Tiền thân của Sở TT&TT Yên Bái là Sở Bưu chính - Viễn thông Yên Bái được thành lập vào tháng 12/2004 với duy nhất 1 bộ phận là Văn phòng Sở và 5 cán bộ, công chức. Đến năm 2022, Sở chỉ còn lại 4 phòng chuyên môn và 1 đơn vị trực thuộc là Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) với tổng số 39 cán bộ, công chức, viên chức.
Trong bối cảnh hạ tầng bưu chính, viễn thông, CNTT trên địa bàn chưa phát triển, nhận thức về CNTT và triển khai ứng dụng CNTT còn hạn chế, hoạt động của Sở Bưu chính - Viễn thông càng đứng trước nhiều khó khăn hơn khi cơ sở vật chất nghèo nàn, bộ máy tổ chức mới được hình thành bao gồm đội ngũ cán bộ trẻ, ít về số lượng, yếu về kinh nghiệm quản lý và hoạt động nghiệp vụ. Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, Sở Bưu chính - Viễn thông thời đó đã phải vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Sở TT&TT không ngừng được hoàn thiện về tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TT&TT trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, để đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới, tham mưu cho tỉnh triển khai chuyển đổi số (CĐS) một cách bài bản, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh đổi tên các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc, gắn các lĩnh vực quản lý nhà nước đang thực hiện với 3 trụ cột CĐS. Các phòng đổi tên thành: Phòng Công nghệ và Chính quyền số; Phòng Hạ tầng và Kinh tế số; Phòng Thông tin, Báo chí và Xã hội số; Trung tâm CNTT được kiện toàn sắp xếp tổ chức và bổ sung chức năng nhiệm vụ, đổi tên thành Trung tâm CĐS và Sở có 5 phòng chuyên môn với tổng số 40 cán bộ, công chức, viên chức.
Đến tháng 10/2024, Trung tâm CĐS tiếp nhận thêm nhiệm vụ của Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh, bổ sung chức năng giúp Sở TT&TT giám sát, điều hành các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh Yên Bái; quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh.
Trung tâm CĐS có chức năng giúp Sở TT&TT triển khai thực hiện các lĩnh vực quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và CĐS; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực CNTT; đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tư vấn, xây dựng và triển khai giải pháp, cung cấp dịch vụ, sản phẩm phục vụ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phát triển đô thị thông minh.
Đại diện lãnh đạo Sở TT&TT và các phòng ban của Sở chụp ảnh lưu niệm.
20 năm qua, dù ở bất kỳ giai đoạn nào, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Sở TT&TT luôn đoàn kết, kiên định mục tiêu phát triển, không ngừng đổi mới, nỗ lực khắc phục khó khăn; thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; bám sát thực tiễn, xu hướng phát triển của CNTT; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao; đóng góp tích cực vào các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Lĩnh vực TT&TT có bước phát triển vượt bậc, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những chỉ đạo, quyết sách quan trọng của Đảng và Chính phủ, Tỉnh ủy Yên Bái đã cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết đẩy mạnh công tác CĐS trước hết về mặt nhận thức, sau đó là những hành động thiết thực tạo tính đột phá dựa trên ba trụ cột là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh tham gia vào công cuộc CĐS, góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đưa tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Cán bộ Sở Bưu chính - Viễn thông nay là Sở TT&TT tỉnh Yên Bái.
Hiện nay, toàn tỉnh có 228 điểm phục vụ bưu chính thuộc 8 doanh nghiệp, đảm bảo 100% xã có điểm bưu chính có người phục vụ, trong đó có 142 điểm phục vụ bưu chính đảm bảo cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, đảm nhận một phần công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tỷ lệ điểm phục vụ cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và logistics đạt 100%.
100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; mạng vận chuyển bưu chính trên địa bàn tỉnh Yên Bái được tổ chức thành 3 cấp đường thư và các tuyến chuyển phát với tổng số 357 đường; hạ tầng mạng cố định băng rộng được phủ rộng khắp đến 100% xã/phường, 95,7% thôn, bản (tăng 0,7% so với năm 2023 và tăng trên 20% so với năm 2021), chất lượng dịch vụ Internet tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu tập trung dân cư ngày càng được nâng cao đảm bảo tốc độ tối thiểu 40 Mbps; 1.044/1.291 nhà văn hóa có mạng Internet, đạt 81%, tăng 3% so với năm 2023.
Từ năm 2021 đến hết tháng 6 năm 2024, Yên Bái đã phủ sóng 1332 thôn, bản, đạt trên 98% thôn, bản được phủ sóng, tăng hơn so với năm 2021 khoảng 6% tương ứng với việc xoá khoảng 70 thôn, bản trắng sóng trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Yên Bái là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm phát sóng công nghệ 5G và đã phối hợp, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai xây dựng
trạm phát sóng 4G phủ sóng cho các thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn tại xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Háng Tày, Kể Cả, Pú Vá), đây đều là những thôn chưa có điện lưới quốc gia.
Hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả các hạng mục, như: Trung tâm Giám sát an toàn an ninh mạng tỉnh (SOC), duy trì hoạt động với 11 modul triển khai theo mô hình bảo vệ 4 lớp giám sát; Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh (DC), được vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả với 130 máy chủ ảo, 50 phần mềm quản lý tại Trung tâm; Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh và 136/173 trang thông tin điện tử cấp xã, phường thị trấn. Nền tảng liên thông tích hợp (LGSP) thực hiện kết nối với nền tảng liên thông, tích hợp quốc gia (NDXP) để gửi nhận văn bản, dữ liệu với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh. Hiện đã kết nối, chia sẻ với 23 cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương qua trục liên thông dữ liệu (LGSP) của tỉnh.
Đối với lĩnh vực kinh tế số, là nhiệm vụ mới, Sở đã tập trung nghiên cứu, tham mưu các hoạt động triển khai phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh với các nội dung: tổ chức ký kết hợp tác triển khai nhiệm vụ CĐS, kinh tế số với Sở Công thương, Hội Nông dân tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kinh phí phát triển kinh tế số hàng năm và thực hiên một số mô hình như: chợ 4.0, sàn thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, thanh toán điện tử, hóa đơn/hợp đồng/thuế/chữ ký điện tử, truy xuất nguồn gốc thông minh cho sản sản phẩm...
Tiêu biểu là xây dựng thành công mô hình, hình thành phương pháp, cách làm phát triển kinh tế số, xã hội số xã Suối Giàng; mô hình dòng họ số; truy xuất nguồn gốc chè Suối Giàng, bưởi Đại Minh; mô hình "
Bình dân học AI”... Qua hơn 6 tháng triển khai thí điểm mô hình "Bình dân học AI” đã đạt được những
kết quả rất tích cực, cơ bản các chỉ tiêu đề ra đều vượt mục tiêu kế hoạch. Mô hình đã lan tỏa rộng rãi đến nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh; được một số tỉnh bạn biết đến và đề nghị được chia sẻ kinh nghiệm.
Sở TT&TT đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp viễn thông triển khai mở lớp tập huấn hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, các hộ kinh doanh và đội ngũ đoàn viên thanh niên triển khai ứng dụng nền tảng, công nghệ chuyển đổi số nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm góp phần tạo ra và nâng cao giá trị kinh tế từ việc ứng dụng CĐS trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ban Chấp hành Chi đoàn Sở TT&TT nhiệm kỳ 2005 - 2007 ra mắt Đại hội.
Đối với công nghệ và chính quyền số, nền tảng quản lý văn bản và điều hành tỉnh Yên Bái đến nay đã cấp hơn 12.000 tài khoản sử dụng, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương (khối cơ quan nhà nước) thực hiện chức năng báo cáo điện tử (ký số), 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật).
Đến nay, Yên Bái đã hoàn thành một số chỉ tiêu dịch vụ công quan trọng nêu trong mục tiêu Nghị quyết: 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (dịch vụ công trực tuyến toàn trình) và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử.
Sở TT&TT đã phối hợp Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 15.563 chứng thư số cho tổ chức, cá nhân (chứng thư số của tổ chức là 1.165; chứng thư số cá nhân là 14.398). Yên Bái hiện đã tích hợp 10 dịch vụ công thiết yếu được nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh Yên Bái, 13 dịch vụ công thiết yếu được liên kết với cổng dịch vụ công của bộ, ngành Trung ương, 2 dịch vụ công thiết yếu được liên kết và thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Có 349 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; nền tảng quản lý cán bộ, công chức, viên chức đã hoàn thành việc số hóa, cập nhật, đồng bộ 24.352 (đạt 100%) hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Yên Bái với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Hệ thống thư điện tử công vụ đã cung cấp trên 9.644 tài khoản thư cho cán bộ, công chức, viên chức của 57 các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (đạt 100%), tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi thông tin công việc đạt 70%...
Đối với lĩnh vực thông tin, báo chí và xã hội số, hiện tỉnh Yên Bái có 3 cơ quan báo chí địa phương; 3 cơ quan báo chí Trung ương thành lập văn phòng thường trú và 11 cơ quan cử phóng viên thường trú tại Yên Bái với tổng số 22 phóng viên; 9 cơ quan báo chí Trung ương, 6 tạp chí cử 17 phóng viên theo dõi địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có gần 300 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, 132 người được cấp thẻ nhà báo (120 thẻ của phóng viên báo chí địa phương, 12 thẻ của phóng viên báo Trung ương thường trú); trên 70 trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học.
Toàn tỉnh có 9 cơ sở truyền thanh - truyền hình huyện, thị xã, thành phố (Trung tâm Truyền thông và Văn hóa cấp huyện); quản lý, vận hành 17 trạm phát lại phát thanh (9 trạm phát tại trung tâm và 8 trạm tiếp, phát sóng tại xã, phường). Tổng số nhân lực phục vụ hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện là 144 người. Hiện tại, toàn tỉnh có 168/168 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở, trong đó có 97 đài TTCS vô tuyến FM, 76 đài TTCS hữu tuyến (có dây); Tỉnh Yên Bái có 3 cơ sở in được cấp phép hoạt động in; 3 cơ sở in, xuất khẩu vàng mã; trên 150 cơ sở in, photocopy tư nhân; 1 đơn vị chủ lực cung ứng cho thị trường sách; 30 cửa hàng phát hành xuất bản phẩm, cho thuê truyện; 1 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ chuyển phát báo chí in.
Trung bình hàng năm, Sở đã tiếp nhận, thẩm định và cấp 120 giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; 15 giấy phép thiết lập, gia hạn hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp; duy trì 22 cơ quan, đơn vị tham gia hoạt động xuất bản bản tin. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực được tăng cường; triển khai quy hoạch, kế hoạch, đề án, quy chế, quy định theo đúng quy định và kịp thời.
Hiện nay, tỷ lệ tin, bài tích cực trên báo chí và mạng xã hội đạt trên 95%, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội. Hệ thống báo chí, truyền thông của tỉnh thực hiện CĐS mạnh mẽ; các cơ quan báo chí của tỉnh đều ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và phân phối nội dung theo hướng toà soạn hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện.
Công tác thông tin đối ngoại được chú trọng, góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh đến bạn bè trong khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư của tỉnh. Đến nay, 100% sở, ngành, các huyện, thành, thị đều có cổng, trang thông tin điện tử; 85% xã, phường, thị trấn sử dụng đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Bình quân hàng năm các cơ quan báo chí của tỉnh đăng tải gần 100 nghìn lượt tin, bài, chương trình tuyên truyền về tỉnh và lan tỏa trên mạng xã hội. Tỷ lệ hộ được nghe, xem phát thanh - truyền hình đạt 99,6%; tỷ lệ phủ sóng phát thanh mặt đất đạt 97%; tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hàng năm; hoạt động xuất bản, in, phát hành đảm bảo đa dạng hóa về hình thức, duy trì mức tăng trưởng ổn định cả về quy mô, chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh văn bản rà soát, hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực báo chí; triển khai ứng dụng nền tảng giám sát thông tin về tỉnh Yên Bái trên không gian mạng, định kỳ phát hành báo cáo hằng tháng...
Riêng năm 2024, Sở TT&TT đã chỉ đạo, hướng dẫn đổi mới công tác truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ và có hiệu quả phương thức truyền thông đa phương tiện tại các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh, của các địa phương:
Báo Yên Bái điện tử duy trì truyền hình trực tuyến, thử nghiệm sử dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo xây dựng các sản phẩm truyền thông (infographics, video, audio...), thử nghiệm hình thức Megastory trong phòng chống thiên tai, tuyên truyền văn hóa - du lịch, kinh tế; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã phát triển truyền thông trên hạ tầng số với website
yenbaitv.org.vn, 4 trang fanpage trên Facebook, 1 trang trên Youtube và 1 trang trên Tiktok; trung tâm truyền thông và văn hóa các huyện, thị xã, thành phố chủ động nghiên cứu ứng dụng các nền tảng số trong xây dựng sản phẩm truyền thông; xây dựng, mở rộng các kênh truyền thông trên nền tảng mạng xã hội để đa dạng hóa hình thức truyền thông, thu hút khán thính giả.
Trong thời gian tới, với những khó khăn, thử thách trước mắt, những yêu cầu mới đặt ra từ thực tiễn của bối cảnh đất nước, của tỉnh đang bước vào thời kỳ phát triển mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, ngành TT&TT sẽ tiếp tục phát huy thành tích đạt được, không ngừng đổi mới sáng tạo, đoàn kết chặt chẽ, tạo sức mạnh mới thực hiện tốt các mặt công tác.
Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, của Bộ TT&TT, của tỉnh; chủ động đề xuất cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực TT&TT, nhất là đẩy mạnh CĐS gắn với bảo đảm an ninh, an toàn.
Sở TT&TT phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong tham mưu, đẩy mạnh CĐS của tỉnh. Xác định phát triển chính quyền số đi đầu dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hạ tầng viễn thông, hạ tầng số và các tiện ích đi kèm, phục vụ chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; chú trọng công tác bảo mật, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu của người dùng.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về TT&TT, báo chí, xuất bản; phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác, khách quan tình hình chính trị, đời sống kinh tế - xã hội; đẩy lùi thông tin tiêu cực, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội. Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt các yêu cầu về kiện toàn tổ chức bộ máy; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sở TT&TT tỉnh Yên Bái