Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm ba nước châu Âu

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/12/2009 | 12:00:00 AM

Chuyến thăm Italy, Tây Ban Nha và Slovakia này nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với ba nước, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

 

Nhận lời mời của Tổng thống Italy Giorgio Napolitano, Nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos và Tổng thống Slovakia Ivan Gasparovic, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước Cộng hoà Italy từ ngày 9 đến 12/12/2009, Vương quốc Tây Ban Nha từ ngày 13 đến 16/12/2009 và Cộng hoà Slovakia từ ngày 17 đến 18/12/2009.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ có cuộc gặp với Giáo hoàng Benedict XVI (11/12/2009).

Chuyến thăm cấp Nhà nước ba nước châu Âu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng về mọi mặt: chính trị- xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức khá cao (trung bình 7 đến 8%/năm), vị thế quốc tế ngày càng được tăng cường, hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế và khu vực.

Từ năm 2008 đến nay, trong bối cảnh chung của khủng hoảng tài chính- kinh tế thế giới, Việt Nam đã và đang triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, bước đầu đạt kết quả khả quan.

Chuyến thăm ba nước: Italy, Tây Ban Nha và Slovakia của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với ba nước, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

 **  Quan hệ Việt Nam với Italy, Tây Ban Nha và Slovakia phát triển tích cực

Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23/3/1973. Quan hệ chính trị giữa hai nước từ đầu năm 90 được phát triển và củng cố. Quan hệ Việt Nam- Italy có bước phát triển tích cực.

Italy khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là “nước đầu cầu” để xâm nhập vào khu vực Viễn Đông; tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Italy chưa xứng với tiềm năng kinh tế hai nước, từ 320 triệu USD năm 1996 lên 1,7 tỷ USD năm 2008, 7 tháng của năm 2009 đạt khoảng 860 triệu USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Italy tăng hơn 7,7% so với năm trước. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào thị trường Italy là giày dép, cà phê, hàng dệt may và thuỷ sản. Việt Nam nhập từ Italy chủ yếu là máy móc thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải và nguyên liệu da.

Italy đứng thứ 33 trong số các quốc gia trên thế giới mức đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với 31 dự án (trong số các nước EU, Italy đứng thứ 9).

Về viện trợ phát triển: Hợp tác phát triển Italy bắt đầu tại Việt Nam vào những năm 80 dưới các hình thức: cho vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại song phương hoặc thông qua các tổ chức quốc tế như: UNIDO, IFAD, viện trợ khẩn cấp. Các lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa Italy và Việt Nam gồm: Cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, phát triển nguồn nhân lực, y tế.

Tại Nghị định thư 1990- 1992, Italy cam kết tài trợ cho Việt Nam 160 tỷ Lia (139 triệu USD) gồm 120 tỷ vay ưu đãi và 40 tỷ không hoàn lại. Ngoài ra, Italy còn có hình thức viện trợ thông qua uỷ thác hoặc theo hình thức đồng tài trợ như: tài trợ 839.424 Euro uỷ thác hoặc theo hình thức đồng tài trợ. Mới đây, Chính phủ hai nước đã ký 3 biên bản ghi nhớ (MoU) về việc thực hiện 3 dự án tín dụng ưu đãi với tổng giá trị hơn 30 triệu Euro: lĩnh vực nước tỉnh Bình Thuận, vệ sinh môi trường Cà Mau và vệ sinh môi trường Núi Thành, Quảng Nam.

Italy xếp Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên hợp tác kinh tế và là điểm đến về thương mại, đầu tư chiến lược cho các doanh nghiệp Italy từ nay đến 2020. Quan hệ hợp tác văn hoá giữa Việt Nam và Italy cũng đang phát triển sôi động và phong phú.

** Quan hệ hợp tác Việt Nam- Tây Ban Nha đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Vua và Hoàng hậu Tây Ban Nha đã thăm Việt Nam tháng 2/2006. Trao đổi thương mại giữa hai nước tăng trung bình từ 25 đến 30% trong 5 tháng qua, đạt gần 1,2 tỷ USD năm 2008. Tây Ban Nha xếp Việt Nam vào danh sách nước ưu tiên nhận viện trợ giai đoạn 2008-2010.

Đầu tư của Tây Ban Nha ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn nhưng triển vọng trong thời gian tới là khả quan vì doanh nghiệp Tây Ban Nha đang rất quan tâm đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, xây dựng. Quan hệ giáo dục giữa Việt Nam và Tây Ban Nha thời gian qua được đẩy mạnh, nhiều sự kiện văn hoá được tổ chức tại cả hai nước.

** Quan hệ Việt Nam- Slovakia tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Tổng thổng Gasparovich thăm Việt Nam tháng 10/2006. Quan hệ kinh tế giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hai bên. Kim ngạch thương mại hai chiều còn thấp. Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Công đồng Việt Nam tại Slovakia khoảng hơn 5.000 người, phần lớn làm ăn sinh sống ổn định, tôn trọng pháp luật và hội nhập tốt, được phía Slovakia đánh giá cao. Từ năm 2007 đến nay, có khoảng 1.000 lao động Việt Nam sang làm ăn tại Slovakia.

** Trong gần 20 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đã có nhiều tiến triển. Ngoài các chuyến thăm làm việc giải quyết vấn đề mục vụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam, trong những năm qua, hai bên đã tăng cường tiếp xúc và trao đổi các đoàn các cấp. Vào tháng 2/2009 vừa qua, hai bên đã tổ chức cuộc họp lần I Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican tại Hà Nội.

(Theo VOV)

Các tin khác
Việc nuôi cá tầm trên hồ Thác bà đã thu được kết quả.

YBĐT - Đó là đánh giá của đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái khi kiểm tra tình hình thực hiện NQ 26-NQ/TW về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại huyện Yên Bình, ngày 8/12/2009.

YBĐT - Tối ngày 7/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái, Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức chương trình giao lưu nhằm tôn vinh, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" khu vực Tây Bắc.

Chiều 7.12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Lớp đào tạo cán bộ chủ chốt xã, thị trấn của huyện Văn Chấn niên khóa 2009 - 2011.

YBĐT - Dân số Văn Chấn (Yên Bái) hiện có trên 15 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 65%. Những năm qua, thực hiện chính sách dân tộc, huyện đã quan tâm chăm lo, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số và sắp xếp, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, chuyên môn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục