Trong lớp nghệ nhân cao tuổi miệt mài với những hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa suốt nhiều năm qua trên toàn tỉnh, không thể không nhắc đến Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ. Đã gần 30 năm kiên trì, bền bỉ góp sức mình cho những điệu xòe, tiếng nói, chữ viết, tiếng khèn, điệu khắp của người Thái giữ được sức sống mạnh mẽ ở vùng Mường Lò kể từ năm 1995, khi Nghệ nhân Lò Văn Biến bắt đầu truyền dạy cho các bản, xã, phường các điệu xòe Thái cổ.
Rồi suốt từ năm 2007 - 2023, ông đã phối hợp cùng chính quyền địa phương mở 9 lớp chữ Thái cổ truyền dạy cho trên 250 học viên tại địa bàn thị xã, gồm cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh và người dân. Những năm gần đây, nhiều lễ hội truyền thống của người Thái trên địa bàn được phục dựng, bảo tồn.
Nghệ nhân Lò Văn Biến cũng chính là người góp phần khôi phục các lễ hội như: Hạn khuống, Xên bản, Xên mường và các trò chơi dân gian của người Thái sao cho thật ý nghĩa, đúng trình tự, động tác cổ. Tuần lễ văn hóa - du lịch Mường Lò hằng năm, ông luôn được thị xã mời tham gia cố vấn cho kịch bản và xây dựng ý tưởng chương trình nghệ thuật biểu diễn trong dịp này.
Vẫn một lòng kiên trì và bền bỉ, ông còn bỏ tâm sức sưu tầm, nghiên cứu và dịch thuật các tác phẩm từ chữ, tiếng Thái sang chữ, tiếng Việt như các tác phẩm về Hạn khuống, "Cầm Hánh đánh giặc Cờ vàng”, về việc lần theo vết chân Tạo Xuông - Tạo Ngần, các bài cúng thần linh, cúng vía trâu…
"Là người nắm giữ nhiều hiểu biết về văn hóa dân tộc Thái và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, bản thân tôi luôn xác định mình phải làm sao truyền lại cho thế hệ trẻ để họ biết trân trọng và nắm giữ, giữ gìn những nét đẹp của văn hóa dân tộc mình, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam” - Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến sẻ chia lý do đơn giản vậy cho vô vàn những việc làm đầy ý nghĩa trong nhiều chục năm qua của mình.
Ở thôn Vực Tròn, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, ông Triệu Quý Tín - người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng nhiều năm qua bền bỉ góp sức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao của mình. Ông chia sẻ: "Năm 2000, tôi được các thế hệ trước truyền dạy về văn hóa, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết dân tộc Dao. Với tinh thần ham học và mong muốn được góp phần bảo tồn những bản sắc văn hóa đó, tôi đã tự rèn luyện, học tập, bổ sung kiến thức để làm giàu thêm vốn kiến thức dân gian đã học.
Từ năm 2005, tôi được cộng đồng người Dao trong và ngoài xã tin tưởng, cậy nhờ đứng chủ chân nhang các lễ cúng gia tiên, lễ cấp sắc, lễ tạ mộ… Thông qua hoạt động chủ nhang các lễ lớn của dân tộc Dao, tôi tích lũy thêm nhiều kiến thức về văn hóa dân tộc mình”. Rồi sẵn vốn hiểu biết văn hóa, lại nhận thấy nguy cơ mai một của nhiều nét văn hóa dân tộc trong đời sống hiện đại, ông Triệu Quý Tín đã thực hiện việc truyền dạy những nghi lễ, văn hóa, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết của người Dao thông qua hoạt động lễ hội, nghi lễ, tập quán truyền thống của các dòng họ người Dao.
Ông cho hay: "Năm 2016, để bổ sung kỹ năng truyền dạy, tôi đã theo học lớp bồi dưỡng tiếng và chữ nôm Dao tại Trường Đại học Hồng Đức - Thanh Hóa. Sau khóa học, tôi có thêm kiến thức cho bản thân để đủ điều kiện truyền dạy cho lớp trẻ về cách phát âm chuẩn tiếng Dao, đồng thời viết và đọc được một số quyển sách phục vụ cho các lễ hội hay các phong tục truyền thống như: thủ tục thờ gia tiên, lễ cấp sắc, tết nhảy và các phong tục về mồ mả của các dòng họ dân tộc Dao quần chẹt trên địa bàn trong và ngoài huyện”.
Cũng từ năm 2016, ông Triệu Quý Tín đã phối hợp với những người có kiến thức về văn hóa dân tộc Dao vận động và mở các lớp dạy về văn hóa, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết của người Dao cho nhiều người trên địa bàn đồng thời truyền dạy cho lớp trẻ các bài hát, điệu múa của người Dao. Năm 2020, ông đã được UBND tỉnh tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Vinh dự đó tiếp thêm cho ông động lực để tiếp tục hành trình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương.
Nhiệt huyết và sự bền bỉ qua nhiều năm tháng của những người như ông Lò Văn Biến, Triệu Quý Tín và nhiều nghệ nhân hay những người am hiểu văn hóa các dân tộc ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh đã và đang góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Không chỉ dạy xòe, dạy chữ Thái, hai năm qua, Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến còn mở lớp dạy khèn bè, 1 lớp dạy nhạc cụ pí ló cho các học viên ở nhiều xã, phường và cả một lớp Khắp Thái cho thầy cô và học sinh của 14 nhà trường cấp học phổ thông do Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã mời ông truyền dạy.
|
Thu Hạnh