Nửa thế kỷ làm theo lời Bác

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nửa thế kỷ thực hiện lời Bác dạy, cùng với những hy sinh, cống hiến và sự phấn đấu không ngừng, tỉnh Yên Bái đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân dân các dân tộc Yên Bái đã phấn đấu xứng đáng với sự quan tâm của Bác cách đây 50 năm về trước: “Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi”.

Cô giáo miền xuôi trên bản người Mông. (Ảnh: Hoàng Nhâm)
Cô giáo miền xuôi trên bản người Mông. (Ảnh: Hoàng Nhâm)

50 năm tròn đã trôi qua kể từ ngày lịch sử ấy: Ngày 25/9/1958, đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái lần đầu tiên và duy nhất vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Nửa thế kỷ thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và những lời Bác Hồ dạy, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã phấn đấu không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được những thành tích to lớn, có ý nghĩa quan trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; trọn vẹn lời hứa với Bác, từng bước đưa Yên Bái trở thành “một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi”...

Đoàn kết - con đường dẫn đến mọi thành công

Trong bài nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái, điều đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến là vấn đề đoàn kết dân tộc. Với những hình ảnh rất sinh động, gần gũi, dễ hiểu, Bác đã nêu vấn đề vì sao phải đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc. Nửa thế kỷ qua, những lời căn dặn đầy ý nghĩa của Người vẫn còn nguyên giá trị, là động lực thúc đẩy Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái thi đua phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử.

Đó là thắng lợi của cuộc vận động hợp tác hoá ngay từ những năm 1958 - 1960 với sự ra đời các hợp tác xã nông nghiệp đã tạo bầu không khí xã hội mới ở nông thôn Yên Bái; thắng lợi của công tác cải tạo XHCN, bước đầu phát triển kinh tế - văn hoá, đặt nền móng cho quá trình xây dựng CNXH trên miền Bắc; thắng lợi của việc lãnh đạo thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965); thực hiện thành công cuộc vận động chuyển dân xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của ngành Thuỷ điện Việt Nam. Đặc biệt, trong phong trào thi đua phát triển giao thông nông thôn do Bác Hồ phát động, tỉnh Yên Bái đã giành được phần thưởng Lá cờ đầu trong 2 năm 1963 và 1965 nên đã được giữ vĩnh viễn cờ thưởng luân lưu của Bác.

Nhờ có đoàn kết dân tộc mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Yên Bái đã liên tục tổ chức và phát động được các phong trào hành động cách mạng của quần chúng thi đua xây dựng CNXH, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho cách mạng miền Nam. Trong hai cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Yên Bái đã phối hợp bộ đội chủ lực bắn rơi 115 máy bay Mỹ, tiêu diệt và bắt gọn nhiều toán gián điệp, biệt kích. Dân quân tự vệ xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn) đã vinh dự được nhận cờ luân lưu của Bác Hồ về thành tích bắn rơi máy bay. Hơn 25.000 con em các dân tộc Yên Bái đã tòng quân đi chiến đấu khắp trên chiến trường, góp phần đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Cũng chính nhờ đoàn kết dân tộc mà Yên Bái đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi cơ bản bộ mặt của tỉnh sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đoàn kết dân tộc là một trong những yếu tố quyết định đến việc triển khai có hiệu quả các phong trào, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như: vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, làm mới, cứng hoá đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi nội đồng, phát triển nhà văn hoá thôn, bản; tham gia vận động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, định canh định cư, phá bỏ cây thuốc phiện; tổ chức xây dựng các mô hình kinh tế...

Nửa thế kỷ thực hiện lời Bác dạy, cùng với những hy sinh, cống hiến và sự phấn đấu không ngừng, tỉnh Yên Bái đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân dân các dân tộc Yên Bái đã phấn đấu xứng đáng với sự quan tâm của Bác cách đây 50 năm về trước: “Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi”.

Thực hiện nếp sống văn minh theo lời Bác dạy

Một trong ba vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đồng bào các dân tộc Yên Bái khi Người về thăm tỉnh là phải tiết kiệm và thực hiện đời sống văn hoá mới. Đó là, tiết kiệm trong tăng gia sản xuất, tiết kiệm trong tổ chức ma chay, cưới xin…

Trong xây dựng đời sống văn hoá mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là một nội dung quan trọng được sự quan tâm của toàn xã hội. Cụ thể hoá những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về vấn đề này. Nhiều phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được phát động thực hiện đã đi vào cuộc sống của mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội.  Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được các cấp đưa vào quy ước vận động nhân dân, là tiêu chí để xây dựng gia đình, làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hoá.

Hiện nay, trung bình hàng năm tỉnh Yên Bái có trên 2.000 đám cưới, trong đó có hơn 80% số đám cưới thực hiện theo đúng quy định, tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, chỉ tổ chức trong một ngày. Nhiều đám cưới tổ chức theo hình thức “đời sống mới”, đơn giản, văn minh, đầm ấm, ý nghĩa như tổ chức tiệc trà ở nhà văn hoá hoặc tại gia đình; thực hiện đám cưới không uống rượu say, đám cưới không khói thuốc lá. ở nhiều địa phương như huyện Văn Chấn, huyện Văn Yên, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động rất ý nghĩa trong ngày cưới cho các cặp vợ chồng trẻ, như viếng nghĩa trang liệt sỹ, trồng cây lưu niệm ở các công trình phúc lợi của địa phương. Việc tổ chức tiệc cưới linh đình, mời cỗ tràn lan nhằm mục đích trục lợi đã giảm rõ rệt. Tình trạng thách cưới bằng bạc trắng ở đồng bào dân tộc vùng cao trước kia là phổ biến, nay đã được bãi bỏ.

Yên Bái là tỉnh miền núi nhiều dân tộc, phong tục, tập quán phong phú, đa dạng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân bãi bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc tang đã được Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá các cấp chú trọng chỉ đạo thực hiện; về cơ bản đã thực hiện tốt theo đúng quy định như không để người chết trong nhà quá thời gian quy định. Trước đây, trong đám tang của người Mông (ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải) còn tục lệ để người chết trong nhà nhiều ngày... Nay thói quen này đã và đang được vận động bãi bỏ nhằm thực hiện đúng theo quy định của UBND tỉnh là không để người chết trong nhà quá 24 tiếng đối với vùng thấp và 48 tiếng đối với vùng cao. Việc phúng viếng bằng vòng hoa, bức trướng tràn lan, rắc vàng mã quá nhiều trên đường đưa tang đã giảm nhiều. Tệ ăn uống linh đình trong các đám tang chỉ còn rất ít...

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ khi Người thăm Yên Bái, nhất là sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị khoá VIII về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đến nay nhận thức của các cấp uỷ, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đã có chuyển biến rõ rệt, nêu cao ý thức thực hiện đám cưới văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, thực hiện nghiêm các quy định về việc tang; tổ chức và quản lý lễ hội chặt chẽ, không để xảy ra các hoạt động mê tín, dị đoan, truyền bá, tán phát tài liệu trái pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

     Hồng Thanh Tâm

Các tin khác

Ngày 20/5/2024, Quốc hội đã thông qua nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu nhậm chức.

Phát biểu nhậm chức sau khi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội, ông Trần Thanh Mẫn chia sẻ đây là niềm vinh dự to lớn, đồng thời là trách nhiệm cao cả của ông trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức.

Chiều 20/5, ngay sau khi Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết về việc bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV, ông Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức theo quy định.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Sáng 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục