Xem xét, đánh giá đúng thành tích cùng những tồn tại của mỗi cá nhân trong quá trình bình xét cuối năm từ cấp cơ sở đến Trung ương là một yêu cầu rất quan trọng. Đánh giá xếp loại đúng sẽ có tác dụng động viên, khích lệ, thúc đẩy phong trào thi đua. Ngược lại, nếu đánh giá xếp loại không đúng sẽ tạo nên sự bất bình trong tập thể, gây điều tiếng trong dư luận, cũng như hạn chế động cơ phấn đấu của những tập thể, cá nhân có thành tích thực sự.
Có thể nói, công tác kiểm điểm, đánh giá xếp loại, cán bộ, đảng viên cuối năm là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cũng như chất lượng của đội ngũ cán bộ đảng viên. Việc kiểm điểm đánh giá một cách khách quan thực chất sẽ giúp mỗi người có ý thức tự soi, tự sửa. Từ đó, phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của đơn vị, của mỗi cán bộ, đảng viên. Vậy làm thế nào để nội dung này đúng thực chất, nghiêm túc và mang lại hiệu quả, tránh căn bệnh hình thức? VOV phỏng vấn ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
PV: Thưa ông, việc đánh giá, xếp loại cán bộ đảng viên là một khâu rất quan trọng của công tác cán bộ nói chung và việc bình xét thi đua hằng năm của mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng. Tuy nhiên, trong các văn kiện của Đảng ta cũng nhận định rằng, đây là khâu khó và yếu nhất hiện nay, vì sao thưa ông?
Ông Nguyễn Túc: Đây là vấn đề hết sức quan trọng, nhưng hết sức khó khăn. Ông cha mình đã từng dạy "Sông sâu thì còn có kẻ dò, lòng người ai dễ mà đo cho cùng”. Bản thân người trong cuộc không tự bộc lộ điểm yếu của mình, thì người bên ngoài khó có thể nói trúng được những mặt yếu đó. Hơn nữa, nếu người đó có chức, có quyền, cấp dưới lại càng ngại. Bởi, "đấu tranh lãnh đạo thì tránh đâu”. Có người bảo tôi "Bác ở Trung ương nói dễ, chúng cháu ở dưới này nói thì tuần sau có khi ra khỏi bộ phận đấy”. Thành ra xu nịnh, bợ đỡ xuất hiện ngày càng nhiều trong công tác tự phê bình và phê bình của chúng ta.
PV: Ông đánh giá hoạt động xếp loại cán bộ đảng viên cuối năm trong thời gian qua như thế nào?
Ông Nguyễn Túc: Tôi cho rằng, 2 năm gần đây, việc đánh giá có tiến bộ hơn, nhưng nhìn chung vẫn chưa thể hiện được thực chất của nó. Vì, sự trung thực với đồng chí mình chưa được thể hiện. Tình trạng né tránh, đùn đẩy, bợ đỡ, xoa dịu, dĩ hòa vi quý,…còn nặng nề.
PV: Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nội dung đánh giá cán bộ hoàn thành nhiệm vụ đầu tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã quan tâm đánh giá cán bộ nên kết quả có chuyển biến tích cực. Cụ thể là năm 2021 thì số cán bộ công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 22 %, trước đó là 30 %. Số không hoàn thành nhiệm vụ từ 1,7 % những năm trước thì xuống còn 0,5 đến 0,6 %. Ông nghĩ sao về những con số này?
Ông Nguyễn Túc: Tôi thấy rằng, việc đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thể hiện, việc xây dựng chỉnh đốn đảng, tự phê bình, phê bình, và bình chọn vừa rồi ngày càng tiến bộ hơn. Bởi, đại hội XIII, trong 5 bài học có bài học thứ 3 chỉ rõ, phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ.
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Chính vì vậy, Đảng đã có rất nhiều Chỉ thị để điều chỉnh, uốn nắn những cái thiếu, cái yếu kém trong công tác cán bộ. Vì vậy, Bộ trưởng đưa ra vấn đề đó, để thể hiện rõ có sự cố gắng. Nhưng, để đánh giá một cách chính xác, có lẽ phải hỏi dân. Vì "cán bộ là công bộc của dân, là đầy tớ của nhân dân”. Dân họ đánh giá thế nào là chuẩn nhất. Do vậy, tôi nghĩ rằng, Bộ Nội vụ nên kết hợp giữa đánh giá của cơ quan Đảng, Nhà nước với sự tự nhận xét đánh giá của dân, vì dân là trung tâm của Nhà nước.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá, xếp loại cán bộ đảng viên cần phải có nhiều căn cứ. Bởi, vẫn còn nhiều cán bộ cơ sở quan liêu, ham thành tích, được nhận xét là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, qua đó có cơ hội tăng thu nhập hay thăng tiến. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Túc: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Bởi thực tế, chúng ta thấy rằng, trong tất cả những vụ án vừa rồi, đặc biệt, những vụ án trọng điểm do Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo đưa ra xét xử, những đồng chí đó trước đó đều là những người được bầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thống kê của các đồng chí lão thành cách mạng theo dõi vụ án, theo dõi hồ sơ, lúc tôi là chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội (MTTQ Việt Nam), các đồng chí gọi điện cho tôi nhiều lần. Các đồng chí nói rằng: "Đồng chí chủ nhiệm ơi, cần làm sao để đánh giá cho nó có thực chất, chứ đừng có nâng nhau lên, cuối cùng làm hại cho Đảng, hại cho Nhà nước và cho nhân dân”.
PV: Phải thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn một số nơi, một số cá nhân còn thờ ơ về mục đích, ý nghĩa của công tác kiểm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên cuối năm. Quá trình kiểm điểm chưa sâu và chưa thẳng thắn, vẫn còn tình trạng né tránh, nể nang, ngại va chạm, thậm chí thì có một số nơi kiểm điểm tập thể chưa gắn với trách nhiệm cá nhân. Ông nghĩ sao về thực tế này?
Ông Nguyễn Túc: Những dẫn chứng đưa ra hoàn toàn có thực. Tại sao hướng dẫn nhiều nhưng không chuyển? Tôi thấy rằng, Trung ương đã nhiều lần nói "trên bảo dưới không nghe”, "trên nóng dưới lạnh”, "nói nhiều làm ít”,… một loạt vấn đề người dân nêu ra, lý do vì sao?
Thứ nhất, những đồng chí đó năng lực, phẩm chất đạo đức và những vấn đề gì có lợi cho mình thì tập trung điều hành. Còn cái gì bất lợi cho mình thì né tránh. Không phải chỉ có năm nay, tôi được phục vụ ở Tiểu ban văn kiện nhiều Đại hội nên nhận rõ.
Tôi nhớ, Đại hội VI thì đổi mới. Đại hội VII, trong báo cáo chính trị đã nêu một số cán bộ đảng viên có chức, có quyền, thoái hóa biến chất. Đại hội VIII, không còn một số, mà là một bộ phận cán bộ đảng viên có chức, có quyền thoái hóa biến chất.
Đại hội IX, không còn một bộ phận, mà là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thoái hóa, biến chất.
Đến Đại hội X, định bỏ chữ "không nhỏ”, nhưng hôm đó tranh luận rất gay gắt. Lúc đó, tôi là người phát biểu đầu tiên và tôi cho rằng, không thể bỏ cụm từ "không nhỏ". Nhưng nhiều đồng chí cho rằng, "chắc đồng chí Túc làm công tác dân vận, mặt trận lâu, thời gian qua tiếp xúc với dân nhiều, nên nhìn xã hội hơi đen”. Nhưng cuối cùng, đưa ra dẫn chứng của Trưởng Ban Tổ chức Trần Đình Hoan, là số cán bộ đảng viên bị thoái hóa, biến chất từ đại đội IX, sang Đại hội X tăng hơn gấp nhiều so với Đại hội VIII, sang Đại hội IX.
Đồng chí Nguyễn Thị Doan, lúc đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra đã nói, lần đầu tiên trong Đảng ta có những đồng chí là Ủy viên Trung ương vi phạm pháp luật. Đồng chí lãnh đạo cao nhất nói như thế thì bỏ làm sao được.
Và đến Đại hội XI, XII chúng ta cũng không bỏ được. Qua đó, thấy rằng, xảy ra tình trạng này có những yếu tố khách quan, đó là cơ chế thị trường. Cũng có yếu tố chủ quan, cơ chế thị trường không trừ một ai, nó len lỏi vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nếu chúng ta không rèn luyện tư tưởng tốt, giáo dục tốt sẽ biến chất theo.
PV: Nếu việc đánh giá, xếp loại cán bộ đảng viên nói chung, và việc đánh giá xếp loại cán bộ đảng viên cuối năm nói riêng không phản ánh đúng thực chất, làm chiếu lệ hình thức thì sẽ dẫn đến những hệ lụy gì thưa ông?
Ông Nguyễn Túc: Sẽ dẫn đến tình trạng, trên nóng, tình hình không vững, sẽ không đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ của mình không trúng, dẫn đến đưa ra chủ trương, biện pháp sai.
Bác Hồ từng dạy: "chủ trương là một, nhưng biện pháp phải là 10, quyết tâm phải 20”. Thành công của Đại hội XI, XII và XIII chính là chỗ, chúng ta đã vận dụng tư tưởng của Bác là "có một chủ trương, nhưng biện pháp phải phù hợp với từng đối tượng, từng giai cấp, tầng lớp, và quyết tâm phải từ Trung ương xuống”. Ta thấy, một thời gian rất dài, Trung ương thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và quyết tâm cao độ thì chúng ta giải quyết được vấn đề.
PV: Trong công tác đánh giá, xếp loại cán bộ đảng viên cuối năm cũng cần nêu cao được tinh thần trách nhiệm của tập thể, của người đứng đầu trong chỉ đạo, chủ trì kiểm điểm tự phê bình và phê bình, cũng như là đánh giá xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ nơi mình được phân công phụ trách phải không thưa ông?
Ông Nguyễn Túc: Trước hết, tôi rất đồng tình với ý kiến này. Việc đánh giá, xếp loại cán bộ, phản ánh chưa thực chất, làm chiếu lệ sẽ vô cùng nguy hiểm. Dẫn đến tình trạng cấp trên nhận định không đúng về cán bộ, đề bạt sai dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ. Người trung thực thẳng thắn, thật thà, không được cất nhắc.
Người thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, thụ động, né tránh thì được đề bạt gây mất đoàn kết trong nội bộ. Xuất hiện những hiện tượng cục bộ địa phương, lợi ích nhóm,… Để giải quyết trách nhiệm tập thể, trách nhiệm người đứng đầu, tôi nghĩ, người đứng đầu các cấp phải thực sự mẫu mực, nói phải đi đôi với làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải đặt lợi ích của quốc gia, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết.
Phải thực hiện tập trung dân chủ. Tôi muốn nói, tập trung dân chủ, nếu người dân thấy rằng, tất cả những vụ án mà Ủy ban kiểm tra Trung ương đưa ra, đều có khuyết điểm lớn nhất là không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và lãnh đạo đứng trên mọi người để quyết sai.
Thứ hai, phải có mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, có gần gũi với dân không?. Bác hồ dạy "cán bộ là công bộc của dân”, nhưng khi dân đi làm gì cũng phải có phong bì, hoặc gây phiền nhiễu thì làm sao có thể đánh giá cán bộ đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được.
Thứ 3, xét cho cùng, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà rất nhiều báo chí kỳ này phản ánh. Tức là lấy người dân làm trung tâm, và lấy lợi ích của người dân là mục tiêu. Tôi nghĩ rằng đánh giá lựa chọn cán bộ, nhất là ở cơ sở thì cần phải chú ý đến dân.
PV: Đặt ra yêu cầu cụ thể trong công tác kiểm điểm đánh giá xếp loại cuối năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, việc đánh giá xếp loại cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức chiếu lệ khắc phục tình trạng xuê xoa nể nang thậm chí là biến cuộc họp tự phê bình, phê bình thành nơi vuốt ve ca tụng lẫn nhau, đồng thời cũng ngăn chặn tránh tình trạng lợi dụng dịp này để đấu đá, hạ bệ nhau với những động cơ không trong sáng. Thưa ông Nguyễn Túc, ông nghĩ sao về lời nhắc nhở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Ông Nguyễn Túc: Tổng Bí thư - người đứng đầu của Đảng ta đã nói những điều hết sức tâm huyết, rút ruột, rút gan để xây dựng chỉnh đốn đảng. Tất cả những điều Tổng Bí thư nói là sự cô đọng báo cáo về xây dựng Đảng và thi hành điều lệ mà đã được trình bày tại Đại hội XIII của Đảng. Tôi nghĩ rằng, thực hiện được đúng những điều đồng chí nói chỉ ra nhất định Đảng ta sẽ vững mạnh và Đảng ta đúng với Bác Hồ Căn dặn "Đảng đạo đức, Đảng văn minh”.
Muốn, làm được, một trong những điều mà tôi tâm đắc nhất mà Bác Hồ từng nói: "Có gì cứ hỏi dân, dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Một trong những đề nghị của tôi, cố gắng làm sao các cơ quan tham mưu khi đề bạt cán bộ, khi đánh giá cán bộ, khi xử lý cán bộ thì lấy ý kiến người dân nơi cán bộ đó sinh sống.
Ở cơ quan còn nể, còn ngại, chứ về địa bàn dân cư, nhất là những đồng chí cách mạng cả đời hy sinh cho đảng, thì người ta nói thẳng, nói thật. Đấy là những điều mà từ cuộc sống, từ chỉ đạo công tác tôi rút ra.
PV: Theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể đưa nội dung như bình xét, xếp loại, phân loại cán bộ hằng năm đúng thực chất khách quan và hiệu quả, tránh được căn bệnh thành tích nể nang vốn được xem là căn bệnh cố hữu?
Ông Nguyễn Túc: Công tác kiểm tra thực chất hơn, đúng với yêu cầu, hướng dẫn của Trung ương, chứ không phải kiểm tra hoa lá cành, nhậu nhẹt với nhau. Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác giám sát của các tổ chức chính trị xã hội. Thứ 3, lấy bình chọn của nhân dân qua các buổi họp lấy ý kiến nhân dân, chứ không phải lấy ý kiến qua các tổ chức công đoàn, thanh niên,, phụ nữ nông dân, cựu chiến binh,… vì các đồng chí đó đều trong cấp ủy và dưới sự chỉ đạo của đồng chí lãnh đạo kia.
PV: Việc kiểm điểm đánh giá xếp loại cá nhân được thực hiện nghiêm túc thì sẽ mang lại kết quả gì cho tổ chức thưa ông?
Thứ nhất, nếu thực hiện nghiêm túc thì các đảng viên thấy được ưu điểm của mình để mình phát huy, nhược điểm của mình để sửa chứ không vuốt ve nhau. Như Bác Hồ từng nói "hằng ngày chúng ta phải rửa mặt”, Vì vậy, vấn đề phê bình, tự phê bình cũng chính là hình thức rửa tâm hồn, rửa phẩm chất đạo đức của mình cho sạch.
Thứ hai, giúp cho đảng viên đoàn kết với nhau, không có sự bợ đỡ, nói thật, nói thẳng với nhau để suy nghĩ. Nếu xây dựng được một Đảng bộ, chi bộ cơ sở vững mạnh theo đúng tinh thần hướng dẫn của Trung ương, thì Đảng chúng ta vững mạnh và đi theo.
PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo VOV)