Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Khang Thị Mào thảo luận tại hội trường về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/6/2023 | 9:39:29 PM

YênBái - Chiều 20/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái đã phát biểu tham gia ý kiến.

Đại biểu đề nghị cần làm rõ, quy định rõ hoạt động tích trữ nước của các hồ chứa thủy điện có được coi là hoạt động tích trữ nước được hưởng ưu đãi, hỗ trợ
Đại biểu đề nghị cần làm rõ, quy định rõ hoạt động tích trữ nước của các hồ chứa thủy điện có được coi là hoạt động tích trữ nước được hưởng ưu đãi, hỗ trợ


Mở đầu thảo luận, đại biểu đánh giá cao Chính phủ trong quá trình tổng kết Luật Tài nguyên nước năm 2012 và xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp này, ngoài việc kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Tài nguyên nước năm 2012.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, chính sách mới về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh cần tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên nước theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Góp ý vào Quy định về Đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đại biểu nêu khoản 6 Điều 44 quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước, đăng ký khai thác, sử dụng nước theo thẩm quyền. 

"Ở đây có liệt kê ra đối tượng là các cơ quan có thẩm quyền Đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhưng không quy định thẩm quyền, trách nhiệm đối với từng cơ quan, như vậy không rõ thẩm quyền các cơ quan tới đâu. Tôi cho rằng nên sửa đổi, bổ sung nội dung này theo hướng quy định rõ về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước nói trên trong việc cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước, tương tự như là thẩm quyền trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc phê duyệt các báo cáo tác động của môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Như vậy thuận tiện trong việc triển khai, Chính phủ không phải ban hành các văn bản dưới Luật hướng dẫn thêm" - đại biểu nêu ý kiến.

Đối với Quy định về phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ (Điều 63), đại biểu viện dẫn khoản 2 Điều 63 quy định: "Các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này (trong đó có khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ) có nguy cơ gây tác động xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ phải thực hiện đánh giá tác động và có phương án bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ và được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản". 

Tuy nhiên, quy định đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, dòng chảy là một trong các nội dung phải có trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường và được cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt/cấp phép theo quy định của pháp luật về Bảo vệ môi trường hiện hành (Quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 28 và khoản 3 điều 167 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022). 

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh phù hợp để tránh chồng chéo trong công tác quản lý, gây mất thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp phải đi xin nhiều cơ quan với cùng một nội dung yêu cầu.

Tại khoản 3 Điều 63 quy định: "Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, cơ quan cấp giấy phép khoáng sản phải lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước, vị trí, phạm vi, chiều sâu khai thác, thời gian và chế độ khai thác trước khi cấp giấy phép khai thác khoáng sản”. 

Trong thực tế nhiều trường hợp sau khi xin ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan này yêu cầu phải điều chỉnh ranh giới, diện tích khu vực khai thác, lúc đó doanh nghiệp lại phải quay lại điều chỉnh dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường, làm mất thời gian và công sức, tốn kém cho doanh nghiệp. 

Vì vậy, đề nghị điều chỉnh quy định này, theo đó việc xin ý kiến phải thực hiện từ giai đoạn xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra, đề nghị nêu rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước được xin ý kiến là cơ quan nào (Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay Bộ Tài nguyên và Môi trường) để tránh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật sau này.

Đại biểu cũng rất quan tâm đến vấn đề tích trữ nước, điều hòa, phân bổ nguồn nước để đáp ứng nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong thời kỳ hạn hán, thiếu nước. Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi lần này đề cập khá nhiều lần cụm từ "tích trữ nước”, tại các Điều 66, 67, 69, 70 và 71. 

Đại biểu cho biết, Hồ chứa thủy điện, ngoài nhiệm vụ cơ bản là phát điện, đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, còn phải đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế - môi trường - xã hội. Điển hình như, đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phối hợp với các hồ chứa thủy lợi cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của vùng hạ du trong mùa kiệt, đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong thời kỳ mùa lũ. 

Nêu thực tế những năm gần đây, khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các hồ chứa thủy điện đã tham gia khá tích cực vào việc tích trữ nước và xả nước để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, tưới tiêu trong thời kỳ hạn hán, thiếu nước. "Vậy nên chăng Dự thảo cần làm rõ, quy định rõ hoạt động tích trữ nước của các hồ chứa thủy điện có được coi là hoạt động tích trữ nước được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như quy định tại Điều 69 hay không?" - đại biểu nêu ý kiến. 

Đại biểu cũng cho rằng trong trường hợp cần yêu cầu, huy động các hồ chứa thủy điện tích trữ nước hoặc xả nước để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất hạ du mà ảnh hưởng đến lợi ích phát điện của đơn vị, thì nên nghiên cứu, xem xét chế độ đền bù hoặc chia sẻ lợi ích từ các tổ chức, cá nhân hưởng lợi cho các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thuỷ điện để bảo đảm tính công bằng trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Quang Tuấn (lược ghi)

Các tin khác
Toàn cảnh Hội nghị.

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XIX, chiều 20/6, tại xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Yên Bình đã tiếp xúc cử tri các xã: Thịnh Hưng, Đại Minh, Phú Thịnh, Đại Đồng, Tân Hương, thị trấn Yên Bình.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, cùng với mạng xã hội, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã mang đến cả cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo Đảng. Làm thế nào để các tờ báo Đảng vừa làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng một cách nhanh chóng, kịp thời vừa tăng tính hấp dẫn để các chủ trương, đường lối, chính sách đi vào cuộc sống, tiếp cận nhiều đối tượng độc giả? Đó là bài toán không đơn giản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, sáng 20-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự.

Đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị thời điểm bầu lực lượng nên trùng với hoặc theo nhiệm kỳ của HĐND cấp xã hoặc là theo nhiệm kỳ đại hội chi bộ.

Sáng 20/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thuận cao sự cần thiết ban hành luật, các đại biểu Đỗ Đức Duy, Phạm Thị Thanh Trà, Nguyễn Quốc Luận của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tham gia các ý kiến vào dự án luật này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục