Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2022)

Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/7/2022 | 8:17:27 AM

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình trí thức nghèo thuộc dòng họ Nguyễn Trãi, tại làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Mùa thu năm 1927, Nguyễn Văn Cừ thi vào Trường Bưởi ở Hà Nội (tức trường Bảo hộ Lycée du Protectorat, nay là Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội), đỗ loại giỏi, được cấp học bổng toàn phần và được ở ký túc xá. 

Những năm học ở Trường Bưởi, được tiếp xúc với nhiều bạn bè, học sinh lớp trên, được họ kể về những cuộc đấu tranh đã diễn ra trong nhà trường, như bãi khoá phản đối chính quyền thực dân Pháp kết án nhà yêu nước Phan Bội Châu, đòi truy điệu và để tang chí sĩ Phan Chu Trinh…, tư tưởng yêu nước và cứu nước của Nguyễn Văn Cừ bắt đầu từ đấy. 

Cuối năm 1928, Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Khi đang học năm thứ hai bậc trung học, Nguyễn Văn Cừ bị đuổi khỏi trường với lý do làm thơ đả kích bọn nịnh Tây.

Ra khỏi Trường Bưởi, Nguyễn Văn Cừ trở về quê dạy học tư ở làng Hà Lỗ. Trong thời gian này, Nguyễn Văn Cừ được đồng chí Ngô Gia Tự khi đó là Bí thư Tỉnh hội Bắc Ninh của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội giao cho nhiệm vụ đi xây dựng cơ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở vùng ven sông Cầu.

Cuối năm 1928, Nguyễn Văn Cừ bí mật rời Bắc Ninh ra vùng mỏ Đông Bắc hoạt động. Tháng 6/1929, khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Nguyễn Văn Cừ trở thành một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng. Nguyễn Văn Cừ ra sức phấn đấu xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, và ngay trong tháng 6 - 1929, Nguyễn Văn Cừ đã cùng các đồng chí đồng chí hướng thành lập được chi bộ Đảng ở Uông Bí - Vàng Danh (Quảng Ninh), bao gồm một số thợ lò, thợ máy và hội viên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. 

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Nguyễn Văn Cừ trở thành Đảng viên của Đảng, giữ chức Bí thư Đặc khu ủy Hòn Gai - Uông Bí. 

Trong lúc phong trào cách mạng ở vùng mỏ Đông Bắc đang dâng cao, thì ngày 15/2/1931, trên đường từ Cẩm Phả về Hòn Gai, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt. Địch chuyển Nguyễn Văn Cừ từ Hòn Gai về Hà Nội, giam ở Hỏa Lò. 

Tại nhà tù Hỏa Lò, không để rảnh rỗi thời gian, Nguyễn Văn Cừ lao vào học tập lý luận, chính trị một cách kiên trì, tự giác. Không thể khai thác được gì ở đồng chí Nguyễn Văn Cừ, thực dân Pháp buộc phải mang Nguyễn Văn Cừ ra toà xét xử, ngày 13/5/1931, Hội đồng đề hình Bắc Kỳ kết án Nguyễn Văn Cừ 20 năm biệt xứ và đày ra Côn Đảo. 

Ra Côn Đảo, Nguyễn Văn Cừ gặp các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hạ Bá Cang... và tham gia chi bộ Đảng ở Côn Đảo. 

Năm 1936, ở Việt Nam và Pháp nổi lên phong trào đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp thả các tù chính trị ở Đông Dương. Cuộc đấu tranh đã mang lại kết quả, ngày 29/9/1936, nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương buộc phải thả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có Nguyễn Văn Cừ. 

Đầu năm 1938, Nguyễn Văn Cừ bí mật rời Hà Nội vào Sài Gòn để dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được triệu tập tại Hóc Môn, Gia Định, từ ngày 29 - 30/3/1938. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cử Ban Thường vụ Trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, là Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta. 

Với cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, chỉ hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, trong đó xác định: Đảng sẽ tiến hành thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ không còn thích hợp nữa; phương pháp cách mạng cũng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang. 

Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Đảng phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng mới, lực lượng cách mạng cũng tránh được tổn thất lớn khi kẻ địch trở mặt đàn áp, góp phần đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử. 

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ còn là người đi đầu trong việc đề cao tinh thần thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình nhằm nâng cao sức mạnh của Đảng thể hiện thông qua tác phẩm "Tự chỉ trích" được viết vào tháng 7/1939. 

Tác phẩm "Tự chỉ trích" đã thể hiện sự minh triết trong tư duy chính trị của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng xuất sắc, đồng thời thể hiện chất trí tuệ sáng ngời của Đảng ta trong việc làm giàu thêm kho tàng lý luận học thuyết Mác - Lênin… 

Ngày 18/1/1940, Nguyễn Văn Cừ bị bắt cùng với hai đồng chí của mình bị kẻ thù kết án tử hình. Sáng sớm ngày 28/8/1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ hiên ngang bước ra pháp trường. Những khẩu hiệu cách mạng mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí của mình hô vang trước lúc bị giặc Pháp xử bắn vẫn còn vang vọng mãi đến hôm nay. Tấm gương hy sinh lẫm liệt của đồng chí Nguyễn Văn Cừ mãi mãi là niềm tự hào của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam.

B.T





Các tin khác
Ông Shinzo Abe phát biểu tại Tokyo, Nhật Bản tháng 4/2020.

Lãnh đạo Việt Nam gửi điện chia buồn với Nhật Bản, sau khi cựu thủ tướng Shinzo Abe qua đời vì bị ám sát.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo 110 theo dõi, chỉ đạo.

Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo nguyên chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Cán sự đảng UBND TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Nguyễn Thành Phong, nguyên chủ tịch UBND TPHCM.

Quang cảnh Hội nghị

Chiều 8/7, đồng chí Ngô Hạnh Phúc – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục