Đề xuất mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/1/2025 | 9:24:21 AM

Bộ Nội vụ đề xuất nhiều quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vừa gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.

Trụ sở Bộ Nội vụ (Ảnh: Thành Đông).
Trụ sở Bộ Nội vụ (Ảnh: Thành Đông).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long vừa ký tờ trình, hồ sơ dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.

"Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp", Bộ Nội vụ nêu quan điểm.

Hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ

Thông tin về những điểm mới, Bộ Nội vụ cho biết đã đề xuất quy định Chính phủ có trách nhiệm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các nội dung theo quy định của Hiến pháp và những vấn đề cơ bản, quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội.

"Việc xác định nguyên tắc này là cần thiết, bảo đảm tính gắn kết giữa Luật Tổ chức Chính phủ với Luật Tổ chức Quốc hội, bảo đảm kiểm soát quyền lực giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp. Xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm Chính phủ thực hiện đúng thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp và khắc phục tình trạng chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp", Bộ Nội vụ phân tích.

Dự thảo cũng quy định Chính phủ có trách nhiệm với các cơ quan thực hiện quyền tư pháp theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao tại Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND và các luật liên quan.

Điều này, theo Bộ Nội vụ lý giải, nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp với cơ quan thực hiện quyền tư pháp theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan của Chính phủ tại văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với luật này, bảo đảm quyền lực nhà nước được kiểm soát hiệu quả, khắc phục lợi ích nhóm, cục bộ.

Ngoài ra, để tăng cường kiểm soát của Chính phủ đối với nền hành chính quốc gia và việc thực hiện quyền lập pháp, dự thảo bổ sung một số nhiệm vụ của Chính phủ.

Cụ thể, Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đình chỉ thi hành luật, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp cần thiết (liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, lợi ích Nhà nước và người dân…); bảo lưu ý kiến đối với các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong các kết luận giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Dự thảo luật cũng hoàn thiện các nội dung mang tính nguyên tắc về phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo các nhóm: Các nội dung trình Quốc hội; các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo Hiến pháp 2013; các nội dung Chính phủ sẽ thực hiện theo chức năng của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Chính phủ sẽ quyết định các chính sách phát triển ngành, vùng, địa phương (trừ những chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và những nội dung đã phân quyền đối với địa phương).

Bộ Nội vụ nhận định, điều này sẽ đảm bảo Chính phủ thống nhất quản lý mọi mặt đời sống xã hội, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những vấn đề đã phân quyền cho chính quyền địa phương theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành.


Một phiên họp của Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 (Ảnh minh họa: Đoàn Bắc).

Nhiều quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng

Hiến pháp 2013 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ chủ yếu tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ.

Dù vậy, qua rà soát 257 luật chuyên ngành, cơ quan soạn thảo thấy có 152 luật đang quy định nhiệm vụ và thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Thủ tướng được giao quyết định rất nhiều quyền hạn cụ thể.

Vì thế, dự thảo luật đã đưa nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ theo các nhóm: Các nội dung trình Quốc hội; các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các nội dung trình Chủ tịch nước; các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ (không quyết định các vấn đề cụ thể trong việc quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực).

"Cần rà soát các luật chuyên ngành để chuyển các thẩm quyền quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ đối với các nội dung quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực sang cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc chính quyền địa phương, bảo đảm tăng trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương", Bộ Nội vụ nêu rõ.

Trong trường hợp chưa sửa đổi được các luật chuyên ngành, Thủ tướng sẽ quyết định phân cấp theo thẩm quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc chính quyền địa phương.

Trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước cũng được bổ sung, quy định rõ tại dự thảo.

Đồng thời bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách thành viên Chính phủ có trách nhiệm giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; thay mặt Chính phủ hoặc ủy quyền cho thành viên Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ.

Hướng giải quyết vướng mắc về phân cấp, phân quyền

Hồ sơ gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định cho rằng, để giải quyết các vướng mắc về phân cấp, phân quyền trong các luật chuyên ngành, Ban cán sự đảng Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị dự thảo luật cần thiết kế một điều khoản chuyển tiếp (Điều 29 dự thảo luật) mang tính nguyên tắc để giải quyết những vướng mắc liên quan đến thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tại các luật chuyên ngành.

Theo đó, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đang quy định tại các luật chuyên ngành chưa phù hợp với nguyên tắc tại luật này sẽ được điều chỉnh thống nhất với các quy định của luật này, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ và phủ hợp với quy định của Hiến pháp.

Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn, Chính phủ quyết định điều chỉnh cụ thể theo thẩm quyền.


(Theo DTO)

Các tin khác
Lễ đón Thủ tướng Mishustin tại sân bay Nội Bài.

Rạng sáng nay (14/1), Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin đã đến sân bay Nội Bài, để thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Quang cảnh buổi gặp mặt

Chiều 13/1, huyện Yên Bình tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí địa phương và trung ương đóng trên địa bàn tỉnh nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025.

Sáng 13/1, tại Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS) quốc gia.

Đảng viên Chi bộ thôn Làng Cần, xã Đại Minh trong buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ tháng 1/2025

“Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt” - nhận thức được tầm quan trọng chất lượng sinh hoạt chi bộ, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nhờ đó đã có sự thay đổi nhận thức của các cấp ủy Đảng về chất lượng sinh hoạt chi bộ ngay tại cơ sở.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục