Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, Võ Toàn đã được giáo dục về tinh thần dân tộc và chịu ảnh hưởng của nhiều chí sĩ tiền bối của quê hương xứ Quảng như: cụ Phan Châu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng... Ngay từ năm 14 tuổi, Võ Toàn đã cùng cha tham gia các phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh, đòi dân sinh, dân chủ.
Từ năm 1930 đến năm 1932, Đồng chí tham gia hoạt động trong các phong trào thanh niên do Đảng ta tổ chức. Năm 1935, Đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và năm 1936 được cử làm Bí thư chi bộ ghép Mỹ Sơn, huyện Tam Kỳ.
Trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đồng chí Võ Chí Công đã lăn lộn, bám dân, bám địa bàn, gây dựng cơ sở cách mạng tại Quảng Nam. Sau cao trào vận động dân chủ 1936 - 1939, phong trào cách mạng bị đàn áp khốc liệt, nhiều tổ chức Đảng và cơ sở quần chúng ở Quảng Nam bị tan vỡ, Đồng chí phải thoát ly để hoạt động, giữ gìn và xây dựng cơ sở Đảng.
Năm 1939, Đồng chí được bổ sung vào Phủ ủy Tam Kỳ và được cử làm Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ. Do Bí thư và một số Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam bị bắt, Tỉnh ủy gần như không hoạt động, Đồng chí đã tiến hành chắp nối, xây dựng lại các tổ chức Đảng trong tỉnh và thành lập Ban liên lạc tỉnh để tiến tới thành lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam.
Tháng 3 năm 1940, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam được thành lập, Đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời. Tháng 10 năm 1940, tại Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, phụ trách huyện Tam Kỳ và Tiên Phước - một địa bàn địch thường xuyên khủng bố, đánh phá ác liệt. Nhưng với tinh thần không quản hy sinh, vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Đồng chí thường xuyên đi sâu đi sát cơ sở, kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng.
Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp khủng bố rất ác liệt, Đồng chí vừa phải di chuyển để tránh sự truy nã của địch, vừa tiến hành khôi phục hoạt động của các tổ chức Đảng ở các huyện và tìm cách bắt liên lạc với Xứ ủy và Trung ương Đảng.
Tháng 10 năm 1941, tại Hội nghị thành lập lại Xứ ủy Trung Kỳ, Đồng chí được bầu là Xứ ủy viên, phụ trách các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sau đó, tại Hội nghị củng cố Ban Chấp hành Đảng bộ Quảng Nam, Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Quảng Nam.
Đầu năm 1942, chính quyền thực dân, phong kiến lại tiến hành khủng bố phong trào cách mạng các tỉnh miền Trung, nhiều cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ và các tỉnh bị bắt, Đồng chí phải đi vào Nha Trang rồi Phan Thiết, sau đó lên Đà Lạt để vừa tránh khủng bố, vừa xây dựng cơ sở cách mạng ở các tỉnh này sau đó lại trở về Quảng Nam hoạt động.
Tháng 6 năm 1942, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam bị bắt, tại Hội nghị thành lập Ban Chấp hành Liên Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Đồng chí được cử làm Bí thư Liên tỉnh ủy. Tháng 12 năm 1942, Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam họp mở rộng đã bầu Đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Tháng 10 năm 1943, Đồng chí bị địch bắt, giam cầm và tra tấn rất dã man ở Nhà lao Hội An, rồi bị kết án tù chung thân, sau đó giảm xuống 25 năm tù, đày đi Nhà tù Buôn Ma Thuột.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Tháng 6 năm 1945, để mị dân, quân đội Nhật đã cho thả nhiều tù chính trị, trong đó có Võ Toàn. Được trả tự do, Đồng chí về Quảng Nam và được bổ sung vào Ủy ban Việt Minh Quảng Nam.
Từ ngày 12 đến 13 tháng 8 năm 1945, trước tình thế cách mạng mới, tuy chưa nhận được chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Nam đã họp quyết định tiến hành khởi nghĩa và thành lập Ủy ban bạo động để lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí được cử tham gia bộ phận Thường trực của Ủy ban, có trách nhiệm vạch kế hoạch tiến hành khởi nghĩa.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đồng chí được cử làm Trưởng ty Tư pháp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sau đó kiêm Chính trị viên Trung đoàn 93.
Chân dung đồng chí Võ Chí Công.
Từ năm 1946 đến năm 1952, Đồng chí làm Phó ban Tổ chức cán bộ và Thanh tra Quân khu 5, rồi Bí thư Ban cán sự Đông bắc Campuchia, Ủy viên Liên khu ủy 5, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Tháng 9 năm 1953, Đồng chí dẫn đoàn đại biểu Liên khu 5 đi dự Hội nghị toàn quốc bàn về cải cách ruộng đất. Sau hội nghị, Đồng chí được Trung ương phân công tham gia thí điểm cải cách ruộng đất ở Việt Bắc. Với tư cách là người trong cuộc, Đồng chí phê phán cách làm rập khuôn, giáo điều, dẫn đến những sai lầm, tổn thất cho cách mạng và rút ra nhiều kinh nghiệm quý giá, tránh được nhiều tổn thất trong việc giải quyết vấn đề ruộng đất và chính sách đối với nông dân ở vùng giải phóng.
Sau Hiệp định Giơnevơ, theo đề nghị của Đồng chí được trở về miền Nam công tác, Đồng chí được phân công trở lại Khu 5 để truyền đạt chủ trương của Trung ương Đảng về cách mạng miền Nam và ở lại hoạt động bí mật, lãnh đạo tập kết, chuẩn bị lực lượng cách mạng lâu dài ở miền Trung, trên cương vị Phó Bí thư Khu ủy và sau đó là quyền Bí thư Khu ủy Khu 5.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9 năm 1960), Đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 1 năm 1961, Trung ương Cục miền Nam được thành lập, Đồng chí được phân công làm Phó Bí thư thường trực Trung ương Cục, phụ trách dân vận, mặt trận, kinh tế, tài chính và vấn đề phá ấp chiến lược, chống bình định của địch. Năm 1962, Đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, được Trung ương cử làm đại diện của Đảng tại Mặt trận.
Tháng 12 năm 1963, sau Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), Bộ Chính trị cho tổ chức lại chiến trường miền Nam cho phù hợp với tình hình mới. Tháng 1 năm 1964, Bộ Chính trị điều động Đồng chí Võ Chí Công từ chiến trường Nam Bộ về lại Khu 5 làm Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5 và vẫn giữ chức phó Bí thư Trung ương Cục.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược vô cùng gian khổ và ác liệt, Đồng chí Võ Chí Công được rèn luyện trực tiếp trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng của vùng đất Quảng Nam kiên cường và chiến trường Khu 5 ác liệt. Đồng chí lần lượt được giao giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Khu 5. Là người giữ chức vụ cao nhất ở Khu 5, Đồng chí được coi là linh hồn của phong trào cách mạng Khu 5, luôn có mặt ở những địa bàn trọng yếu, ác liệt nhất của chiến trường Khu 5. Đồng chí cùng tập thể Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu V trực tiếp chỉ đạo việc đoàn kết, tập hợp, động viên mọi lực lượng trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đồng chí Võ Chí Công là một trong những nhà lãnh đạo thực tiễn xuất sắc trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Bản lĩnh của người lãnh đạo cao cấp thể hiện nổi bật ở sự quyết đoán, năng động và dám chịu trách nhiệm trong những thời khắc có tính chuyển biến quyết định của cách mạng và chiến tranh, tận dụng triệt để thời cơ một đi không trở lại. Là người xem trọng thực tiễn, sâu sát với phong trào cách mạng, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm, đường lối chiến tranh nhân dân, Đồng chí đã lãnh đạo quân và dân Khu 5 vượt qua những giai đoạn khó khăn. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Đồng chí đã lãnh đạo quân và dân Khu 5 sát cánh cùng các cánh quân chủ lực giải phóng Tây Nguyên, Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo đà thắng lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước), Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đồng chí luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng; sớm thể hiện sự tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; trân trọng, ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, nhân dân và các địa phương; cùng tập thể Trung ương lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá thế bị bao vây, cấm vận; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1975, Đồng chí được cử làm Phó ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam. Tháng 4 năm 1976, Đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI, được cử giữ chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12 năm 1976), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, giữ chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam (1978). Tháng 4 năm 1981, Đồng chí trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VII, được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3 năm 1982), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Ban Bí thư, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Tháng 6 năm 1986, Đồng chí được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12 năm 1986), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Tháng 4 năm 1987, Đồng chí được Quốc hội khóa VIII bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.
Tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa VIII (tháng 12 năm 1988), Đồng chí được cử làm Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980 thành lập hiến pháp năm 1992. Từ tháng 6 năm 1991 đến tháng 12 năm 1997, Đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Do tuổi cao sức yếu, Đồng chí mất ngày 8 tháng 9 năm 2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 100 tuổi.
100 năm tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, Đồng chí Võ Chí Công đã phấn đấu trọn đời mình và có những cống hiến hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân Chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đồng chí Võ Chí Công là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của Đồng chí là một tấm gương sáng về tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, giản dị, khiêm tốn, luôn phấn đấu hết mình vì lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân.
Nhằm tri ân và tưởng nhớ những cống hiến, hy sinh của Đồng chí Võ Chí Công, một khu tưởng niệm được xây dựng tại quê hương ông tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tên ông được đặt cho đường phố ở Đà Nẵng (đoạn đường nối Nguyễn Hữu Thọ với Trần Đại Nghĩa), ở Thủ đô Hà Nội (đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến cầu mới Nhật Tân), ở Thành phố Hồ Chí Minh (đường Vành đai 2 từ Khu công nghệ cao Quận 9 đến cầu Phú Mỹ).
"Đồng chí Võ Chí Công là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đồng chí luôn thể hiện phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, làm hết sức mình để giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; sống giản dị, khiêm tốn, được đồng chí, đồng bào tin yêu, quý mến; được bạn bè quốc tế trân trọng”[1].
(Theo Thành ủy TPHCM)
[1] Trích Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ truy điệu Đồng chí Võ Chí Công.