Tổ chức HĐND quận, phường trên cả nước: Đại biểu Quốc hội đề nghị “cần đổi mới”

  • Cập nhật: Thứ bảy, 15/2/2025 | 11:17:48 AM

Trong khi chưa thể đổi mới được tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn thì cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị giống như các nơi đã và đang thí điểm hiệu quả.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu tại hội trường.

Một số ý kiến Đại biểu Quốc hội nêu đề xuất này khi thảo luật dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 15/2.

Các ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng hầu hết các nội dung của dự thảo Luật đã thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đồng thời, các nội dung trong dự thảo luật đã cơ bản tạo được hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tháo gỡ các "điểm nghẽn” về thể chế, giúp  khơi thông nguồn lực, tạo ra các động lực mới góp phần thúc đẩy phát triển đất nước.  

Tuy vậy, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị làm rõ nhiều vấn đề để thuận lợi khi triển khai thực hiện sau khi luật được ban hành.

Liên quan đến mô hình chính quyền địa phương, dự thảo quy định tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Theo Chính phủ, quy định này để bảo đảm việc tiếp tục thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Thủ đô và các nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh đề nghị cần nghiên cứu theo hướng đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị để thúc đẩy sự phát triển.

Nhấn mạnh hiện nay đang tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhưng nghiên cứu nội dung quy định khoản 1 Điều 2, ông thấy chưa thật sự an tâm.

Qua các kỳ Đại hội Đảng, nhiều chủ trương, đường lối và định hướng của Đảng đã chỉ đạo phải đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và đặc điểm vùng nông thôn, hải đảo.

Và thực tiễn cũng đã cho thấy, sau khi sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, các địa phương như Thành phố Đà nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và mới đây là Thành phố Hải phòng đã được Quốc hội cho phép thực hiện chính quyền đô thị. Qua đánh giá, các nơi này đã triển khai thực hiện và mang lại kết quả rất tốt.

Trong điều kiện đang thực hiện cuộc Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, thì tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được xem xét thận trọng để có thể thiết kế lại cho phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị và đặc điểm của khu vực nông thôn. Điều này hoàn toàn không trái với Hiến pháp.

"Trong khi chưa thể đổi mới được tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn thì cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị giống như các nơi đã và đang thí điểm hiệu quả. Đây sẽ là cơ sở thực hiện tốt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay, tạo động lực thúc đẩy phát triển phát triển đất nước”, ông Trần Quốc Tuấn đề xuất.

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng quy định như dự thảo không có gì đổi mới, ngược với xu hướng tinh gọn bộ máy hiện nay.

Trong điều kiện đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy thì tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được thiết kế lại, phù hợp với đặc điểm của đô thị và đặc điểm của nông thôn.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, trong khi chưa đổi mới được tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn thì cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị để thúc đẩy sự phát triển.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với việc duy trì cấp chính quyền như luật hiện hành, bởi "không thể không có HĐND cấp xã”. Còn những nơi được Quốc hội cho phép thực hiện chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND quận, phường) đang phát huy hiệu quả thì đề nghị nghiên áp dụng cho chính quyền đô thị trên toàn quốc, vì không chỉ thành phố trực thuộc trung ương mà thành phố thuộc tỉnh cũng là đô thị.

Phát biểu giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Chính phủ đề xuất giữ nguyên như luật hiện hành vì chúng ta đang tiếp tục đánh giá tổng thể mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị, sẽ có điều chỉnh, nên trước mắt tạm thời giữ nguyên.

Theo bà, không giữ nguyên thì có hẫng hụt trong vận hành hệ thống tổ chức chính quyền địa phương cũng như mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Chính quyền đô thị vẫn thực hiện như các nghị quyết của Quốc hội. Còn đối với các địa phương đô thị trực thuộc trung ương thì vẫn tiếp tục có thể đề xuất việc này, không gì vướng cả.

"Trong bối cảnh tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban tổ chức Trung ương tiến hành đánh giá nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức bộ máy, trong đó có hệ thống chính quyền địa phương”, ”, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết và mong đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án tạm thời giữ như hiện hành.

(Theo VOV)

Các tin khác
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị to lớn, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân mà còn là tiền đề để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Cao hơn, chuỗi sự kiện này là một trong những yếu tố then chốt tạo nền tảng chính trị vững chắc đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, phồn vinh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu và ước vọng của toàn dân tộc.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, Kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Phiên thảo luận tại tổ về kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc đạt mức tăng trưởng 8% sẽ kéo theo tăng trưởng ở nhiều chỉ số, từ thu nhập bình quân đầu người đến năng suất lao động.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham gia thảo luận tại tổ trong Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 14/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú

Theo Chỉ thị mới ban hành của Bộ Chính trị, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, kỷ luật đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm và những quy định về nêu gương; trọng liêm sỉ, danh dự, chủ động nhận trách nhiệm khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục