Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/7/1977 - 18/7/2022)

Tài sản chung vô giá của hai dân tộc

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/7/2022 | 7:49:36 AM

YênBái - Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962 cũng như ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977 là những mốc son chói lọi đánh dấu bước phát triển trong lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng phát triển đất nước phồn vinh theo định hướng xã hội chủ nghĩa...

Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh phát động “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022”.
Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh phát động “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022”.

"Hai nước Lào và Việt Nam có truyền thống yêu thương gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau một cách mật thiết, đồng cam cộng khổ trong suốt nhiều thập niên đấu tranh cứu quốc và bảo vệ Tổ quốc. 

Hai dân tộc đã cùng nhau sát cánh chiến đấu, từng bước đánh thắng kẻ thù để tới ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời và ngày 12/10/1945, Chính phủ Lào Issara tuyên bố nền độc lập của Lào” - Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang khẳng định. 

Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Lào Issara là cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam-Lào lên tầm liên minh chiến đấu. 

Ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào-Việt vào ngày 16/10/1945 và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào-Việt vào ngày 30/10/1945-những văn kiện chính thức đầu tiên tạo cơ sở pháp lý để hai nước Việt Nam-Lào hợp tác và đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mối quan hệ đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của quân và dân hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển ngày càng sâu đậm. Sau những thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao của cách mạng Lào, việc Hiệp định Geneva năm 1962 về Lào được ký kết mở ra thời kỳ phát triển mới cho cách mạng hai nước Lào và Việt Nam. Với thời cơ và điều kiện thuận lợi đó, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962. 

Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tại cuộc họp với quân đội Lào, Hoàng thân Souphanouvong đã nói: "Sau khi đặt quan hệ ngoại giao với các nước, chúng ta có thêm nhiều bạn bè, nhưng người bạn cùng sống chết, chung một chiến hào với ta chỉ có Việt Nam. Kể từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân hai nước Việt Nam-Lào anh em càng gắng sức hỗ trợ nhau, kề vai sát cánh trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. 

Giai đoạn 1945-1975, chứng kiến hai dân tộc Việt Nam và Lào luôn kề vai sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, vừa là thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vừa là vì lợi ích của mỗi quốc gia như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Giúp bạn là tự giúp mình”. 

Bất chấp những thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh, gian khổ, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam-Lào đã anh dũng đưa sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc của hai nước đi tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975 với chiến thắng ngày 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam và sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975. 

Sau khi hai nước được giải phóng hoàn toàn vào năm 1975, quan hệ Việt Nam-Lào bước sang một trang hoàn toàn mới, từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập, chủ quyền. Tình hình quốc tế có những chuyển biến phức tạp. Các thế lực thù địch trong nước và bên ngoài câu kết, tìm cách chia rẽ Lào với Việt Nam, Việt Nam với Lào. 


Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh Yên Bái gặp mặt và chúc tết Lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái (ảnh chụp tháng 1/2021). 

Đặc biệt, sau khi quân đội và chuyên gia Việt Nam rút về nước đầu năm 1976 theo thỏa thuận giữa hai Đảng và Chính phủ hai nước, các thế lực phản động trong nước Lào, với sự hỗ trợ của các thế lực thù địch quốc tế, đã hoạt động nổi dậy ở nhiều nơi, gây nên những nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị của Lào. 

Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải phát triển và thắt chặt quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào phù hợp với chuyển biến của thời cuộc. Kết quả, nhân chuyến thăm chính thức Lào của đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977. 

Đây là Hiệp ước toàn diện, mang tính chiến lược lâu dài, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để củng cố và tăng cường lâu dài tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Việc ký kết Hiệp ước là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời có ý nghĩa quốc tế quan trọng, nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng giữa hai nước đang cùng hướng tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội và phát huy ảnh hưởng tích cực trong khu vực. 

Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào được tôi luyện qua gian lao, thử thách và đã trở thành mối tình hữu nghị vĩ đại, gắn kết không thể tách rời. Trong lịch sử thế giới từ xưa đến nay, hiếm có mối quan hệ song phương nào được chứng minh luôn chia ngọt sẻ bùi, tình nghĩa ruột thịt, thân thiết, trước sau như một, được thử thách qua nhiều gian nan, hiểm nguy như quan hệ Việt Nam-Lào.  

Trên thực tế, quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào không phải do ý muốn chủ quan của bất kỳ bên nào. Theo Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, có 3 yếu tố khiến quan hệ Việt Nam-Lào trở nên đặc biệt. Trước hết là sự gần gũi về địa lý. Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, từ bao đời nay sống bên nhau, cùng uống chung dòng nước Mê Công, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Tiếp đến là nhân dân Việt Nam và Lào đều giàu lòng nhân ái, bao dung và rất mực yêu chuộng hòa bình, tự do, cùng sẻ chia về lịch sử đấu tranh chống kẻ thù chung. Một yếu tố có tính quyết định nữa là nhân dân hai nước đều được chính đảng tiền phong của giai cấp công nhân lãnh đạo, với đường lối đúng đắn trong đấu tranh cách mạng, xây dựng đất nước và trong quan hệ quốc tế. 

Trên cơ sở 3 yếu tố nói trên, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đưa ra những dẫn chứng cụ thể khẳng định quan hệ Việt Nam-Lào là đặc biệt, mẫu mực, hiếm có. Thứ nhất, nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh, sống chết có nhau, sẵn sàng hy sinh vì nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. 

Quan hệ Việt Nam-Lào thực sự được tạo dựng bằng mồ hôi, máu xương của biết bao thế hệ người dân hai nước, trong đó phải kể đến hàng vạn Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào. 

Thứ hai, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc còn được xây đắp từ những giọt mồ hôi, nước mắt và dòng sữa ngọt của rất nhiều bà mẹ Lào đã nhường suất ăn, đặc biệt là nhường cả dòng sữa hiếm hoi cho con mình để cứu bộ đội Việt Nam cũng như những bà mẹ Việt Nam sẵn sàng tiễn chồng, con lên đường sang Lào chiến đấu. 

Thứ ba, quan hệ Việt Nam-Lào đặc biệt ở chỗ hai nước hợp tác, giúp đỡ nhau chân thành, vô tư, trong sáng, chí tình, chí nghĩa, không vẩn đục bởi tư tưởng vụ lợi hay nước lớn, nước nhỏ, không chỉ thương yêu mà còn luôn tôn trọng, đối xử với nhau thực sự bình đẳng. Thứ tư, đồng thời với khát vọng đưa dân tộc mình vươn lên sánh ngang các cường quốc, nhân dân Việt Nam luôn ước vọng đất nước và nhân dân Lào anh em được sống trong hòa bình, độc lập tự do, phát triển phồn vinh, có vị thế quốc tế cao. 

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Lào trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội đã ngày càng mở rộng và phát triển, mang lại lợi ích tốt đẹp cho nhân dân hai nước. 

Nhiều công trình, dự án hợp tác thiết thực giữa hai nước về mạng viễn thông, giao thông, thủy điện, trồng cao su, cà phê, trường học, bệnh viện, các cụm bản nghèo đặc biệt khó khăn… đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trên nhiều vùng, tỉnh xa, khó khăn của Lào, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân. 

Trong lúc đại dịch Covid-19 đang tàn phá nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu cũng như gây ảnh hưởng không nhỏ đến hai nước, hai nước Việt Nam - Lào vẫn luôn kề vai sát cánh trong cuộc chiến này. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã nhấn mạnh, mối quan hệ hợp tác toàn diện, đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam là sự thân thiết, tin cậy lẫn nhau, tạo ra sức mạnh hợp tác, thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của 2 nước. 

Triển vọng phục hồi của thế giới và khu vực còn bấp bênh, đi kèm nhiều rủi ro, nhất là đối với các nền kinh tế vừa và nhỏ như hai nước Việt Nam và Lào. Đồng thời, các xu hướng dịch chuyển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh... đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới đan xen cho tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như hội nhập quốc tế sâu rộng của Lào và Việt Nam. 

Tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng và những thành tựu hợp tác vừa qua, hai nước Việt Nam và Lào hiểu rằng, trụ cột quan hệ chính trị sẽ tiếp tục là định hướng tổng thể quan hệ đặc biệt Việt - Lào trong thời gian tới và cùng nhau hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân ấm no và hạnh phúc.

(Theo QĐND)

Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Tối 17/7, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2022) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh; trao tặng Danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" và các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho các tập thể, cá nhân thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp đồng chí Bounthong Chitmany, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào.

Chiều 17/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đồng chí Bounthong Chitmany, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ Nhân dân Lào và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào đang ở thăm chính thức Việt Nam.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 (mở rộng)/ Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đỗ Đức Duy tiếp xúc cử tri thành phố Yên Bái/ Yên Bái đăng cai Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc/ Tổ công tác Đề án 06 tỉnh triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm/ Khai trừ khỏi Đảng 1 trưởng khoa của CDC Yên Bái và xem xét, thi hành kỷ luật các cá nhân liên quan vụ kit xét nghiệm Việt Á/ Yên Bình: 3 người tử vong do đuối nước… là những tin tức thời sự nổi bật trong tỉnh tuần qua.

Tổng Bí thư Lê Duẩn và Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane ký Tuyên bố chung Việt Nam-Lào ngày 18/7/1977. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Việt Nam - Lào có mối quan hệ đặc biệt được tạo dựng từ lịch sử của hai dân tộc, phát triển tình bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Năm nay, Việt Nam và Lào cùng hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2022) và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (18.7.1977 - 18.7.2022). Có thể nói, Hiệp ước quan trọng này chính là biểu tượng sinh động cho tình cảm khăng khít, đoàn kết đặc biệt có một không hai giữa hai quốc gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục