Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đã giới thiệu nhanh với đoàn công tác về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Yên Bái, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác, chế biến đá trắng với một số doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động nhiều năm tại tỉnh, có nhiều đóng góp cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Hiện, tỉnh Yên Bái đã cấp phép cho 6 doanh nghiệp của Ấn Độ với tổng mức đầu tư trên 28 triệu USD, chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực khai thác khoáng sản phục vụ xuất khẩu. Hàng năm, doanh thu của các doanh nghiệp này khoảng 35 - 40 triệu USD, đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 7 triệu USD.
Trong đó, Yên Bái đánh giá rất cao Tập đoàn R.K chuyên sản xuất, chế biến các loại đá cẩm thạch. Ngoài ra, các doanh nghiệp Ấn Độ cũng là đối tác trong việc cung cấp thiết bị cho nhiều dự án tại tỉnh Yên Bái về thủy điện, chế biến gỗ… Yên Bái hiện có sản phẩm quế, dược liệu và chè chất lượng cao, mong muốn được tiếp cận thị trường Ấn Độ.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn thông qua ngài Đại sứ sẽ giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Ấn Độ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác, cử các chuyên gia chuyển giao công nghệ để giúp các doanh nghiệp Yên Bái trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đất hiếm phục vụ xuất khẩu; quan tâm, hỗ trợ tỉnh Yên Bái trong xúc tiến thương mại, làm cầu nối đưa sản phẩm của tỉnh Yên Bái đến với thị trường Ấn Độ.
Yên Bái cũng đang triển khai lĩnh vực chuyển đổi số, mong muốn Ấn Độ có các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của tỉnh để hỗ trợ Yên Bái trong chuyển đổi số. Từ nay đến hết năm 2023, tỉnh Yên Bái tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, rất mong đoàn công tác đến tham dự để hiểu rõ hơn về văn hóa các dân tộc của tỉnh Yên Bái.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam trong suốt thời gian qua đã tài trợ các dự án quy mô nhỏ phát huy được hiệu quả kinh tế - xã hội với người dân vùng thụ hưởng dự án, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Thay mặt đoàn công tác, ngài Sandeep Arya – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam cho biết: Theo đánh giá của các doanh nghiệp Ấn Độ, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh Yên Bái rất tốt và tỉnh quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư; cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã có những góp ý để Đoàn có những ý tưởng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác tại tỉnh.
Ở lĩnh vực đất hiếm, ngài Đại sứ cũng mong muốn Ấn Độ và tỉnh Yên Bái sẽ có những đường lối cụ thể trong hợp tác. Ấn Độ cũng có những doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm trong khai thác đất hiếm nên thời gian tới Ấn Độ sẽ lựa chọn, đưa những doanh nghiệp này sang khảo sát, làm việc trực tiếp với tỉnh và sẽ đưa sản phẩm đất hiếm của tỉnh Yên Bái đi giới thiệu với các doanh nghiệp khai thác của Ấn Độ. Sản phẩm quế của Yên Bái là sản phẩm được thị trường Ấn Độ yêu thích, sử dụng nhiều, do đó rất có tiềm năng tại thị trường Ấn Độ.
Ngài Sandeep Arya cũng mong lãnh đạo tỉnh Yên Bái nghiên cứu, xem xét tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại tại Ấn Độ nhằm giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch của tỉnh nhiều hơn tới du khách Ấn Độ; tăng cường trao đổi hợp tác trong chuyển đổi số, giao lưu văn hóa… nhằm thắt chặt mối quan hệ, tình đoàn kết giữa 2 quốc gia Ấn Độ và Việt Nam.
Trước đó, đoàn công tác đã tham dự Lễ khánh thành Dự án "Xây dựng kênh mương nội đồng tại thôn Ao Sen, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn” thuộc Quỹ dự án quy mô nhỏ, hiệu quả nhanh do Đại sứ quán Ấn Độ tài trợ (ảnh trên).
Đức Toàn