Mặt trận với nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong suốt quá trình cách mạng, nhân dân các dân tộc Yên Bái luôn thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, hy sinh cống hiến to lớn cho cách mạng thành công.

Nhiệm vụ trên hết, trước hết của Mặt trận là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Nhiệm vụ trên hết, trước hết của Mặt trận là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Tập hợp, đoàn kết toàn dân trong một mặt trận thống nhất để tạo ra sức mạnh tổng hợp là một kinh nghiệm quý báu của cách mạng Việt Nam, một cống hiến to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, qua đó đã chuyển hóa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân từ lực lượng tiềm ẩn thành sức mạnh vật chất hiện thực có tổ chức với sức mạnh dời non lấp biển, biến cái tưởng như không thể thành cái có thể như Hồ Chủ tịch đã viết:

“Nực cười châu chấu đá xe

Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng!”

 

Thực tế lịch sử hùng hồn diễn ra trong thế kỷ XX đã cho thấy: với lực lượng quần chúng là chủ yếu, bằng đường lối đúng đắn của Đảng và ý chí sắt đá của toàn dân tộc, nhân dân ta đã đánh bại các đội quân xâm lược nhà nghề mạnh nhất thời đại, lật đổ ách thống trị, giành lại độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân.

Trong công cuộc đổi mới, nhân dân vẫn là lực lượng to lớn và quyết định để công cuộc đổi mới thành công. Nhân dân chỉ trở thành lực lượng hùng mạnh khi có tổ chức, có đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

 

Đúng như các nhà lý luận kinh điển đã nói quần chúng khi chưa có tổ chức chỉ tồn tại bên nhau “như những củ khoai tây” thì không thể có sức mạnh dù đông đến mấy. Vì vậy, tổ chức nhân dân lại trong các đoàn thể tùy theo giới tính, nghề nghiệp, sở thích, lứa tuổi để tập hợp toàn dân vào một mặt trận dân tộc thống nhất chính là tạo ra mối quan hệ gắn bó với nhau giữa những người có cùng lợi ích, cùng mục đích, cùng hướng tới một điểm tương đồng, một mẫu số chung lớn nhất là độc lập cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho nhân dân thì mối quan hệ giữa các cá thể mới có một mục đích chung, gắn bó tác động, thúc đẩy lẫn nhau như cơ chế của một guồng máy, cùng hướng tới một mục tiêu chung, như vậy mới có thể tạo ra sức mạnh. Đúng như lời của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Người không có tổ chức thì cũng như chiếc đũa lẻ loi, ai bẻ cũng gãy, người có đoàn thể cũng như nhiều chiếc đũa cột thành một bó, không ai bẻ gãy được”.

 

Chúng ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong nhiều tấm gương và tư tưởng lớn của Người, có lẽ lúc nào, ở đâu cũng phải đặt ra yêu cầu thường xuyên quán triệt tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc và xây dựng MTTQ Việt Nam. Vấn đề xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết đã được Người đúc kết:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công”.

 

Tư tưởng đó còn được Người nói rõ hơn: “Đoàn kết toàn dân, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp xã hội; đoàn kết các dân tộc thiểu số, đoàn kết giữa dân tộc đa số với dân tộc thiểu số, đoàn kết Bắc - Nam; đoàn kết các tôn giáo; đoàn kết với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài; đoàn kết với các đảng phái; các nhân sĩ yêu nước; đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong chính quyền, mặt trận và các đoàn thể; đoàn kết trong lực lượng vũ trang; đoàn kết khoan dung với người lầm đường lạc lối”.

 

Với đặc điểm và truyền thống của nhân dân Yên Bái và đồng bào cả nước nói chung, đoàn kết toàn dân để thực hiện cho kỳ được mục tiêu của cách mạng là một vấn đề mang tính quy luật để thêm bạn, bớt thù, tăng thêm lực lượng cách mạng luôn được đặt ra bởi ta luôn phải lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều.

 

Để đoàn kết toàn dân phải xây dựng và thực hiện các chính sách, điều chỉnh các mối quan hệ như thế nào để các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, nhóm xã hội và những cá nhân có lợi ích khác nhau sẵn sàng gác lại mọi vấn đề để cùng phấn đấu cho lợi ích tối cao của Tổ quốc và dân tộc. Trong hàng ngũ những người tham gia vào sự nghiệp cách mạng vì lợi ích tối cao của Tổ quốc và dân tộc, thì đoàn kết không phải là thủ đoạn chính trị nhất thời mà phải đoàn kết chân thành, thật lòng, đoàn kết lâu dài, thủy chung, có trước có sau mới giữ được chữ “tín” để mọi người dân yêu nước, nhất là những người thuộc tầng lớp trên và trung gian có niềm tin vững chắc, yên tâm theo Đảng đến cùng trong sự nghiệp cách mạng.

 

Không phải chỉ có giai cấp vô sản hay bần nông, cố nông mà cả các nhà hữu sản, những người trong bộ máy chính quyền và binh lính của chế độ cũ cũng rất giàu lòng yêu nước mà cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 chủ yếu do binh lính tiến hành dưới sự lãnh đạo của nhà nước  Nguyễn Thái Học là một điển hình.

 

Trong cách mạng tháng 8/1945 rất nhiều hào lý yêu nước như ông Trần Đình Khánh - chánh tổng Lương Ca, ông Đặng Bá Lâu – chánh hương hội Nang Sa, ông Chánh Lê, Chánh tổng Việt Long, ông Lý Huệ ở Minh Quân (Trấn Yên), ông Bút Tân ở Yên Bình, ông Chánh Khít ở Lục Yên... đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ và tham gia cách mạng. Những tấm gương yêu nước của các đơn vị hào lý ở bất cứ dân tộc nào cũng có.

 

Trong Cách mạng tháng 8-1945, ở tổng Lương Sơn (Lục Yên), Đội Minh đã xin từ chức và tự nguyện giao chính quyền cho cách mạng, tại Tổng Lâm Trường hạ (Lục Yên) cựu chánh tổng Hoàng Văn Quế ép con trai từ chức lý trưởng, thân chinh dẫn đường đưa cán bộ Việt Minh đến yêu cầu chánh tổng Hoàng Văn Viên đầu hàng.

 

Các nhà trí thức như ông Phạm Gia Đệ - Đốc tờ Nhà thương Yên Bái và y tá Đoàn Hợp đã tích cực ủng hộ giúp đỡ cách mạng. Nhiều người thuộc tầng lớp trên như ông Nguyễn Trung ở thị xã Yên Bái gia đình là địa chỉ kháng chiến yêu nước, cả gia đình đều hoạt động cách mạng; vùng Sơn A, Bản Hẻo (Nghĩa Lộ) có già Dương và linh mục Nguyễn Văn Sáng tích cực ủng hộ kháng chiến, nuôi 2 chiến sĩ quân báo của ta trong nhà thờ; ông Chí Phúc là giáo viên ở Nga Quán (Trấn Yên) nuôi rất nhiều bộ đội, cán bộ cốt cán của Đảng là những tấm gương tiên biểu của những người hữu sản yêu nước.

 

Đối với đồng bào dân tộc ít người dù ở vùng cao xa xôi hẻo lánh trong điều kiện bị bưng bít thông tin, bà con vẫn một lòng hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tháng 4/1946 ông Trần Huy Liệu thay mặt Tổng bộ Việt Minh lên Bản Lìm (Tú Lệ - Văn Chấn) động viên đồng bào vùng cao đánh Pháp, tham gia kháng chiến. Tại đây, ông Trần Huy Liệu đã trao cho thống lý Giàng Lao Tả thanh gươm do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng, động viên đồng bào Mông đoàn kết đánh giặc giữ lấy bản làng.

 

Về sau tại đây đã ra đời đội du kích Khau Phạ nổi danh với nhiều chiến công làm cho kẻ địch bạt vía kinh hồn. Trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, hưởng ứng “Tuần lễ vàng” do Trung ương phát động với khẩu hiệu “Hãy đem vàng rửa hận cho Tổ quốc”, nhân dân Yên Bái đã quyên góp ủng hộ chính phủ gần 20 lạng vàng, 200 lạng bạc và 3 triệu đồng Đông Dương.

 

Xin được điểm lại một vài việc như vậy để thấy lòng yêu nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái nồng nàn, sâu sắc không kém bất cứ nơi nào và đó là niềm tự hào, niềm tin, là lực lượng to lớn của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương, sánh vai với bầu bạn mọi miền. Từ những việc trên đây trở lại với công tác mặt trận ở tỉnh Yên Bái, trong điều kiện hiện nay có nhiều việc đòi hỏi mặt trận tham gia, từ việc xây dựng chính quyền, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các hoạt động từ thiện nhân đạo, đối ngoại nhân dân...

 

Việc gì cũng cần đến mặt trận nhưng có lẽ làm gì thì làm, nhiệm vụ trên hết, trước hết của Mặt trận là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, các hoạt động khác chỉ là phương tiện để đạt mục đích đó. Cũng cần nâng cao nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về vị trí vai trò của mặt trận. Thực tế không phải không có vấn đề nhận thức. Tại một số diễn đàn có đồng chí bí thư huyện ủy không đả động gì đến mặt trận khi thay mặt cho cả một huyện (tức là chưa đại diện cho nhân dân). Có nơi gọi tóm tắt “các ban, ngành, đoàn thể” hàm ý trong đó có cả mặt trận, coi mặt trận như là một đoàn thể tức là chưa hiểu gì về mặt trận.

 

Hy vọng Đại hội XIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái sẽ tổng kết sâu sắc những vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác mặt trận, làm tốt công tác tuyên truyền để mọi cấp, mọi ngành và toàn dân hiểu đúng đắn hơn về công tác mặt trận; đồng thời đội ngũ cán bộ mặt trận cũng nhận thức đầy đủ vinh dự và trách nhiệm để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

 

Nguyễn Thanh Vân

(Nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh)

Các tin khác

Chiều 19.3, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp Ủy viên Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Đới Bỉnh Quốc đang thăm, làm việc tại nước ta.

Ngày 19.3, phiên họp thứ 18, dự kiến kéo dài 6 ngày của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) sẽ khai mạc tại Hà Nội. Ủy ban TVQH sẽ dành trọn ngày họp thứ 2 (20.3) để chất vấn các thành viên Chính phủ gồm: Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh.

Đồng chí Bùi Anh Túy - Tổng biên tập Báo Yên Bái trao giải cho tác giả đoạt giải cuộc thi viết “Làm theo lời Bác”.

YBĐT - Trong hai năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai và thực hiện cuộc vận động này nghiêm túc với những nội dung phong phú, các địa phương, các ngành, đoàn thể có nhiều chuyển biến trong việc làm theo lời Bác.

Các đại biểu nước ngoài trao đổi tại hội nghị.

Với những nỗ lực nội tại để cải thiện nền kinh tế, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Việt Nam sẽ giải quyết những khó khăn trước mắt, chỉ tăng trưởng thấp vào cuối năm 2009 và phục hồi đà tăng trưởng vào năm sau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục