NGÀY QUỐC KHÁNH TRONG SỐ TAY CÔNG TÁC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Quốc khánh 2/9 là dịp để mỗi người dân nước Việt nhìn lại ý nghĩa vĩ đại của sự kiện này. Có một điều mà không mấy người được rõ là sự kiện vĩ đại đó được thể hiện như thế nào trong sổ tay riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có hai hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên ra mắt công chúng tại trưng bày "Ngày Độc lập 2/9” nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2020) tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (25 Tông Đản, Hà Nội). Đó là hai cuốn sổ tay công tác của Người, một cuốn có lẽ là danh bạ điện thoại, còn cuốn kia ghi các chương trình công tác. Trang thứ nhất của cuốn sổ này có ghi dòng chữ "Tháng 9.45” và dưới đó được thêm "từ 2-9-45 đến 17.10.45”.
Các con số bên trái cho ta biết ngày của tháng 9 năm 1945, còn những dòng chữ bên phải ghi nội dung công việc. Trong trang đầu của cuốn sổ tay, ta có thể thấy ngày 1/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ghi nội dung gì. Nhưng sang đến ngày 2/9/1945 dòng đầu có ghi: "13 giờ: Đi dự Mít tinh”.
Cũng trong ngày 2/9/1945, vào buổi tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ có buổi họp đại biểu các tỉnh. Buổi "Mít tinh” vào lúc 13 giờ như được ghi, đó chính là lễ ra mắt quốc dân đồng bào của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cũng tại buổi lễ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập, chính thức tuyên cáo với toàn thể quốc dân Việt Nam và thế giới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dăm ba chữ viết tay nghiêng, mảnh mai nhưng rõ ràng về một trong những sự kiện vĩ đại nhất của lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc không khỏi làm cho người xem ngỡ ngàng sau đúng 75 năm Ngày Quốc khánh 2/9.
Hai trang sổ tay công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Buổi mít tinh vào 13 giờ ngày 2/9/1945 là một buổi tập hợp quần chúng cả nước đông đảo chưa từng có mà trên 50 vạn người dân Hà Nội và một số tỉnh lân cận sẽ thay mặt nhân dân cả nước chào đón Người và Chính phủ lâm thời để cùng khẳng định quyền tự do độc lập của nước Việt Nam mới, sánh bước cùng thời đại.
Toàn cảnh sự kiện mít tinh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi trong sổ tay của Người có thể thấy trên trang nhất của tờ báo Đông Phát, ấn hành đúng ngày 2/9/1945. Đến nay có thể nói đây là tờ báo duy nhất bằng tiếng Việt ghi đầy đủ nội dung, chương trình buổi lễ, địa điểm, và cả cách tổ chức hướng dẫn người dân tham gia trực tiếp vào sự kiện một cách có trật tự.
Ở phần chương trình chính thức ta có thể đọc được nội dung: "Giờ họp ở vườn hoa Ba-đình: Các đoàn thể cần đến họp ở vườn hoa Ba-đình trước 13 giờ để ban Trật-tự xếp chỗ”. Chi tiết này rất quan trọng, nó cho thấy sự chuyên nghiệp, chỉn chu trong công tác tổ chức và điều quan trọng nhất, đối chiếu với thời gian ghi trong sổ tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự trùng khớp về mốc thời gian 13 giờ đã cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời ngay từ ngày đầu ra mắt đã khẳng định và duy trì được mối liên lạc với quần chúng nhân dân, đặc biệt ở một sự kiện mít tinh quan trọng như ngày 2/9/1945. Đó thực sự là mối quan hệ gắn bó chặt chẽ và bình đẳng giữa Chính phủ lâm thời với quốc dân đồng bào ở buổi bình minh của nước Việt Nam mới.
BÁC ẤM TRONG TRÁI TIM MỖI NGƯỜI
Lúc sinh thời, trong bộn bề khó khăn của đất nước, tuy bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành những tình cảm sâu sắc, sự quan tâm đặc biệt cho đồng bào, chiến sĩ, nhân dân cả nước, trong đó có Yên Bái. Công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những lời dạy, tình cảm quý báu của Người luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái khắc ghi trong tim.
Tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thị xã Nghĩa Lộ - một trong 13 chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh trên cả nước, từng tốp công nhân đang tất bật chỉnh trang lại cảnh quan. Với chất giọng lúc trầm, lúc bổng, chất chứa đầy cảm xúc, đồng chí Nguyễn Tiến Nam - Tổ trưởng Tổ Di tích - Di sản Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ đã khiến những du khách trong đoàn tham quan xúc động.
Đồng chí Nguyễn Tiến Nam chia sẻ: "Gần đến ngày 2/9, lượng khách tới tham quan ngày một đông. Được tiếp đón nhiều đoàn khách, đi lại, thuyết minh liên tục về Khu tưởng niệm cũng như về Bác mọi mệt nhọc trong tôi như tan biến. Tôi rất hạnh phúc, tự hào khi được làm công việc này và càng hạnh phúc hơn khi thấy mỗi người dân về đây đều tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ tới Bác Hồ vĩ đại”.
Hiện nay, Khu tưởng niệm đang lưu giữ và bảo quản gần 200 cuốn sách và trên 1.000 tranh ảnh, bút tích, các thước phim tư liệu về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các hạng mục vườn cây, ao cá, nhà sàn cũng được xây dựng vừa thể hiện tấm lòng tôn kính vừa cho người dân cảm giác gần gũi hơn Bác.
Tới tham quan Khu tưởng niệm, cụ Lò Văn Vi ở xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ xúc động: "Mỗi lần tới đây, tôi đều thấy bồi hồi. Không có điều kiện về thủ đô Hà Nội, trước thềm năm học mới, tôi đưa các cháu tới đây thăm Bác để các cháu vừa hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Người vừa phấn đấu hơn nữa trong học tập để sau này trở thành công dân có ích, góp phần xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp".
Cũng như tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ, những ngày này, tại Khu tưởng niệm Bác Hồ và Di tích lịch sử - văn hóa Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái nơi Bác Hồ đến thăm, nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, cán bộ Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thành phố Yên Bái cũng tất bật chỉnh trang lại khuôn viên.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Đồng chí Đoàn Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thành phố Yên Bái cho biết: Khu tưởng niệm Bác Hồ và Di tích lịch sử - văn hóa Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nơi lưu giữ những kỷ niệm thiêng liêng về vị lãnh tụ vĩ đại Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, là địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Hàng năm, nơi đây đón khoảng 300 - 400 đoàn khách, lượng khách thường tăng đột biến vào các dịp lễ, tết hay các ngày kỷ niệm lớn. Dịp cao điểm, mỗi ngày, nơi đây đón khoảng trên 10 đoàn khách đến tham quan, dâng hương, báo công với Bác.
"Chúng tôi cũng rất tự hào vì đã góp một phần công sức nhỏ bé vào việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh Yên Bái nói chung và Khu tưởng niệm Bác Hồ và Di tích lịch sử - văn hóa Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái nói riêng" - chị Hà nói.
Cán bộ thuyết minh Phùng Thị Hà chia sẻ: "Gần 16 năm làm thuyết minh viên, tôi không nhớ nổi mình đã đón và kể chuyện về Bác cho bao nhiêu đoàn khách. Có những đoàn để lại cho tôi ấn tượng rất sâu sắc như đoàn của giáo viên, học sinh ngành giáo dục và đào tạo huyện Trấn Yên. Đoàn đến dâng hương rất đông, chuẩn bị báo công rất cẩn thận. Tất cả thành viên nhất là các em học sinh đều im lặng, lắng nghe chăm chú từng câu chuyện kể về Bác, lời dặn của Bác với nhân dân Yên Bái. Đoàn đứng cúi đầu thật lâu, có người nghẹn ngào".
Một tháng 9 nữa lại về, trong trái tim mỗi người dân Yên Bái lại lắng đọng những cảm xúc thiêng liêng. Với tất cả lòng thành kính, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Yên Bái luôn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam; không ngừng phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp, văn minh.
HỒNG CA CHUYỂN BIẾN TỪ "05"
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (viết tắt là Chỉ thị số 05), Đảng bộ xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05 gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương của Bác trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Cùng chúng tôi đi thăm một số mô hình phát triển kinh tế tại thôn Nam Hồng, Bản Cọ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hồng Ca - Hà Ngọc Điệp cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 05, Đảng bộ xã xác định: Trước hết, phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở đó, xã đã quy hoạch 3 vùng kinh tế nông nghiệp thế mạnh của địa phương bao gồm: vùng trồng rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, gắn với chế biến gỗ rừng trồng và chế biến các sản phẩm từ quế, măng tre Bát độ; vùng trồng cây ăn quả có múi và đang hình thành vùng trồng dâu nuôi tằm kết hợp với phát triển công nghiệp chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Đồng chí Hà Ngọc Điệp vừa ngừng lời, chúng tôi đã tới thôn Nam Hồng thăm mô hình phát triển kinh tế của đảng viên Hà Thanh Ca (dân tộc Tày). Phía trước ngôi nhà sàn khang trang, ông Ca đắp bờ, kè bê tông xi măng làm 4 ao nuôi cá thương phẩm, bên trái ngôi nhà sàn trồng 300 cây cam đường canh, phía sau nhà là 7 ha tre măng Bát độ, 10 ha quế và 1 ha vầu xanh ngút ngàn...
Thấy mọi người mải mê ngắm các sản vật trong trang trại của mình, ông Ca nhanh nhẹn xuống cầu thang nhà sàn lên tiếng: - Mời các anh vào nhà uống nước xong, tôi đưa các anh đi thăm ao cá, vườn cam, lên đồi bóc măng, xem quế...
Rót trà mời khách, ông Ca đăm chiêu nhìn về phía rừng tre Bát độ, rừng quế chậm rãi kể: - Tôi công tác ở xã Hồng Ca được 30 năm thì nghỉ chế độ hưu trí năm 2020. Là cán bộ, đảng viên tôi luôn trăn trở suy nghĩ mình phải xây dựng mô hình phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu để bà con người Tày, người Mông trong xã học tập làm theo.
Từ năm 2004, tôi đã đi mua giống tre măng Bát độ và quế về trồng thử thay thế vào diện tích bồ đề, vầu... Khi tỉnh, huyện có chính sách hỗ trợ giống tre măng Bát độ, tôi đăng ký xin hỗ trợ để trồng và những năm sau tiếp tục mua giống quế, tre măng Bát độ về trồng đến năm 2019 phủ kín được 17 ha, còn 1 ha vầu ngọt, sang năm sẽ chuyển đổi sang trồng tre măng Bát độ vì hiệu quả kinh tế thấp.
Tổng thu nhập từ tre măng Bát độ, quế, cam, cá, măng vầu một năm của gia đình ông Ca đạt từ 500 - 600 triệu đồng. Mô hình phát triển kinh tế của đảng viên Hà Thanh Ca được Đảng ủy xã tuyên dương, khen thưởng trong giai đoạn 2016 - 2021.
Lãnh đạo xã Hồng Ca thăm mô hình phát triển kinh tế đồi rừng của gia đình ông Hà Thanh Cơ ở thôn Nam Hồng.
Giai đoạn 2016 - 2021, xã đã thành lập mới 4 HTX, 2 doanh nghiệp và 32 tổ hợp tác; có 121 hộ đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong đó, có trên 30 mô hình làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu như: mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình ông Đoàn Chí Công ở thôn Bản Cọ, thu nhập từ 600 - 800 triệu đồng/năm; mô hình kinh tế đồi rừng, nuôi cá thương phẩm của ông Hà Thanh Ca ở thôn Nam Hồng, thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/năm; mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Sổng A Dũng ở thôn Khuôn Bổ, thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm...
Đến nay, vùng tre măng Bát độ của xã có 1.234 ha; vùng quế trên 3.500 ha, hàng năm mang về nguồn thu nhập cho nhân dân gần trăm tỷ đồng. Cùng với phát triển kinh tế, xã đã vận động nhân dân tích cực đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, hiến hơn 69.000 m2 đất và trên 21,2 tỷ đồng để hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, được UBND tỉnh công nhận xã nông thôn mới tháng 11 năm 2019.
Tuyến đường trục chính của xã đã được rải nhựa; đường liên thôn, đường ngõ, xóm đã cơ bản được bê tông hóa, trong đó có trên 14 km hệ thống điện thắp sáng công cộng dọc theo tuyến đường liên thôn và trên 15 km đường hoa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại giao thương phát triển kinh tế.
Đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 3,3% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của xã đạt 37 triệu đồng/người/năm...
Những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Ca trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021, đã được các cấp biểu dương, khen thưởng, Đảng bộ xã được huyện Trấn Yên lựa chọn viết báo cáo đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen; nhiều năm liên tục Đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu.
Minh Hằng - Huyền Thương