Giai đoạn 2019 - 2024, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức trên 1.900 cuộc giám sát; trong đó, cấp tỉnh tổ chức 40 cuộc; cấp huyện tổ chức 179 cuộc; cấp xã tổ chức 1.706 cuộc. Nội dung giám sát liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của đoàn viên, hội viên và nhân dân như việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; thực hiện các chính sách cho đoàn viên, hội viên và người dân theo quy định của pháp luật; giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri và nhân dân sau các kỳ họp HĐND các cấp; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp...
Cùng với giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hoạt động giám sát của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng cũng đã phát huy hiệu quả, bám sát tình hình thực tiễn của địa phương. Giai đoạn 2019 - 2024, Ban Thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn đã tổ chức trên 2.700 cuộc giám sát; ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát trên 2.700 dự án đầu tư.
Các cuộc giám sát tập trung vào việc giải quyết các kiến nghị, phản ánh của nhân dân; huy động các nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, nhà văn hóa từ nguồn vốn ngân sách và kinh phí đóng góp của người dân; quản lý, sử dụng các loại quỹ do nhân dân đóng góp...
Thông qua hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phát hiện kịp thời một số tồn tại, bất cập như thu lệ phí của cá nhân, hộ gia đình khu vực nông thôn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu không đúng với nghị định của Chính phủ và nghị quyết của HĐND tỉnh; những bất cập trong quy trình áp giá đền bù đất đai, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc khi Nhà nước thu hồi đất; bất cập, khó khăn trong việc thực hiện chế độ, chính sách với người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19; những hạn chế trong quy trình tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân; việc chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động của các doanh nghiệp; những hạn chế trong quản lý nhà nước về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Từ đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ động, kịp thời kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp để có các biện pháp chỉ đạo kịp thời điều chỉnh, bổ sung cơ chế thuộc thẩm quyền và giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Cùng đó, từ năm 2019 đến nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã thực hiện 32 hội nghị PBXH; trong đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh tổ chức 13 hội nghị; cấp huyện, cấp xã tổ chức 19 hội nghị.
Nội dung phản biện tập trung vào các dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về ban hành và thực hiện các chính sách, đề án; trong đó, có dự thảo một số chính sách quan trọng, tác động sâu sắc tới đời sống xã hội như: dự thảo Nghị quyết về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước; dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của cấp huyện; dự thảo Nghị quyết về Quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thanh toán bảo hiểm y tế...
Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với trên 1.300 dự thảo các văn bản của trung ương và của tỉnh như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Đất đai sửa đổi; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều…
Ông Phùng Quang Huy - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh bày tỏ: "Với quan điểm giám sát và PBXH phải xuất phát từ thực tiễn, tập trung vào những vấn đề mà nhân dân và xã hội quan tâm, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp, thời gian tới, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức giám sát. Trong đó, tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề và PBXH đối với những chính sách lớn, có tác động sâu rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị trong giám sát, PBXH bảo đảm khách quan, trung thực, đầy đủ căn cứ pháp lý, căn cứ khoa học và thực tiễn; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, PBXH cho đến khi có kết quả cuối cùng, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân”.
Nhiều ý kiến phản biện chất lượng, xác đáng, bảo đảm căn cứ pháp lý, tính khả thi và phù hợp với thực tiễn đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu. Việc tổ chức phản biện, góp ý của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã phát huy được trí tuệ của nhiều tổ chức, cá nhân đại diện cho nhân dân trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, tính khả thi, hiệu quả của các văn bản trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trên tất cả các lĩnh vực. |
Hồng Oanh