Luật sư, nhà báo có thể bị phạt nếu cản trở hoạt động tố tụng

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/8/2022 | 3:01:45 PM

Sáng 15/8, Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Trình bày tờ trình, Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

"Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền", ông Tuệ nêu.

Theo dự thảo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 20.000.000 đồng; trong khi đó, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh…có quyền phạt tiền đến 40.000.000 đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới băn khoăn về thẩm quyền xử phạt của lực lượng CAND, Pháp lệnh quy định chỉ xử phạt trong giai đoạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm và điều tra, truy tố, còn khi hồ sơ gửi qua Tòa thì không có quyền xử phạt. Trong khi, trên thực tế có những vấn đề xảy ra, khi hồ sơ chuyển qua Tòa rồi thì hành vi cản trở vẫn diễn ra.

Theo dự thảo, mức phạt từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng sẽ được áp dụng nếu nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng; nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng. 

Ông Lê Tấn Tới cũng băn khoăn, thi hành án cũng là một hoạt động của giai đoạn tố tụng, nếu như bị cản trở thì liệu có còn trong phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh này nữa hay không, chưa thấy dự thảo pháp lệnh này đặt ra.

Lý giải về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, pháp lệnh đang đi theo hướng rành mạch thẩm quyền theo từng giai đoạn tố tụng. Theo bà, nếu ở giai đoạn xét xử thì hành vi cản trở hoạt động thu thập, xác minh, chứng cứ của cơ quan Công an là không còn, tuy nhiên còn hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người tiến hành tố tụng thì dự thảo pháp lệnh sẽ thiết kế theo hướng quy định Thẩm phán Tòa án sẽ có trách nhiệm lập hồ sơ và xử phạt ngay tại phiên tòa.

Về ý kiến băn khoăn, tại sao hành vi cản trở trong lĩnh vực tư pháp lại xử phạt nặng hơn so với cùng một hành vi thông thường, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình lấy ví dụ, nếu đánh người gây thương tích bên ngoài là xử phạt bình thường, còn cán bộ Công an, Kiểm sát mà đánh người là quá nặng nên buộc phải xử nặng. Hay làm sai lệch hồ sơ vụ án, giấy tờ giả bên ngoài xử phạt khác, cán bộ Công an, Kiểm sát làm sai thì xử nặng hơn nhiều.

"Anh đưa tin sai lệch trên báo hay gây rối, hút thuốc tại tòa phạt bình thường, nhưng đưa tin sai lệch làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án thì phải nặng hơn. Còn phạt quá nặng hay không thì pháp lệnh thiết kế đều nằm trong khung cả, và không vượt qua thẩm quyền luật giao", Chánh án TAND Tối cao thông tin.

Dự thảo pháp lệnh dự kiến sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào ngày 18/8.

Nhà báo, luật sư có thể bị phạt tiền đến 40 triệu đồng

Điều 22 dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định hành vi đưa tin sai sự thật, theo đó phạt tiền từ 1-7 triệu đồng đối với hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án; phạt tiền từ 7-15 triệu đồng đối với hành vi đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của Tòa án.

Phạt tiền từ 15-30 triệu đồng đối với nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án; phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với Nhà báo, Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của Tòa án.

Cùng với đó là các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc xin lỗi công khai; buộc thu hồi thông tin sai sự thật; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi.

(Theo TPO)

Các tin khác
Hội viên cựu chiến binh phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng Hội vững mạnh.

Ở từng cương vị, các cựu chiến binh đều đóng góp trí tuệ, công sức trong xây dựng Đảng, chính quyền và tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở; phối hợp giải quyết, hòa giải những mâu thuẫn trong cộng đồng.

Sáng nay - 15/8, Thường trực Tỉnh uỷ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, cho ý kiến về nội dung, chương trình, kịch bản điều hành chi tiết, các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái lần thứ XV, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Đồng chí Tạ Văn Long – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Đối với cán bộ, đảng viên, thói phô trương, lãng phí chính là biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, gây phản cảm, tạo dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của tổ chức Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Vì thế, nhất thiết phải loại bỏ thói xấu này ngay từ trong suy nghĩ cũng như hành động.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo thông tin từ Ban Quản lý Lăng, từ ngày 16/8, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mở cửa trở lại sau thời gian tạm ngừng để làm công tác bảo dưỡng, tu bổ định kỳ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục