Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” để phòng, chống bạo lực gia đình

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/8/2022 | 2:19:12 PM

Sáng 16-8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận phiên họp.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, với đề nghị quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế.

Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình có thể đan xen lẫn nhau, do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi thì có thể trùng lắp các hành vi bạo lực gia đình. Quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật.


Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo. 

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, các biện pháp cấm tiếp xúc không khả thi; có ý kiến đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã có thể ra quyết định cấm tiếp xúc khi có đủ căn cứ, không cần có "yêu cầu cấm tiếp xúc” và sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp xã tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực từ chối.

Về việc bổ sung biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” với thời gian mỗi lần không quá 24 giờ và không quá 8 giờ/ngày, qua rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, "lao động phục vụ cộng đồng” không bị coi là "lao động cưỡng bức”.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, Công an cấp xã trong các quy định về: Xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình, yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã; chăm sóc, điều trị người bệnh là người bị bạo lực gia đình; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi; góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư…


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thảo luận.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, biện pháp góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư có nội hàm gần giống với biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; tuy nhiên quy định biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hiện không quy định đối tượng áp dụng là người có hành vi bạo lực gia đình.

Về xác định người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình, ông Hoàng Thanh Tùng đề cân nhắc việc sử dụng cụm từ như một khái niệm pháp lý, dẫn đến sự phân biệt đối xử.

Phát biểu thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc bổ sung biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”. Tuy nhiên đây là vấn đề mới nên cần đánh giá kỹ tác động trên các khía cạnh: Bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam; xem xét quy định loại trừ đối với một số trường hợp và bảo đảm tính khả thi của quy định trong tổ chức thực hiện.


Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, những vấn đề liên quan đến hành vi bạo lực rất khó, Bộ và các cơ quan liên quan đã cố gắng để nhận diện, cơ bản bao quát được tình hình, diễn biến các hành vi bạo lực gia đình để quy định trong dự thảo luật. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để các quy định trong dự thảo bảo đảm tính khả thi cao.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất sau khi chỉnh lý, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư.

(Theo HNMO)

Các tin khác

Sáng 16/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV do đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về việc ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh lớp tập huấn.

Ngày 16/8, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức khai mạc lớp tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng năm 2022. Dự tập huấn có 76 học viên là bí thư, phó bí thư và cấp ủy viên ban chấp hành, của các chi bộ, đảng bộ, trực thuộc Đảng ủy khối.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Đề án Phát triển giáo dục mầm non và dự thảo Đề án Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 56, cơ bản đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò của các cấp Hội LHPN trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó nâng cao ý thức trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động quản lý nhà nước.

Lãnh đạo huyện Lục Yên kiểm tra mô hình trồng nho Hạ đen tại xã Liễu Đô.

Trong 28 chỉ tiêu huyện Lục Yên được tỉnh giao theo Chương trình hành động số 56, đã có 18 chỉ tiêu có kết quả, được đánh giá đạt và vượt tiến độ đề ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục