Là huyện miền núi với diện tích trên 1.390km², trong đó, đất nông nghiệp chiếm 27%, đất lâm nghiệp chiếm 75%, Văn Yên có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp để phát triển cây quế, sắn, gỗ rừng trồng và các loại cây trồng khác có giá trị.
Cùng với đó, Văn Yên là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như: đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn..., nhiều hang động, thác nước đẹp; đặc biệt, với những nét văn hoá đa sắc mầu của 12 dân tộc đã tạo điểm nhấn nổi bật để Văn Yên phát triển du lịch xanh bền vững.
Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên khẳng định: "Chúng tôi xác định hướng đi trong phát triển kinh tế của huyện là phát triển kinh tế xanh dựa trên tiềm năng, thế mạnh của huyện. Từ đó chủ động đề xuất, đề ra các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và lựa chọn phát triển các mô hình phù hợp với tiềm năng, lợi thế; thường xuyên đồng hành, hỗ trợ, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Đặc biệt, huyện luôn coi trọng phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, các thành phần kinh tế, các tổ chức và nguồn lực trong nhân dân nhằm hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững”.
Theo đó, huyện đã tập trung phát triển "nông nghiệp xanh” theo hướng hữu cơ, an toàn và bền vững; duy trì vùng nguyên liệu quế trên 52.000 ha, trong đó đã có trên 25.300 ha quế được canh tác theo hướng hữu cơ. Tổng giá trị các sản phẩm từ quế hằng năm trên địa bàn huyện đạt trên 800 tỷ đồng.
Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị như: chuỗi liên kết trồng, sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm quế hữu cơ; chuỗi giá trị măng tre Bát Độ...
Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh. Văn Yên là huyện dẫn đầu các huyện, thị trong tỉnh về số lượng các mô hình, dự án và kinh phí hỗ trợ. Trong 2 năm 2021, 2022, toàn huyện đã có 602 mô hình chăn nuôi và 11 tổ hợp tác được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 14.700 tỷ đồng. Huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các chủ thể đưa các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản chủ lực của huyện lên sàn thương mại điện tử. Đến nay, toàn huyện đã có 38 sản phẩm OCOP, trong đó có 36 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm 4 sao.
Về phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, huyện quan tâm hoàn thiện quy hoạch, chú trọng đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện để thu hút đầu tư. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, huyện Văn Yên đã thu hút được 14 dự án với tổng vốn đầu tư 3.743 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đang triển khai thực hiện trên địa bàn huyện lên 76, với tổng vốn đầu tư 9.235 tỷ đồng.
Đặc biệt trong năm 2023, huyện đã khởi công xây dựng Nhà máy gia công và đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất phân bón tại Cụm công nghiệp Đông An với tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng và khởi công
Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái tại Cụm Công nghiệp Bắc Văn Yên do Công ty Cổ phần EREX (Nhật Bản) và Công ty Năng lượng xanh Sakura làm chủ đầu tư.
Ông Honna Hitoshi - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần EREX Nhật Bản cho biết: "Sở dĩ chúng tôi lựa chọn huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái để xây dựng Nhà máy điện sinh khối vì nhận thấy đây là vùng đất tiềm năng, có nhiều thế mạnh riêng để phát triển điện sinh khối, có điều kiện giao thông thuận lợi. Lãnh đạo huyện Văn Yên và tỉnh Yên Bái cũng luôn quan tâm, đồng hành, lắng nghe và kịp thời đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư”.
Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn đã trở thành "thương hiệu" của huyện Văn Yên.
Xác định du lịch là ngành kinh tế xanh, là một trong bốn vùng du lịch trọng điểm của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, huyện chỉ đạo xây dựng và triển khai "Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021-2025”.
Bên cạnh sản phẩm du lịch tâm linh, huyện đã tập trung khai thác các điểm du lịch tiềm năng như: thác nước, hang động, suối nước nóng, ruộng bậc thang... và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số như dân ca, dân vũ và phục dựng các lễ hội độc đáo riêng có của huyện, đã trở thành "thương hiệu” riêng có của Văn Yên như: Lễ hội quế,
Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn Đông Cuông,
lễ hội tết rừng của người Mông Nà Hẩu... để phục vụ phát triển du lịch.
Ông Đặng Văn Chính - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu cho biết: "Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tạo sản phẩm sạch, chất lượng, có uy tín để phục vụ nhu cầu du khách trong các chuyến du lịch khám phá, trải nghiệm tại địa phương. Bởi vậy, sau khi khảo sát thực tế, thấy có nguồn nước sạch, chúng tôi đã đăng ký để làm mô hình
nuôi cá tầm và thành lập HTX để tạo thêm việc làm cho bà con địa phương; đồng thời, khai thác tốt tiềm năng phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa”.
Nhờ triển khai có hiệu quả các mô hình kinh tế trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ nên những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đã được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người từ 38,5 triệu đồng năm 2020 đã tăng lên 58 triệu đồng vào năm 2022; tỷ lệ giảm nghèo mỗi năm bình quân 5,53 %. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, toàn diện. Tới nay, huyện đã có 18/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các chỉ tiêu xây dựng huyện nông thôn mới đã cơ bản đạt tiến độ kế hoạch đề ra. Bộ mặt từ đô thị đến nông thôn có nhiều tiến bộ, khởi sắc.
Chủ tịch UBND huyện Hà Đức Anh cho biết: "Để có được những kết quả trên là nhờ có sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, trước hết là trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy, sự tin tưởng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong huyện. Đây là những yếu tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Huyện cũng chú trọng thực hiện tốt phương châm "Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm" trên quan điểm rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian, việc nào cũng phải có người phụ trách, một việc chỉ có một người chủ trì và chịu trách nhiệm, gắn nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương với trách nhiệm của người đứng đầu”.
Để hiện thực hoá mục tiêu phát triển "xanh”, trong thời gian tới, Văn Yên xác định tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, phát triển nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phát triển kinh tế tuần hoàn, công nghiệp thân thiện với môi trường, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn... tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Văn Yên đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.
Thu Trang