Tuyên ngôn Độc lập

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/9/2009 | 12:00:00 AM

Cách đây 64 năm, đúng ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tính chất và chức năng của thể chế mới được nêu rõ trong tên nước và các tiêu chí đi liền với cái tên đó theo một logic chặt chẽ và nhất quán: Độc lập là điều kiện tiên quyết để xây dựng thể chế dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của người dân. Phải có dân chủ thì mới có điều kiện để quyền tự do của con người được thực hiện. Có dân chủ và tự do thì con người mới có hạnh phúc thật sự.
Như vậy là độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc là tiền đề của nhau, bổ sung cho nhau, không thể có cái này mà không có cái kia, mà nếu không như vậy thì chỉ là hình thức bề ngoài chứ không có nội dung thực chất. Cho nên, chỉ một tháng rưỡi sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ đã cảnh báo "nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì" (1). Đây là một nguyên lý mà những người cách mạng chân chính đều hiểu rõ. Chẳng thế mà Nelson Mandela, người anh hùng dân tộc Nam Phi đã nhắc nhở nhân dân mình: "Chúng ta chưa có tự do, chúng ta mới giành được quyền tự do để có tự do". Bao xương máu đổ ra để "giành được quyền tự do để có tự do", nhưng để có tự do thực sự còn phải là một quá trình chiến đấu cực kỳ cam go.

Bởi lẽ, phá bỏ tuy khó, song xây dựng thì khó hơn rất nhiều. Bằng sự trải nghiệm trong một thời đoạn lịch sử đầy kịch tính hơn nửa thế kỷ qua, thế hệ những người đang sống ngày càng thấm thía điều đó. Và vì vậy càng hiểu sâu hơn tầm nhìn Hồ Chí Minh và sự nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Có lẽ vào thời điểm của huy hoàng thắng lợi sau ngày 30.4.1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc đem lại nền độc lập, non sông quy vào một mối, không mấy ai nghĩ rằng rồi đất nước có thể rơi vào một giai đoạn khủng hoảng! Nhưng chính trong thế nước hiểm nghèo ấy, sức sống của dân tộc lại trỗi dậy để có sự nghiệp Đổi mới, đưa đất nước bước vào một bước ngoặt mới.

Và chính ở đây, một lần nữa, tầm nhìn của Hồ Chí Minh đã tỏa sáng khi Người nhìn thấu được những gì sẽ phải vượt qua với những bước ngoặt như vậy trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước. Người khẳng định: "đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi" và chỉ ra đó là "cuộc chiến đấu khổng lồ". Mà muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ ấy thì "cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân" (2).

Hãy nhìn trở lại hành trình lịch sử Bác Hồ tìm đường cứu nước, quanh một vòng trái đất để trở về xúc động hôn lên nắm đất Tổ quốc, rồi những lời "dặn lại công việc" với Võ Nguyên Giáp khi bị bệnh nặng sợ khó qua khỏi trong một lán nhỏ ở Tân Trào, Việt Bắc: "lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dải Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập" (3), cho đến khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cuối cùng là Di chúc kết thúc bằng "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Bôn ba khắp năm châu bốn biển với thân phận "người mất nước" thành "người yêu nước" và "người chiến sĩ cách mạng quốc tế", Nguyễn Ái Quốc đã trở thành Hồ Chí Minh. Con người ấy hiểu rất rõ những tinh hoa cũng như những khuyết tật mà phong trào cách mạng đã trải qua, Hồ Chí Minh biết thanh lọc và tiếp nhận những gì có lợi nhất cho mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng con người, đem lại hạnh phục thật sự cho nhân dân. Người hiểu rõ mục tiêu của từng chặng trên con đường dài, không lẫn lộn mục tiêu cụ thể và trực tiếp của từng chặng với cái đích ở phía chân trời. Nhờ đó, đã tránh bớt đi những ảo tưởng duy ý chí, dẫn đến hành động nôn nóng "đốt cháy giai đoạn", gây hậu quả ngược lại với mục tiêu. Hồ Chí Minh hiểu dân tộc mình, nhân dân mình đang cần điều gì nhất. Nói đến điều đó, thì tất cả mọi người Việt Nam, dù bất cứ ở đâu, đang làm gì cũng đều có thể hiểu được, đều có thể chấp nhận, đều có thể đồng thuận, đều có thể nhận ra đó là mong muốn của mình. Có hiểu như vậy mới thấm thía được "điều mong muốn cuối cùng" của Bác.

Thì ra điều mong muốn cuối cùng đó cũng là nội dung cơ bản nhất, tập trung nhất của Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, càng thấy nổi bật lên tính nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết và sau cùng là học cho được sự nhất quán ấy để thể hiện trong hành động thực tế. Mà hành động thực tế nhất đồng thời cũng là đòi hỏi bức xúc nhất hiện nay chính là động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân trong cuộc chiến đấu khổng lồ để chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi

1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập. NXB CTQG 1995, 1996 tập 4, tr.56; tập 12, tr.505
3. Võ Nguyên Giáp. "Những chặng đường lịch sử". NXB Văn học Hà Nội 1977, tr.203

(Theo TNO)

 

Các tin khác
Đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Bốn mươi năm đã qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sáng ngời tính thời sự, có sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn". Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định tại Lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm Quốc khánh 2/9 diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy trao giải thưởng cho các tác giả trong cuộc thi về chủ đề

YBĐT – Ngày 1/9, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/9/1969 - 2/9/2009) và 64 năm Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2009).

Các tập thể có thành tích trong cuộc vận động

YBĐT - Nằm trong chương trình tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 64 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, tối 31/8, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức gặp mặt tuyên dương trao đổi kinh nghiệm gương người tốt việc tốt “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tượng đài trên bến Âu Lâu.

YBĐT - Cách mạng tới làng Âu Lâu của tôi sớm hơn thị xã Yên Bái. Bởi làng tôi không bị cách trở sông nước, đến chiến khu Vần thuận lợi hơn, cùng đất hữu ngạn sông Hồng, đi tắt đường rừng chỉ hơn hai chục cây số. Làng tôi lại ở cửa ngõ trục đường đi Nghĩa Lộ (Yên Bái) nên thường chứng kiến những sự kiện quan trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh lúc bấy giờ. Gần chiến khu nên nhiều người làng tôi được cách mạng giác ngộ, nhiều người đi tham gia cách mạng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục