Yên Bái hạnh phúc khi là một trong số rất ít những địa phương trên cả nước giữ được vùng xanh an toàn trong thời gian dài (cho tới ngày 27/11/2021, trên địa bàn tỉnh mới xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng). Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, cùng với cả nước, tỉnh Yên Bái phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, đặc biệt là những tác động và ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh Covid-19 tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội và sức khỏe của nhân dân.
Việc triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh không đơn thuần là áp văn bản từ trên xuống. Thời điểm đó, mỗi văn bản chỉ đạo triển khai cụ thể trên địa bàn tỉnh được ra đời sau những trăn trở, hàng đêm thức trắng của lãnh đạo địa phương, vì hơn ai hết, sau mỗi con chữ, mỗi câu từ là sự an toàn của cả cộng đồng, là tính mạng, sức khỏe của mỗi người dân.
Yên Bái đã triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 - là bước quan trọng cho việc thực hiện "mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, xã hội, chung sống an toàn với dịch bệnh; vượt qua được các giai đoạn tình hình dịch hết sức căng thẳng và diễn biến phức tạp, đảm bảo an toàn, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ ca bệnh nhập viện, ca bệnh tử vong của tỉnh Yên Bái ở mức rất thấp so với mặt bằng chung cả nước...
Khi ấy, càng thấu hiểu ý nghĩa của tiêu chí "Người dân được sống an toàn, chủ động trước thiên tai, dịch bệnh” trong bộ tiêu chí tạm thời đánh giá "Gia đình hạnh phúc”, "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc” theo Quyết định số 1929/QĐ-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái trả lời phỏng vấn báo chí sau khi Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh thành công tốt đẹp.
Yên Bái hạnh phúc khi đang bảo vệ tốt thành quả và có thể chia sẻ nguồn lực (dù khiêm tốn) chung tay giúp đỡ các địa phương chống dịch; thể hiện tinh thần đoàn kết, "đồng cam cộng khổ”, tấm lòng tri ân đối với cả nước đã đồng hành, giúp đỡ những lúc Yên Bái khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Hạnh phúc thể hiện trên khuôn mặt, ánh mắt của hàng trăm y bác sỹ, nhân viên y tế Yên Bái, hừng hực khí thế tiến công, sẵn sàng xung phong, tình nguyện, xông pha vào những trận tuyến nóng bỏng, nguy hiểm nhất giữa tâm dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... với một sứ mệnh chung là tham gia tuyến đầu chống dịch, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Yên Bái hạnh phúc khi giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm, mặc dù còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, song tỉnh đã tổ chức đón hàng ngàn công dân của tỉnh từ Bắc Giang (bằng ô tô) và thành phố Hồ Chí Minh (bằng máy bay) trở về địa phương; hỗ trợ công dân có hoàn cảnh khó khăn tại TP Hồ Chí Minh (gần 1.000 công dân); sẵn sàng tiếp nhận, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng ngàn công dân Việt Nam từ nước ngoài về cách ly y tế tại tỉnh Yên Bái.
Yên Bái hạnh phúc khi hoàn thành "mục tiêu kép”; thích ứng an toàn, linh hoạt, mở cửa trở lại và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mang lại nhiều khởi sắc.
Năm 2021, tỉnh Yên Bái đã thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với 17 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 08 chỉ tiêu đạt kế hoạch (07 chỉ tiêu không đạt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19). Tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt 7,11%, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.383 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay), tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 18.000 tỷ đồng. Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc); Chỉ số về sự hài lòng phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2020)…
Những tháng đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Lãnh đạo, chỉ đạo tập trung triển khai hiệu quả các nghị quyết, đề án, chính sách giai đoạn 2021-2025 đã ban hành; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai các Chương trình Mục tiêu quốc gia; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 tạo điều kiện để phát triển KT-XH, phục hồi du lịch, mở cửa lại trường học...
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Tọa đàm"Gia đình hạnh phúc, gắn kết yêu thương trong hội nhập và phát triển”. Ảnh Thu Hạnh
Kinh tế của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ước đạt 7,57% (đứng thứ 7 trong khu vực, đứng thứ 25 toàn quốc); số lượt khách du lịch tăng 59,6%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 96,5%; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 22,8%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 32,4%; giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 1.782 tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố.
Yên Bái hạnh phúc khi cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng vào cuộc, có rất nhiều cố gắng nỗ lực, cách làm sáng tạo nhằm đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới, lấy người dân làm trung tâm, phát huy nội lực, vai trò chủ thể của người dân.
Đến nay, toàn tỉnh có 88/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Trấn Yên là huyện đầu tiên của khu vực Tây Bắc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 03/9 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tiếp tục là điểm sáng trong khu vực Tây Bắc.
Yên Bái hạnh phúc khi cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở luôn nỗ lực, quyết tâm cao độ, doanh nghiệp đồng hành, nhân dân đồng thuận trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Một trong những cách làm mới của tỉnh là "giao nhiệm vụ, khoán chỉ tiêu” đến từng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Tỉnh ủy đã phân công nhiệm vụ giúp đỡ cách huyện đến các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phân công giúp đỡ các xã đến các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trưởng các ngành; thực hiện giao nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ cho các xã vùng 3 đến các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh.
Cụ thể là, giao chỉ tiêu thoát nghèo từ 15 đến 30 hộ/năm cho các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đưa nội dung giúp đỡ thoát nghèo vào chấm điểm thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy để thưởng trực tiếp cho các cơ quan, đơn vị và địa phương hàng năm. Từ đó, đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ, giúp đỡ và huy động được nhiều nguồn xã hội hóa trong công tác giảm nghèo.
Thời gian qua, tỉnh đã huy động các nguồn lực xã hội hóa cùng với nguồn lực ngân sách hỗ trợ làm gần 1.000 nhà cho người có công và hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng; các năm 2020, 2021 tỉnh đã huy động các nguồn lực tặng quà cho tất cả các hộ nghèo trên địa bàn; nhiều hộ nghèo đã đăng ký tự nguyện thoát nghèo.
Yên Bái hạnh phúc khi lãnh đạo tỉnh luôn mạnh dạn, tìm hướng đi cho những việc làm mới, khó với những quyết sách táo bạo và đầy tính thuyết phục. Chuyển đổi số là một ví dụ. Trong điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, Yên Bái đã lựa chọn việc dễ làm trước, việc khó làm sau; làm chuyển đổi số song song từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên; nhất quán phương châm "chuyển đổi số phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”.
Thôn Khe Bành, một thôn đặc biệt khó khăn với 100% đồng bào là người dân tộc Dao, thôn khó khăn nhất trong xã khó khăn Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, song đã tiên phong triển khai mô hình điểm "thôn chuyển đổi số".
Chỉ sau chưa đầy một tháng thực hiện, thôn Khe Bành đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đầy ấn tượng và đã cán đích "thôn chuyển đổi số với 9/9 tiêu chí được đánh giá đạt chuẩn (có nhiều tiêu chí hoàn thành vượt mức chỉ tiêu) theo Bộ tiêu chí tạm thời của UBND huyện Văn Yên ban hành.
Thôn đã xây dựng nhà văn hóa số; xây dựng nhóm zalo thôn đã kết nối với 85% hộ dân trong thôn; 100% đảng viên đã biết cài đặt, sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử” phục vụ sinh hoạt Chi bộ; 95% hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang hoặc 4G; trên 95% hộ gia đình có máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh; 86% người dân trong độ tuổi lao động được tập huấn, phổ biến kỹ năng số cơ bản; 77% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh được tạo tài khoản dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; 70% người dân trong độ tuổi lao động sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 78% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử...
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao biểu trưng tặng trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn Khe Bành. Ảnh Thanh Tân
Ở Yên Bái, không phải tất cả nội dung chuyển đổi số đều là những việc làm cao siêu, phức tạp mà rất nhiều nội dung chuyển đổi số thực chất là việc thay đổi tư duy, thay đổi thói quen bằng những thao tác/việc làm hết sức gần gũi, thiết thực trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của chúng ta; thông qua công nghệ và nền tảng số sẽ giúp cho hoạt động của đơn vị cũng như cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà trở nên tiện ích hơn, thông minh hơn, nhiều niềm vui hơn và hạnh phúc hơn.
Yên Bái hạnh phúc khi trên hành trình đổi mới và phát triển quê hương, đất nước hôm nay, mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ngày càng bền chặt, củng cố và phát triển, "trên dưới đồng lòng... dọc ngang thông suốt” (lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).
Hầu hết cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở luôn thực hiện trách nhiệm nêu gương, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Các hoạt động "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” được triển khai nghiêm túc, thường xuyên, có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh với những việc làm thiết thực, hiệu quả, như: làm đường giao thông nông thôn, các hoạt động phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, góp phần xây dựng bản làng, xây dựng nông thôn mới... thực sự tạo sức lan tỏa trong cả hệ thống chính trị và người dân...
Thay lời kết
Dẫu con đường phía trước vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong điều kiện tỉnh miền núi, kinh tế chậm phát triển; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; thường xuyên chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tỉnh...; song những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc sau nửa nhiệm kỳ qua sẽ là tiền đề quan trọng để Yên Bái tiếp tục đi lên trên con đường đổi mới, phát triển và hạnh phúc với sự tự tin: "Có thể Yên Bái không phải là tỉnh phát triển nhất về kinh tế, nhưng hoàn toàn là một trong những tỉnh có cơ sở để trở thành tỉnh có chỉ số hạnh phúc cao nhất” như lời nhận định, động viên của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và làm việc tại Yên Bái tháng 9 năm 2021.
Xin được khép lại bài viết này bằng lời phát biểu nhận nhiệm vụ thể hiện ý chí và hành động đầy quyết tâm, mạnh mẽ, mang ý nghĩa sâu sắc, nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Yên Bái của đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Kỳ họp thứ Nhất, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIX, tháng 7 năm 2021:
"Quyết tâm, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo; dù công việc khó khăn đến đâu cũng tìm giải pháp để hoàn thành, "biến khó khăn thành thuận lợi”, "biến thách thức thành thời cơ”, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "nghĩ thật - nói thật - làm thật - hiệu quả thật - để nhân dân được hưởng thành quả thật”, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”.
Hồng Thanh Tâm