Chuyện dân chủ ở Púng Luông
- Cập nhật: Thứ hai, 31/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo kế hoạch của Tỉnh ủy Yên Bái, chúng tôi lên giám sát việc triển khai xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ của Đảng bộ xã Púng Luông (Mù Cang Chải). Cơn mưa rào cho chúng tôi cơ hội đi bộ trên con đường đất đỏ từ Ngã ba Kim vào trung tâm xã. Những vạt ngô đang trổ cờ. Lúa trên những thửa ruộng bậc thang cũng đua nhau vươn dậy khoe màu xanh mỡ màng...
Bản mới định cư ở Púng Luông.
(Ảnh: Thu Trang)
|
Đặc biệt, ở vùng cao, vùng chậm phát triển, muốn thực hiện tốt dân chủ, cấp ủy phải quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của nhân dân.
Trụ sở UBND xã Púng Luông mới xây xong, nền lát gạch men màu xanh nhưng bị bùn đất bết lên một màu vàng nhượt. Chủ tịch UBND xã vội thanh minh: “Đồng bào không có thói quen để dép ngoài hè nên bẩn quá. Các anh chị thông cảm! Nhiều người còn đi chân đất nữa nên không biết làm thế nào...”. Tôi cười vui: “Không sao, hôm nay chúng tôi cũng đi chân đất đến với các anh đây thôi. Có cho bước vào nhà không?”. Những câu xã giao cứ tự nhiên đưa chúng tôi vào nhiệm vụ giám sát theo phong cách dân vận. Chúng tôi được biết, xã chỉ được bàn về địa điểm xây dựng, còn tất cả đều có trong bản vẽ thiết kế được lập từ tỉnh. Có người nói: “Nếu được bàn thì không nên lát nền bằng gạch trơn mà lát gạch nung, loại gạch ấy thấm nước lại phù hợp với vùng nông thôn hơn”. Khi hỏi về việc chỉ đạo triển khai thực hiện quy chế dân chủ theo tinh thần Chỉ thị 30 của Trung ương và Pháp lệnh 34 của Chủ tịch nước, mặc dù được báo trước hàng tháng nhưng cả Phó bí thư Đảng ủy lẫn Chủ tịch UBND xã đều tỏ ra lúng túng. Đảng ủy không có bản báo cáo, các hồ sơ liên quan không đầy đủ, vì vậy các thành viên của đoàn trực tiếp tìm hiểu.
- Khi có chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ tiền để làm nhà cho các hộ khó khăn, hộ thuộc diện chính sách, xã có cho dân bàn bạc và bình xét công khai không?
- Có chứ! Cũng họp Ban chấp hành Đảng ủy, phân công cán bộ phụ trách từng bản, mời đại diện các gia đình đến họp, phổ biến và chọn ba loại đối tượng, ai thuộc diện nghèo có nhà dột nát, sắp đổ mới được xem xét.
- Đúng rồi! Như thế là thực hiện dân chủ đấy. Xã mình bình xét được bao nhiêu nhà?
- Cả xã có 300 hộ nghèo. Các thôn, bản bình xét, đề nghị làm 75 nhà trong năm nay nhưng trên phân bổ cho 55 nhà thôi, bảo là tỉnh cắt chỉ tiêu của huyện nên huyện cắt chỉ tiêu của xã. Như thế có là dân chủ không?
Đồng chí Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, thành viên của đoàn phải “thanh minh” ngay, nói rằng con số chưa có sức thuyết phục nên phải cân đối lại. Các lãnh đạo xã vẫn hiền khô, không lời đối chất khi cán bộ tỉnh hướng dẫn, nếu được cấp kinh phí hỗ trợ thì nên chọn từ số 1 xuống số 55, những hộ khó khăn hơn ưu tiên làm trước, còn 20 hộ chuyển sang giai đoạn sau.
- Khi thực hiện Dự án Chia sẻ và các Chương trình 135, Chương trình 134, người dân có được tham gia xây dựng kế hoạch không?
- Có. Những năm trước không được bàn, trên cho làm đường, cho bể nước sạch, cho làm mương dẫn nước nhưng xảy ra tình trạng mương dốc ngược, không lấy nước vào ruộng được, hoặc bể nước xa cụm dân cư, không thuận tiện cho lắm. Bây giờ cho dân bàn với nhau nên làm cái gì trước, làm ở đâu thì thuận lợi cho dân, làm hết bao nhiêu tiền, mọi cái đều thông báo cho bà con. Như thế là rất dân chủ. Vừa qua, tỉnh có cơ chế hỗ trợ làm đường giao thông liên thôn bản, mỗi ki-lô-mét được 30 triệu đồng. Bà con phấn khởi lắm, thi nhau làm nhanh. Làm đường cho xe máy đi nên ai cũng tích cực.
- Nhân dân có ý kiến gì về định hướng xóa nhà dột nát bảo đảm tính bền vững?
- Cấp trên yêu cầu phải “3 cứng”, cột nhà bê tông cứng, nền xi măng cứng và mái lợp phiprô xi măng cứng. Được như thế là tốt nhưng vận chuyển được sắt thép, xi măng, cát, sỏi lên núi và thuê người làm sẽ hết nhiều tiền hơn.
Đồng bào Mông xã Púng Luông (Mù Cang Chải) nhận giống chè Shan về trồng.
Qua tìm hiểu trong cộng đồng dân cư, gần đây, một số việc được đưa ra thông báo cho dân nhưng do trình độ dân trí thấp nên mới thực hiện được “dân chủ một chiều”, người dân không đủ năng lực tham gia và giám sát nhiệm vụ của các cấp, các ngành. Ngược lại, do chưa hiểu rõ mục tiêu của chính sách an sinh xã hội nên khi bình xét hộ nghèo, phần đông phản đối việc công nhận hộ nghèo do nghiện ma túy và do lười lao động, gây một số khó khăn trong quá trình vận động các phong trào thi đua hoặc tạo sự suy bì, tị nạnh khi hỗ trợ cứu đói giáp hạt, hỗ trợ học sinh nghèo...
Song, điều đáng ghi nhận là, mặc dù không rành về lý luận, chỉ đạo không bài bản nhưng thực tế cho thấy, cơ sở đã thực hiện quy chế dân chủ. Tuy nhiên, còn nhiều việc dân chủ hình thức. Ví như chuyện bàn với dân làm dự án đường điện. Ở Púng Luông, chỉ một số gia đình có điều kiện mua máy điện nước mới có điện xem ti vi, cho nên bà con háo hức chờ đợi dự án. Bây giờ, cột điện đã chở về rải trên đường nhưng cán bộ thông báo chỉ kéo được trục chính, còn lại bà con phải tự mua dây, dựng cột kéo điện về bản. Vấn đề là dân đang khó khăn, các bản cách xa nhau, các gia đình cũng cách xa nhau, liệu điện có về được với người dân hay không? Dân cho rằng, có nơi, có lúc làm dân chủ mà không có tác dụng thực tế.
Càng đi vào cuộc sống thường ngày mới hiểu việc thực hiện dân chủ không phải dễ dàng. Dân chủ không chỉ dừng ở chuyện cái gì cũng phải công khai mà cốt lõi là phải phát huy được dân chủ ở cả hai phía. Lãnh đạo phải dân chủ, công khai và tạo cơ hội để mọi người được đóng góp trí tuệ trong việc bàn bạc, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt, ở vùng cao, vùng chậm phát triển, muốn thực hiện tốt dân chủ, cấp ủy phải quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của nhân dân. |
Đồng chí Thào Là Sử - Phó bí thư Đảng ủy xã nhắc lại chuyện dự án hỗ trợ bò cho người nghèo. Nếu để dân tìm mua ở Than Uyên (Lai Châu) hay Ngọc Chiến (Sơn La) thì chất lượng giống vừa tốt vừa rẻ nhưng Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn không đồng ý mà phải mua theo địa chỉ đã đặt ở dưới xuôi mang lên. Giá đắt do công cước vận chuyển cao, bò không chịu được khí hậu miền núi nên chưa được bao lâu, gần 100 con bò dự án ở xã đã mắc bệnh chết hết. Dù chuyện đã qua nhưng đó là một trong những bài học về thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Trước khi tạm biệt Púng Luông, chúng tôi xin mượn một số báo cáo của Đảng ủy. Đồng chí Thào Là Sử loay hoay tìm và hẹn gửi sau vì máy vi tính đánh văn bản của xã phải đặt tận Ngã ba Kim, cách hơn 2 km, ngoài ấy mới có điện lưới quốc gia. Trời đã tạnh mưa, đất đường se lại nhưng bao nhiêu khó khăn của Púng Luông vẫn đeo đẳng không biết khi nào mới tháo gỡ được. Đó là số hộ nghèo còn 54,7%; một số gia đình không có đất canh tác trong khi việc thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về đo đạc, quy hoạch và điều chỉnh đất đai vùng cao ở Mù Cang Chải chưa được triển khai đến xã.
Bên cạnh đó, địa phương còn 63 người nghiện; kết quả tuyên truyền hỗ trợ xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đối với các huyện khó khăn nhất nước gặp nhiều cản trở, xã mới có 1 người đi học nghề trong nước, 7 người ghi tên đăng ký nhưng chưa được làm thủ tục...
Một đàn trâu mộng no cỏ đủng đỉnh về bản làm tan đi những suy tư trĩu nặng trong tôi. Ít nhiều hình ảnh ấy cũng đủ thắp lên niềm tin vì Púng Luông là địa phương có nhiều thuận lợi so với nhiều xã trong huyện. Nếu các cấp quan tâm thực hiện tốt dân chủ, phát huy dân chủ trong mọi công việc ở cơ sở thì bao nhiêu khó khăn cũng dễ dàng vượt qua.
Nguyễn Thị Thanh
Các tin khác
YBĐT - UBND tỉnh Yên Bái công bố trên 1.500 bộ thủ tục hành chính/ Yên Bái tổ chức hội triển khai thực hiện đề án TCVN ISO:2008 giai đoạn 2008-2010/ Thành đoàn Yên Bái tổ chức Hội trại "Cháu ngoan Bác Hồ năm 2009"/ Liên hoan PT-TH tỉnh Yên Bái lần thứ 8 năm 2009/ Tỉnh Yên Bái chính thức hoàn thiện và khai trương cổng giao tiến điện tử/ Trại Hồng Ca Yên Bái xét đặc xá cho 69 phạm nhân theo QĐ của Chủ tịch nước nhân ngày 2/9/2009.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc Đài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng phát thanh toàn bộ khu vực lãnh hải Việt Nam là việc làm rất quan trọng, và đồng bào và chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển từ nay có thêm một người bạn thủy chung, tin cậy là Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ngày 29/8, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập thêm Vùng 2 hải quân nhằm bảo vệ thềm lục địa từ Bình Thuận đến Bạc Liêu, trụ sở được đặt tại Nhơn Trạch (Đồng Nai).
YBĐT - Ngày 28/8/2009, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức công bố trên 1.500 bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành và cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ. Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Thương Lượng dự lễ công bố.