Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP).
Công điện của Thủ tướng nêu rõ năm 2024 dù gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp, các ngành đã quyết liệt thực hiện công tác tiết kiệm, chống lãng phí và đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Dù vậy, vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để; giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn và việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng...
Chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm
Sau khi chỉ ra nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên, Thủ tướng yêu cầu trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế "xin-cho"; phân cấp, phân quyền cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu hoàn thiện các quy định không còn phù hợp, rà soát, đề xuất sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác THTK, CLP, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn…
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác tổ chức THTK, CLP trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm.
Về quản lý ngân sách nhà nước, tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách trong Luật sửa đổi, bổ sung chín luật vừa được Quốc hội thông qua. Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu.
Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập…
Xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra lãng phí
Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện Công điện 112/2024 của Thủ tướng về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Tăng cường tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, kiên quyết cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Đồng thời phải thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 từ các dự án không giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn.
Về quản lý, sử dụng tài sản công, các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước. Việc này phải được báo cáo Thủ tướng trước 15-12-2024.
Về quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai, Thủ tướng yêu cầu công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; rà soát, đánh giá đúng thực trạng các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc. Cạnh đó, đề xuất các giải pháp, biện pháp gỡ khó nhằm giải phóng nguồn lực đất đai, đẩy nhanh việc thực hiện dự án, đưa đất đai vào sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK, CLP, trong đó tập trung lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện nghiêm các quy định về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.
Bộ Tài chính được giao chủ trì tổng hợp, báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả và đề xuất phương án xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.
(Theo PLO)