dân dựng Đảng, ôi xương trắng!
Vì nước ra công, hỡi máu đào !
Cách mệnh chưa thành ! Sông núi khóc,
Tài mưu sớm thác! Gió mưa gào.
Hai mươi tám tuổi "thành nhân” ấy,
Trang sử ngàn thu đã bước vào.

Cuộc Khởi nghĩa Yên Bái tuy thất bại nhưng đã tạo nên tiếng vang khắp nơi, làm nức lòng đồng bào trong nước và gây rung động cả chính quốc Pháp.

(Nguồn: Bảo tàng tỉnh Yên Bái)

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kết luận buổi làm việc.

Chiều 17/6, đồng chí Nguyễn Thế Phước – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh đã làm việc với huyện Văn Yên nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn về công tác thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 và tiến độ triển khai bồi thường, hỗ trợ tái định cư đổi với các quỹ đất thu ngân sách khối tỉnh đang triển khai trên địa bàn huyện Văn Yên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để nêu cao ý chí chiến đấu; thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ đã dạy lực lượng Công an nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi thông tin về giải tại họp báo.

Sáng 17-6, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 đã tổ chức họp báo thông tin về các giải thưởng và lễ trao giải, sẽ diễn ra vào đúng kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6) tại Hà Nội.

Sáng 17/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022) và trao Giải Báo chí tỉnh Yên Bái năm 2022. Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu chúc mừng. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục