Tổng tiến công Xuân 1975: Những điều đáng nhớ
- Cập nhật: Thứ hai, 19/4/2010 | 1:54:06 PM
Những sự kiện đáng nhớ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Chiếc xe tăng 843 oanh liệt đã húc đổ cánh cửa Dinh Độc lập ngày 30/4/1975.
|
* Ngày 17-3-1975: Ta Giải phóng thị xã Kon Tum, Pleiku và 53 buôn thuộc Phú Nhơn, Phú Thiện.
Sư đoàn 10 bộ binh của ta tiếp tục tiến công cụm quân địch còn lại ở Phước An, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch cùng nhiều phương tiện chiến tranh.
Hai Trung đoàn 24 và 28 tập trung lực lượng đột phá theo trục đường 21, tiêu diệt Trung đoàn 44 (thiếu) và 3 tiểu đoàn bảo an ở bản Ea Phê và Krông Bút. 500 tàn binh địch chạy đến Chư Cúc bị một bộ phận Trung đoàn 28 chốt chặt phía trước và đơn vị truy kích phía sau tiêu diệt. Địch dùng máy bay ném bom dữ dội phá huỷ một số cầu cống trên dọc đường số 21 hòng ngăn chặn quân ta cơ động lên truy kích tiêu diệt quân rút chạy của chúng.
Cũng trong ngày 17-3-1975, Sư đoàn 320 của ta đã bôn tập về hướng thị xã Cheo Reo thực hiện nhiệm vụ truy kích địch. Lực lượng pháo binh của ta trong ngày đã tập kích hỏa lực áp đảo vào thị xã làm cho địch hoang mang hốt hoảng. Chiều cùng ngày, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 từ phía Đông đường 14 đã đến đường 7, như một “mũi lao nhọn” cắt ngang đội hình địch, chặn đứng một khối lượng rất lớn sinh lực địch. Dọc đường số 7, khoảng 2.000 chiếc xe ngổn ngang xếp hàng ba, hàng bốn tháo chạy. Thị xã Cheo Reo hỗn loạn, đường sá tắc nghẽn.
Cùng với tiến công quân sự, chỉ trong ngày 17-3-1975, lực lượng vũ trang địa phương, các đội công tác đã chớp thời cơ phát động nhân dân nổi dậy giải phóng 53 buôn thuộc quận Phú Nhơn và Phú Thiện. Trung đoàn 19 cùng lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum đã giải phóng thị xã Kon Tum. Trung đoàn 957 và lực lượng vũ trang Gia Lai tiến công giải phóng thị xã Pleiku.
* Ngày 18-3-1975: Giải phóng thị xã Cheo reo; Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Sáng 18-3-1975, Sư đoàn 320 đã chặn được địch ở Đông Nam Cheo Reo. Một bộ phận lực lượng đã tiến công thị xã Cheo Reo. 11 giờ cùng ngày, ta tiến công cụm địch ở Cheo Reo. Pháo ta bắn dồn dập vào thị xã. Bộ binh địch tranh nhau tháo chạy. Xe tăng địch tranh nhau vượt cầu Ba Nu. Cầu bị sập, xe rơi xuống sông, các xe còn lại lội tràn qua sông chạy bừa.
Địch đã cho máy bay A37 đến ném bom hòng chặn lực lượng ta đang truy kích quân rút chạy, nhưng quá hoảng loạn, bom địch đã đánh vào đội hình của Liên đoàn 7 biệt động quân làm thiệt hại lớn về xe cộ, máy móc và binh lính. Tiếp đó, Liên đoàn 7 lại bị ta tiến công tiêu diệt hoàn toàn. Trước tình hình nguy ngập, Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy Phạm Văn Phú điện cho chuẩn tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy cuộc rút chạy: “Mở đường máu mà tháo thân. Mạnh đơn vị nào đơn vị ấy chạy, xe không đi nổi thì phá xe, tìm đường, bỏ đi qua mọi tình huống mà luồn cho thoát, lấy Củng Sơn làm tụ điểm”.
Đến 18 giờ ngày 18-3-1975, quân ta chiếm hoàn toàn thị xã Cheo Reo, đập tan về cơ bản cụm chủ yếu của tập đoàn rút chạy của địch.
Cùng ngày, Bộ Chính trị nhận định thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ-ngụy. Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975; nhiệm vụ trước mắt là tiêu diệt quân đoàn 1 của địch không cho chúng rút về Sài Gòn, giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Trung Bộ.
Theo phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, sáng ngày 18-3-1975, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Đắk Lắk và Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột đã làm lễ ra mắt. Hơn 200 đại biểu các tầng lớp nhân dân lao động, công nhân, trí thức, phụ nữ, thanh niên, học sinh, các sư sãi, linh mục, mục sư, ngoại kiều trong thị xã đã đến dự lễ cùng với đại biểu các lực lượng vũ trang giải phóng, các đoàn thể cách mạng trong toàn tỉnh Đắk Lắk.
* Ngày 26-3-1975: Giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên, thành lập Binh đoàn Tây Nguyên (B3).
Trên địa bàn Thừa Thiên-Huế, qua các đợt tiến công và nổi dậy, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch gồm: Sư đoàn 1 bộ binh, Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, 2 lữ đoàn biệt động, 1 lữ đoàn kỵ binh thiết giáp, 3 thiết đoàn, 8 tiểu đoàn pháo, 15 tiểu đoàn và 21 đại đội bảo an, 319 trung đội dân vệ, 7.000 cảnh sát, toàn bộ hệ thống ngụy quyền và hơn 3,6 vạn phòng vệ dân sự; thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch.
Ngày 26-3-1975, tỉnh Thừa Thiên hoàn toàn được giải phóng.
Nhằm tiếp tục xây dựng các binh đoàn chủ lực cơ động, tạo những “quả đấm quyết định,” ngày 26-3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng đã ký Quyết định số 54/QĐ-QĐ thành lập Binh đoàn Tây Nguyên, phiên hiệu công khai là B3, trực thuộc Bộ Quốc phòng, do đồng chí Vũ Lăng làm Tư lệnh, đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy.
Cùng ngày, tại Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 2, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh và Tham mưu trưởng họp bàn kế hoạch sử dụng Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 tiếp tục phát triển tiến công vào phía Nam theo kế hoạch và quyết định sử dụng Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 tiến vào Nam theo hướng đường số 14.
Trên hướng Tây Nguyên phát triển, ngày 26-3-1975, Sư đoàn 2, các Trung đoàn pháo binh 572, cao xạ 573, thiết giáp 574 chuyển đội hình ra Thăng Bình, Quế Sơn, sẵn sàng tiến về Đà Nẵng.
Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, Sư đoàn ôtô 571 nhận lệnh tập trung 1.000 xe cùng với lực lượng vận tải ôtô của Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần), cơ động Quân đoàn 1 từ Vĩnh Linh vào Đồng Xoài chuẩn bị tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
* Ngày 27-3-1975: Phát triển các mũi tiến công đánh địch ở Đà Nẵng, giải phóng Đệ Đức và Bồng Sơn trên hướng Tây Nguyên phát triển.
Ngày 27-3-1975, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân đoàn 2 và Quân khu 5: “Tình hình Đà Nẵng rất khẩn trương. Cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thẳng vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất.”
Thực hiện nhiệm vụ mở đường đánh vào Đà Nẵng, Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 ngày 27-3-1975 tiếp tục đánh vào tuyến phòng thủ lâm thời của địch ở khu vực đèo Phú Gia. Địch chống cự quyết liệt. Máy bay địch từ sân bay Đà Nẵng liên tục xuất kích. Pháo binh địch từ Lăng Cô, Hải Vân dồn dập bắn ra Phú Gia yểm trợ cho bộ binh “tử thủ Đà Nẵng.”
Với khí thế chiến đấu mạnh mẽ, quân ta nhanh chóng tràn qua đèo Phú Gia rồi thừa thắng giải phóng Sơn Hải. 20 giờ cùng ngày, Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 làm chủ khu vực Lăng Cô, mở cửa đột phá lên đèo Hải Vân để đánh vào Đà Nẵng từ hướng Bắc. ở hướng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đưa 2 đại đội lên đặt trận địa ở Sơn Khánh.
Trên hướng Tây Nguyên phát triển, ngày 27-3-1975, ta giải phóng Đệ Đức và Bồng Sơn. Trên đường 20, Sư đoàn 7 của ta đánh chiếm chi khu Đắc Oai rồi theo hướng 20 đánh chiếm đèo Ba Cô và cầu Đại Lao (Lâm Đồng).
Cùng ngày, tại Sở chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên ở Thuần Mẫn, Đại tướng Văn Tiến Dũng công bố Quyết định thành lập Binh đoàn Tây Nguyên.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã họp trong hai ngày 16-17/4 tại Hà Nội.
YBĐT - Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 19/ UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác PCLB-TKCN năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010/ Đồng chí Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái/ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày thành lập tỉnh Yên Bái... và một số thông tin khác.
Ngày 16/4 theo giờ địa phương, sau Lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Cung Tổng thống La Rosada ở thủ đô Buenos Aires, Argentina, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner.
Ngày 16-4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UB KTTƯ) đã thông báo kết quả Kỳ họp thứ 31 (từ ngày 31-3 đến 15-4), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên BCT, Chủ nhiệm UB KTTƯ.