Dự tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
Trong những năm qua, thị trường lao động tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, ngày càng hội nhập từng bước tiệm cận với khu vực và thế giới.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng tỉ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ...
Đặc biệt trong 2 năm qua, Chính phủ đã triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ tạo việc làm trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện…
Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả…
Tại Yên Bái với các giải pháp đồng bộ, trọng tâm, thị trường lao động đã có bước phát triển. Năm 2021, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 22.151 lao động đạt 113,6% kế hoạch. 8 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 17.260 lao động, đạt 88,5% kế hoạch năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Kết quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tỷ lệ lao động nông nghiệp năm 2021 là 57,81% giảm 2,09% so với năm 2020, phấn đấu hết năm 2020 tỷ lệ lao động nông nghiệp toàn tỉnh xuống còn 55,97%.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển thị trường lao động thời gian qua như chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất.
Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành phải nâng cao nhận thức về thị trường lao động có tính quy luật cung - cầu và cạnh tranh; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao; tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại để mỗi người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tiếp cận thông tin về thị trường lao động việc làm; để doanh nghiệp dễ tiếp cận cung lao động, nâng cao chất lượng lao động, cơ sở đào tạo có chiến lược, kế hoạch đào tạo, cung ứng kịp thời, sát với nhu cầu thực tiễn…
Đức Toàn