Thống nhất với sự cần thiết phải ban hành luật này, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đỗ Đức Duy cho rằng đó là sự khẳng định địa vị pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một tổ chức tự quản, hoạt động theo tổ chức và hoạt động theo quy định của luật này và các pháp luật có liên quan để tránh tình trạng trước đây một số tổ chức tự quản hoạt động theo cái ý chí, nguyện vọng của địa phương cơ sở.
Về xây dựng lực lượng thẩm tra hồ sơ bầu tổ viên, chức danh, công nhận chức danh và thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự quy định tại Điều 13, đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị nghiên cứu thiết kế thành hai điều, quy định về bố trí lực lượng hay là hệ thống tổ chức và một điều riêng quy định về việc bầu và công nhận chức danh, như vậy sẽ rõ ràng hơn.
Cho đây là tổ chức tự quản, nhân dân bầu, đại biểu đề nghị quy định theo hướng thời điểm bầu lực lượng nên trùng với hoặc là theo nhiệm kỳ của HĐND cấp xã hoặc là theo nhiệm kỳ đại hội chi bộ và bầu trưởng thôn để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa cán bộ tham gia hệ thống chính trị ở cơ sở cũng như là những người tham gia lực lượng bảo vệ trật tự an ninh trật tự
Đối với việc cho thôi tham gia là tổ viên hoặc tổ phó, tổ trưởng của tổ, quy định là cho thôi trong trường hợp là người có đơn tự nguyện xin thôi, hoặc không còn điều kiện tham gia do vi phạm pháp luật, đại biểu đề nghị quy định là khi không còn đủ tiêu chuẩn tham gia, tức là bất cứ một tiêu chuẩn gì không đủ.
"Khi không còn đủ tiêu chuẩn tham gia, tức là tiêu chuẩn để bầu (bất cứ một tiêu chuẩn gì không đủ), ví dụ như là vi phạm pháp luật, ví dụ như là truy tố trách nhiệm hình sự, ví dụ như là có án tích… thì khi anh không còn đủ điều kiện thì mặc nhiên là Chủ tịch UBND xã quyết định cho thôi, như vậy nó rõ ràng hơn” - đại biểu nhấn mạnh.
Về bố trí các điều kiện làm việc, đại biểu Duy thống nhất với dự thảo là bố trí ở nơi sinh hoạt cộng đồng, kể cả trong trường hợp người dân hỗ trợ cho sử dụng nhà riêng để làm cơ sở sinh hoạt thì cũng hoàn toàn là phù hợp; không nhất thiết phải có cơ sở làm việc mang tính chất như kiểu trụ sở riêng, điều đó đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi sẽ khó khăn.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ nội vụ phát biểu thảo luận.
Bày đồng tình với mô hình và tên gọi của lực lượng, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ nội vụ cho rằng vấn đề làm sao để làm rõ được vướng mắc hiện nay là liên quan đến cái chế độ chính sách. Theo đại biểu, chế độ chính sách ở đây cũng chỉ là hỗ trợ chứ không phải quy định về phụ cấp nên cũng căn cứ vào cái điều kiện thực tiễn của địa phương.
"Tuy nhiên sau này sẽ có nghị định bổ sung, bởi như hiện nay chúng ta đang thực hiện theo Nghị định 165, tới đây sẽ sửa đổi, bổ sung. Khi luật được ban hành thì Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng nghị định mới để cụ thể hơn về mô hình tổ chức tự quản cộng đồng này và thứ hai nữa là các chế độ hỗ trợ cho lực lượng này và điều kiện để tổ chức hoạt động như thế nào” - đại biểu Trà đặt vấn đề.
Cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 33 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Trong nghị định có cả số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, đại biểu nêu vấn đề phải làm thế nào để khi ban hành nghị định mới có thể đảm bảo được tương đồng với mức hỗ trợ như đối với Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố đảm bảo mức tương đồng chứ không cao quá.
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận đặt vấn đề về trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng. Đại biểu thấy rằng quy định như vậy sẽ có những mâu thuẫn với Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành. Cụ thể là tại cái Điểm d Khoản 1, Điều 7 của Luật đã quy định về điều kiện của người được sử dụng công cụ hỗ trợ là phải là người đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trong khi đó thì dự thảo luật lại chưa quy định về việc đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho lực lượng này.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận nêu vấn đề về trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng.
Theo chúng tôi hiểu là hiện nay cũng chưa quy định cụ thể về cái đào tạo như thế nào, huấn luyện ra làm sao? Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo thì cần xem xét lại quy định tại Điều 18 của dự luật này để đảm bảo tính khả thi và thực tiễn, đồng thời phù hợp với Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Về bồi dưỡng, hỗ trợ lực lượng ở Điều 20, tại khoản 1 quy định người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể về đối tượng được hưởng, tránh trùng lặp về chế độ của lực lượng này với người tham gia đội dân phòng.
Đại biểu viện dẫn điểm c, Khoản 5, Điều 13 quy định: các chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh trật tự đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Trong khi đó, theo Nghị định 136, năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy đã quy định về chế độ chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng được mức hỗ trợ căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương nhưng không thấp hơn 15% lương tối thiểu vùng.
"Do vậy thì cái chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự đồng thời là đội trưởng, đội phó tổ dân phòng thì hưởng chế độ như thế nào? có trùng lắp không? Tôi nghĩ rằng cái này chúng ta phải phân định rõ” - đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Luận cũng cho biết dự thảo luật chưa quy định về việc thi đua, khen thưởng, kỷ luật của lực lượng này, đề nghị tại Chương 3 dự thảo luận nên bổ sung một cái điều khoản riêng về nội dung này. Cùng đó, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về nhiệm vụ chi của ngân sách cho lực lượng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ tính khả thi khi bố trí kinh phí chi đảm bảo hoạt động của lực lượng này, đặc biệt là đối với các địa phương hiện nay chưa cân đối được ngân sách.
Chiều nay - 20/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).