72 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (15/7/1950 - 15/7/2022):

Biểu tượng tinh thần yêu nước của tuổi trẻ Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/7/2022 | 3:20:11 PM

"Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên" là bốn câu thơ Bác Hồ tặng cho Liên phân đội Thanh niên xung phong (TNXP) 312, khi Bác đến thăm và nói chuyện với toàn thể cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù (thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, ngày 20/3/1951). Bốn câu thơ đã trở thành phương châm sống và hành động không chỉ của Thanh niên xung phong mà cả thế hệ trẻ Việt Nam.

TNXP xã Ngọc Động, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng phá đá, mở rộng đường qua núi, đảm bảo tiêu chuẩn cho xe vận tải qua lại an toàn. Ảnh tư liệu
TNXP xã Ngọc Động, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng phá đá, mở rộng đường qua núi, đảm bảo tiêu chuẩn cho xe vận tải qua lại an toàn. Ảnh tư liệu

Trải qua 72 năm xây dựng, phấn đấu, truyền thống cách mạng, phẩm chất của TNXP trong kháng chiến được phát huy, nuôi dưỡng đến hôm nay và là hình mẫu để thế hệ trẻ học hỏi, tiếp bước cha anh, cùng chung sức thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sự sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam 

Đầu những năm 50 của thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã đến thời điểm quyết liệt. Với tầm nhìn chiến lược về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, Bác Hồ đã chỉ đạo Đảng đoàn Ban Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tổ chức đội thanh niên tập trung dài ngày để phục vụ kháng chiến và kiến quốc, lấy tên là: "Đội TNXP công tác".

Ngày 15/7/1950, Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên được thành lập tại núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 225 đội viên, do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Sau đó, các Đội TNXP khác lần lượt ra đời, nhiệm vụ được giao là mở đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm, khiêng thương, tải đạn, sát cánh với bộ đội, phục vụ chiến đấu, phục vụ chiến trường, góp phần bảo vệ các cơ quan đầu não chiến khu Việt Bắc (ATK). 

Đầu tháng 8/1950, Đội TNXP công tác Trung ương xuất quân phục vụ Chiến dịch Biên giới, đã lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương: "Đội TNXP công tác đã nêu cao tinh thần tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ, gương mẫu trong mọi nhiệm vụ…".

Sự kiện thành lập Đội TNXP công tác chứng tỏ rằng, Bác Hồ nhận thấy vai trò to lớn của thanh niên. Nếu được tổ chức lại, được động viên, bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước, kết hợp ý chí người Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thanh niên, Bác đánh giá cao và tin tưởng họ có sức mạnh dời non lấp biển. Trong Di chúc, Bác Hồ cũng nhấn mạnh vai trò của thanh niên, đánh giá cao lực lượng thanh niên và luôn tin tưởng, giao việc quan trọng cho thanh niên.

Ngày 15/7 từ đó đã đi vào lịch sử, được lấy làm Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam. Sự ra đời của lực lượng TNXP là sự sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là sự lãnh đạo xuất sắc của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Trường học lớn của TNXP đã giáo dục và rèn luyện một cách toàn diện về chính trị, tư tưởng, quân sự, văn hóa và niềm tin, lối sống, bằng những phương châm, phương pháp rất phù hợp đặc điểm, đậm tính sáng tạo thanh niên. Đây là bài học quý giá cho hôm nay về mô hình, tổ chức, về nội dung, phương thức tập hợp, giáo dục thanh niên.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: "Tôi luôn coi TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ...". Ông khẳng định: "Trong kháng chiến, nhất là chiến dịch, nếu không có TNXP, bộ đội sẽ gặp khó khăn. Bởi công tác hậu cần, nhất là công tác xây dựng các tuyến đường chiến lược và bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến là vô cùng khó khăn và cực kỳ quan trọng, quan trọng không kém công tác chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu hàng ngày, hàng giờ. Lực lượng TNXP đã thực sự đem tinh thần "xung phong" mà Bác Hồ dạy, xung phong trên các chiến trường, góp phần cùng quân đội lập nên những chiến công oanh liệt và cùng xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng..." (Trích "Tư tưởng Hồ Chí Minh về trường học lớn TNXP, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2017).

TNXP là lực lượng đã góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Với khí thế của phong trào "Ba sẵn sàng", "Năm xung phong", lực lượng TNXP đã có mặt ở các chiến trường, địa bàn trọng điểm, sát cánh cùng bộ đội tham gia chiến đấu. Đặc biệt, trên 40.000 TNXP đã tham gia mở đường Trường Sơn huyền thoại, khắc ghi chiến công tại ngã ba Đồng Lộc, phà sông Gianh, Truông Bồn, Hàm Rồng… Sau ngày giải phóng miền Nam, lực lượng TNXP tiếp tục tham gia xây dựng kinh tế mới, bảo vệ biên giới…

Với những đóng góp, hy sinh to lớn, họ xứng đáng là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam. Truyền thống vẻ vang của lực lượng TNXP đã trở thành giá trị tinh thần to lớn động viên thế hệ trẻ Việt Nam tiếp tục phấn đấu, đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước. 

Phát huy vai trò nhân chứng lịch sử 


Đoàn viên, thanh niên phối hợp với người dân xây dựng nông thôn mới đổ bê tông tuyến đường liên bản tại bản Phàng Cao (xã Khun Há, huyện Tam Đường, Lai Châu). Ảnh minh họa

Trải qua các thời kỳ kháng chiến, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc..., hoạt động trong điều kiện chiến tranh ác liệt, địa bàn khó khăn, gian khổ, nhiều TNXP hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương mang trên mình những vết thương, sức khỏe giảm sút, thiếu chỗ dựa gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, họ rất cần sự gần gũi, giúp đỡ của đồng đội, đồng thời cần được Nhà nước và xã hội quan tâm.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, vì các đơn vị đã giải thể, cơ quan quản lý trực tiếp cũng giải thể hoặc chuyển đổi nên hồ sơ tài liệu về đơn vị TNXP, cán bộ, đội viên... qua nhiều năm bị thất lạc, gây khó khăn cho công tác giải quyết chế độ chính sách. Trong khi đó, cựu TNXP không có tổ chức đại diện làm nhân chứng lịch sử để giúp Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng giải quyết những tồn đọng về chính sách.

Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của hàng chục vạn cựu TNXP trên cả nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu TNXP, ngày 19/12/2004, Hội Cựu TNXP Việt Nam được thành lập và dần mở rộng tại các cấp Hội cơ sở ở nhiều địa phương. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng TNXP.

Với vai trò là "nhân chứng lịch sử, vì nghĩa tình đồng đội", mặc dù hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song hơn 17 năm qua, Hội đã góp phần tích cực bảo vệ lợi ích chính đáng của cựu TNXP, giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống; cùng với Đoàn Thanh niên tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu nhi phát huy truyền thống lịch sử, phẩm chất của TNXP Việt Nam.

Kể từ khi được thành lập, Hội Cựu TNXP Việt Nam đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích: Tập hợp, đoàn kết các cựu cán bộ, đội viên TNXP; tiến hành các hoạt động "Nghĩa tình đồng đội", các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, góp phần hỗ trợ chính quyền giải quyết các tồn đọng về chính sách đối với TNXP; động viên nhau phát huy bản chất, truyền thống TNXP.

Hiện cả nước có trên 500.000 cựu TNXP đang sinh sống ở các địa phương, trong đó hàng ngàn cựu TNXP sống cô đơn, không nơi nương tựa. Thời gian qua, Hội Cựu TNXP các cấp đã tích cực tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng chính sách và phối hợp giải quyết chế độ đối với TNXP, như hỗ trợ xác nhận liệt sỹ, thương binh; giải quyết chế độ cho TNXP nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của TNXP bị hậu nhiễm; trợ cấp một lần cho TNXP còn sống và TNXP đã từ trần...

Phong trào "Nghĩa tình đồng đội" ngày càng phát triển mạnh mẽ, đạt được kết quả tích cực. Cán bộ, hội viên và tổ chức Hội các cấp đã đẩy mạnh hoạt động "Cựu TNXP làm kinh tế giỏi để thoát nghèo - Vì nghĩa tình đồng đội", "Nuôi heo đất, lợn đất", "Hũ gạo tình nghĩa", "Bát cháo từ tâm"…

Với phương châm "Phát huy truyền thống anh hùng, vai trò nhân chứng lịch sử; xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đoàn kết, sáng tạo vì nghĩa tình đồng đội, góp phần vào sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", thời gian tới, Hội Cựu TNXP các cấp phấn đấu ở đâu có cựu TNXP ở đó có hoạt động Hội; tập hợp được 90% cựu TNXP tham gia sinh hoạt; 100% hộ cựu TNXP có nhà ở không bị dột nát; 100% hộ cựu TNXP khó khăn có con đẻ bị hậu nhiễm chất độc hóa học được Hội và đồng đội giúp đỡ. Mỗi cơ sở Hội có ít nhất một mô hình cựu TNXP làm kinh tế giỏi "Cựu TNXP vì nghĩa tình đồng đội"…

Ra đời trong kháng chiến chống Pháp, theo tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lực lượng TNXP đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, xung kích đi đầu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lao động quên mình, anh dũng hy sinh trong phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử của dân tộc.

Lực lượng TNXP Việt Nam xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và những phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Thành đồng Tổ quốc của Đảng, Nhà nước trao tặng.

Phát huy phẩm chất của TNXP, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay đang từng ngày thể hiện bản lĩnh, tinh thần xung kích, sáng tạo, tình nguyện trong tham gia mọi nhiệm vụ của đất nước, để tiếp nối và mãi ngời sáng tinh thần xung phong - tình nguyện của thế hệ cha anh, phục vụ thắng lợi công cuộc đổi mới quê hương.

(Theo Tin tức)

Các tin khác

Ngày 14/7, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, UBND tỉnh, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) 6 tháng đầu năm và triển khai hoạt động 6 tháng cuối năm 2022.

Các học viên tham gia Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

Ngày 14/7, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho 1.500 học viên là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí năm 2022.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cho đồng chí Lưu Bá Tỉnh.

Thực hiện Quyết định số 489-QĐ/TU ngày 08/07/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc bổ nhiệm đồng chí Lưu Bá Tỉnh – Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy kể từ ngày 15/7/2022, ngày 14/7, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị công bố và trao quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ.

Sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (mở rộng) đã hoàn thành toàn bộ nôi dung, chương trình đề ra. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu bế mạc của đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục