Đề nghị lập Ủy ban quốc gia về an toàn thực phẩm
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/11/2009 | 12:00:00 AM
Ngày 26/11, QH đã thảo luận tại hội trường về Dự luật An toàn thực phẩm (ATTP). Các ý kiến phát biểu đều chung nhận định, quy định của dự luật chưa thể hiện rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong quản lý ATTP.
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) phát biểu tại hội trường.
|
Chế tài xử lý vi phạm ATTP phải mạnh hơn
Theo dự luật, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về ATTP và chịu trách nhiệm về an toàn của sản phẩm thực phẩm đối với sức khỏe nhân dân. Nhưng ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho biết, trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận là có khó khăn trong việc phối hợp giữa các bộ, vì thế nếu quy định như dự luật sẽ không khắc phục được những bất cập hiện nay trong quản lý ATTP. ĐB Kim Anh đề nghị, nên thành lập một cơ quan trực thuộc Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về lĩnh vực này.
Phó chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) hiến kế: “Có hai cách, một là giao cho Bộ Khoa học công nghệ, bộ này có Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, họ nắm toàn bộ về tiêu chuẩn, hoặc thành lập Ủy ban Quốc gia về thực phẩm và thuốc”. ĐB Trần Văn Bản (Bình Định) hưởng ứng: “Thành lập Ủy ban ATTP quốc gia hoặc bổ sung thêm quyền cho Cục Vệ sinh ATTP”.
Ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo ATTP còn có vai trò quan trọng của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Theo ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), ở góc độ là người sản xuất, kinh doanh, có vận động đến đâu mà không có chế tài xử lý thì cũng không có tác dụng. Tán đồng với quan điểm của ĐB Xuân, nhiều ĐB khác đề nghị luật cần phải có chế tài xử lý mạnh hơn. ĐB Võ Thị Dễ (An Giang) góp lời: “Luật chưa có những quy định về kiểm tra, xử phạt việc sử dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất”. Lo lắng về tình trạng sử dụng thuốc bảo quản trong hoa quả, ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) nói: “Cần phải có những quy định về sử dụng thuốc bảo quản trong hoa quả”. ĐB Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, xóa bỏ chợ cóc có thể gặp khó khăn nhưng muốn đảm bảo ATTP thì tốt nhất là phải giải quyết vấn đề này.
Phải cấm nhập khẩu lòng lợn và chân gà
Liên quan tới quản lý thực phẩm tươi sống nhập khẩu, ĐB Nguyễn Đình Xuân cho biết, các quy định của ta quá dễ dãi. "Dễ đến mức đùi gà đi qua nửa vòng trái đất, về Việt Nam lưu kho cả tháng trời nhưng bỏ ra vẫn bán được”, ĐB Xuân nói. Việc dễ dãi này khiến cho sản phẩm đến tay người dùng không những không đảm bảo vệ sinh mà còn làm giảm sức cạnh tranh của sản xuất trong nước. ĐB Xuân kiến nghị: “Cấm các sản phẩm mà nước ngoài không dùng được nhập về Việt Nam như chân gà, lòng lợn. Và có hàng rào kỹ thuật, nâng thuế lên thật cao để các nhà nhập khẩu nản lòng”.
Ngoài các quy định về thực phẩm tươi sống, thức ăn đường phố, ĐB Trần Văn Bản (Bình Định) đề nghị luật phải có những quy định cụ thể hơn đối với thực phẩm chức năng. Theo ĐB Bản, hiện nay thực phẩm chức năng được bày bán tại các hiệu thuốc nên nhiều người lầm tưởng đó là thuốc chữa bệnh. Khắc phục bất cập này, ĐB Bản nhấn mạnh: “Thực phẩm chức năng không được bày bán trong các hiệu thuốc”.
Cũng trong ngày 26/11, QH thảo luận về Dự luật Thi hành án hình sự. Ngoài hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn, dự luật đề xuất thêm hình thức tử hình bằng cách tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận hôm qua, vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Phó chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đồng tình với việc thay đổi hình thức thi hành án tử hình nhưng không đồng tình với đề xuất là áp dụng cả hai hình thức thi hành án bằng xử bắn và tiêm thuốc độc. “Nếu áp dụng cả hai hình thức thì sẽ không khắc phục được những bất cập của việc xử bắn. Nếu tồn tại song song hai hình thức sẽ gây bất bình đẳng cho các bị cáo”, ĐB Nga bày tỏ. Trong khi đó ĐB Võ Văn Đủ (Đắk Nông) lại tán đồng với quy định áp dụng hai hình thức thi hành án tử hình của dự luật, vì: “hình thức xử bắn, chúng ta đã tiến hành lâu rồi nên có kinh nghiệm, còn tiêm thuốc độc là hình thức mới nên cũng cần phải nghiên cứu thêm và thực tế hình thức này cũng tác động tới tâm lý của người thực hiện tiêm thuốc độc”, ĐB Đủ giải thích. Theo Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Trần Bá Thiều thì ủng hộ việc áp dụng cả hai hình thức thi hành án tử hình như dự luật đề nghị. |
Các tin khác
YBĐT - Ngày 25/ 11, Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ đối với cơ sở. Đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái dự và chỉ đạo hội nghị.
YBĐT - Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển chi bộ thôn, bản giai đoạn 2006-2009”, đến nay Yên Bái đã có 100% thôn, bản đã có chi bộ riêng, đồng thời kết nạp 1.191 đảng viên mới (trong đó tỷ lệ nữ chiếm 20%, người dân tộc thiểu số chiếm gần 75%) các đảng viên mới được kết nạp đều đủ tiêu chuẩn, điều kiện đúng quy định điều lệ Đảng.
Sáng nay (25/11), Quốc hội họp tại Hội trường, thông qua 3 dự án Luật gồm: Dự án Luật Thuế tài nguyên và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Thuế thu nhập doanh nghiệp.
YBĐT - Kết luận Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Xuân Lộc yêu cầu tất cả các cấp uỷ, tổ chức Đảng triển khai nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 37-CT/TU của Bộ Chính trị về đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; Kế hoạch số 108-KH/TU của Tỉnh uỷ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về đại hội Đảng các cấp.