Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhiều đặc quyền, ít hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/11/2009 | 12:00:00 AM

Ngày 9-11, Quốc hội dành trọn ngày làm việc để giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty.

>> Còn 25% tập đoàn, tổng công ty lỗ hoặc lợi nhuận dưới 5%

Mặc dù đánh giá cao vai trò, vị trí của các tập đoàn, tổng công ty trong thời gian qua nhưng nhiều vị đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về một số vấn đề trong hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước này.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc

Ông Võ Hồng Phúc
(bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư):

Xác định tập đoàn đa ngành là đúng đắn

Chúng ta đã xác định là thành lập các TĐ kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành, đa nghề, đa sở hữu. Có như vậy thì các TĐ mới có điều kiện để phát triển, bổ sung trong lĩnh vực này, lĩnh vực khác... Tạo điều kiện cho các TĐ hoạt động đa ngành, đa nghề cũng là để có môi trường cạnh tranh, ví dụ nếu điện lực chỉ làm điện lực, chỉ có điện lực mới được làm điện lực thì chúng ta sẽ biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Hay bưu chính viễn thông chỉ cho VNPT làm thì sao có thị trường lành mạnh... Nên việc xác định các tập đoàn đa ngành, đa nghề, đa sở hữu là hoàn toàn đúng đắn, đang mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.

Đại biểu Phạm Thị Loan

Bà Phạm Thị Loan
(đại biểu Quốc hội TP Hà Nội):

Tích lũy thấp mà hoạt động đa ngành sẽ tự làm yếu

Tôi nghĩ cần xem lại chính sách hình thành các TĐ đa ngành nghề, đa sở hữu... Trên thế giới, các TĐ kinh tế phải trải qua hàng trăm năm tích lũy tài chính, kinh nghiệm, nhân lực mới đủ sức vươn ra đa ngành, còn chúng ta thì nền kinh tế non trẻ, sự tích lũy nói chung còn ở mức thấp, nếu đầu tư đa ngành nghề mà không hiệu quả thì vô hình trung tự làm yếu mình. Nhiều TĐ như Siemens, Microsoft, Boeing... đều có năng lực lớn, vốn lớn nhưng họ vẫn không đầu tư đa ngành nghề.

 

 

Đại biểu (ĐB) Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) nói: “Theo tôi biết, nhóm doanh nghiệp nhà nước hiện nay nắm giữ 60% nguồn vốn cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước, chưa tính đến 70% vốn vay nước ngoài, nhưng chỉ đóng góp 40% cho GDP mà đa số là từ đặc quyền khai thác nguồn tài nguyên”.

Phải “tính sổ” những đơn vị thua lỗ

Bên cạnh đó, ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) thông tin một số tổ chức đánh giá tài chính và tín dụng quốc tế cho rằng nợ xấu của Việt Nam đã lên tới 13%, và trong năm 2008 thì 31 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) có nợ vượt ngưỡng theo quy định. Điều đáng nói, theo ông Hải, có những doanh nghiệp nhà nước vừa nợ vừa phát hành trái phiếu vừa tham gia đầu tư bất động sản, chứng khoán, kể cả đầu tư vào ngân hàng. Ông Hải cho rằng tình hình này khiến các cơ quan khó có thể đánh giá chính xác các TĐ, TCT.

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) phân tích: dù xét tổng thể các TĐ, TCT hoạt động có lãi, nhưng trong năm 2007 nếu trừ đi yếu tố trượt giá thì hiệu quả chỉ đạt khoảng 3% lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, “còn năm 2008 nếu tiếp tục trừ đi yếu tố lạm phát và trượt giá thì coi như âm”.

Do các TĐ, TCT đầu tư lớn, là chủ đạo của nền kinh tế, ĐB Phạm Thị Loan nhận định: chính các TĐ, TCT đã khiến việc chuyển dịch cơ cấu đầu tư mất cân đối và lệch lạc. 1/3 tổng đầu tư xã hội chủ yếu được đem đầu tư vào các lĩnh vực mang tính ngắn hạn, có mục tiêu lợi nhuận trước mắt nhiều hơn là đầu tư vào các lĩnh vực dài hạn. Vì vậy “bất động sản, chứng khoán và các quỹ có vẻ được đầu tư nhiều hơn so với các lĩnh vực có lợi thế của đất nước như chế biến nông, lâm, thủy sản”.

"Các tập đoàn, tổng công ty có những ưu thế rất lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng bảo lợi nhuận đạt được ở mức gần 15% là cao thì tôi nghĩ rằng không cao. Phải nói là lãi đó cũng chỉ tương đương với lãi suất ngân hàng hoặc trượt giá hằng năm thôi, chỉ cần đem tiền đến gửi ngân hàng cũng đã có số tiền đó".

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đặt vấn đề sự hình thành và phát triển của các TĐ, TCT đã vượt quá những cơ sở pháp luật xây dựng trong thời gian qua, vượt quá chính khả năng điều hành của các doanh nghiệp này. Cho nên nhiều người đã ví những TĐ, TCT như người khổng lồ hoặc là cỗ máy khổng lồ mà khi chế tạo xong thì không thể kiểm soát được.

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng thời gian qua hội đồng quản trị các TĐ, TCT được phép quyết định đầu tư vào các ngành không phải nhiệm vụ chính nên dẫn đến việc TĐ đóng tàu thủy thì đi khai khoáng, đầu tư tài chính; TCT xây dựng thì thành lập công ty chứng khoán... Bà Tuyết kiến nghị Chính phủ chấn chỉnh ngay các hoạt động đầu tư tràn lan ở một số đơn vị, kiên quyết xử lý sớm, dứt điểm các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, làm rõ trách nhiệm tập thể, lãnh đạo các TĐ, TCT đang gặp khó khăn tài chính, không để vốn đầu tư của Nhà nước tiếp tục bị thất thoát. ĐB Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) dẫn chứng có lĩnh vực để thất thoát rất nhiều tài nguyên đất nước, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kỷ luật, nhưng khi người lãnh đạo TĐ hoạt động trong lĩnh vực này giải trình trên báo chí thì thấy nguyên nhân khách quan nhiều hơn chủ quan, và sau đó về hưu là xong. “Đây chính là sơ hở trong quản lý”- ông Thời nói.

Cần có luật quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết trong quá trình chuyển đổi, các doanh nghiệp nhà nước vừa sản xuất kinh doanh, lại vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội, việc tách bạch hai hoạt động đó là rất khó khăn.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc, các cơ quan chức năng đã và đang nghiên cứu các văn bản có liên quan nhằm quản lý tốt hơn các TĐ, TCT trong thời gian tới, trong đó có việc bổ sung, hoàn thiện Luật doanh nghiệp.

ĐB Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) cho rằng việc tái cấu trúc nền kinh tế cần theo hướng mở rộng hơn cho khu vực kinh tế tư nhân vì dù vốn ít, đóng góp của khu vực này vẫn liên tục tăng trong các năm qua. Bà Phạm Thị Loan chia sẻ quan điểm: “Có ý kiến nói các TĐ, TCT nhà nước phải là quả đấm thép của nền kinh tế, tuy nhiên cần có sự bình đẳng vì doanh nghiệp tư nhân cũng có thể trở thành quả đấm thép”.

ĐB Mã Điền Cư đề nghị Chính phủ cân nhắc thành lập một cơ quan ngang cấp bộ chuyên trách quản lý các TĐ, TCT để đảm bảo giám sát và công khai hóa các thông tin về hoạt động của các đơn vị kinh tế đang nắm rất nhiều vốn nhà nước này. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tạo khung pháp lý đầy đủ, lâu dài cần trình Quốc hội một đạo luật về quản lý vốn đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nói: “Hiện nay nhân dân giao Chính phủ nắm một số vốn chủ sở hữu hơn 30 tỉ USD, chưa kể 365.000ha mặt bằng đất đai đang kinh doanh. Như vậy với số vốn này chúng ta tính phải có một đạo luật”.

(Theo TTO)

Các tin khác

Các tập đoàn, tổng công ty đua nhau đầu tư ra ngoài ngành nhưng hiệu quả hoạt động không cao, nợ đọng nhiều. Sáng nay (9/11), đại biểu Quốc hội sẽ mổ xẻ tình hình tài chính, các khoản lỗ tại các doanh nghiệp chủ lực này.

Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 17, tổ chức tại Singapore từ ngày 14 đến 15/11.

Trong phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án, ông Hoàng Thương Lượng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã phát biểu ý kiến với Quốc hội. YBĐT xin giới thiệu toàn văn ý kiến tham gia thảo luận.

YBĐT - Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả công tác lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 10 tháng đầu năm 2009 của Tỉnh ủy/ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 16 năm công tác xuất bản và phát hành bản tin nội bộ/ UBND tỉnh có Công văn chỉ đạo về việc "Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết"/ Đảng bộ Yên Bái hoàn thành việc chia tách các chi bộ thôn, bản đảm bảo 100% các thôn, bản có chi bộ... và một số thông tin quan trọng khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục