Phải kiểm soát chặt các dự án khai thác khoáng sản, rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/5/2010 | 7:50:14 AM

Cắt điện vô tội vạ, lãng phí ngân sách vì lễ hội tràn lan, đặc biệt là tình trạng dễ dãi trong cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản để lại hậu quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... là những vấn đề được các đại biểu (ĐB) QH “xới” lên tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại nghị trường hôm qua 27.5.

ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) phát biểu về việc cắt điện luân phiên.
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) phát biểu về việc cắt điện luân phiên.

Báo động “đỏ” tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhận xét: Hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản đang bộc lộ nhiều bất cập, từ khâu cấp phép đến quản lý, khai thác và sử dụng. Nếu năm 2000 chỉ có 427 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản thì đến nay đã có tới hơn 1.500 doanh nghiệp (tăng hơn gấp 3 lần). Đó là chưa kể hàng nghìn băng nhóm khai thác tự do, không phép mà cơ quan quản lý gần như bất lực. "Hậu quả là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm như vàng, đá quý, titan, đồng, thiếc, than, sa khoáng... thất thoát, lãng phí, cạn kiệt, môi trường bị tàn phá, kéo theo những hệ lụy về mặt xã hội như tội phạm và tệ nạn xã hội hoành hành, băng hoại về đạo đức, mất an ninh, an toàn xã hội. Lãng phí, thất thoát thực sự đã báo động đỏ và đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về bài học quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước", ĐB Tiến bức xúc.

“Đã đến lúc cần đánh giá lại hiệu quả chất lượng thu hút đầu tư, bao nhiêu dự án hủy hoại môi trường do cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản trục lợi cho một số cá nhân. Tôi xin hỏi cơ quan chống tham nhũng của Chính phủ và cả cơ quan chống tham nhũng của địa phương: Có tham nhũng trong cấp phép đầu tư thời gian qua hay không? Lãng phí thì đã thấy rõ nhưng báo cáo chống tham nhũng không đề cập đến vấn đề này”, ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) “chất vấn”. Theo ông Việt, Chính phủ phải thống nhất kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư khai thác tài nguyên khoáng sản, dự án khai thác rừng, những dự án chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, kiên quyết cắt bỏ các dự án làm hủy hoại môi trường, những dự án chuyển đổi đất nông nghiệp màu mỡ, đe dọa an ninh lương thực quốc gia, nếu không “con cháu chúng ta sau này sẽ phải trả giá quá đắt cho tốc độ tăng trưởng của ngày hôm nay".

ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) nhớ lại các kỳ họp QH trước, ĐB QH cũng đã nhiều lần đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, chấn chỉnh việc khai thác khoáng sản, hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô nhưng theo bà Kim Anh: “Tình trạng nhiều địa phương cấp giấy phép khai thác khoáng sản tràn lan vẫn diễn ra ngày càng nhiều không quản lý được, không kiểm soát được, gây lãng phí tài nguyên, tàn phá môi trường và làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

“Tài nguyên khoáng sản bị khai thác một cách tràn lan và toàn bộ xuất khẩu đều ở dạng thô với giá rất rẻ, cứ đà này thì chẳng bao lâu nữa chúng ta phải nhập khẩu than và nhập khẩu dầu mỏ cũng như nhiều khoáng sản khác”, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) lo lắng.

Ngành điện chỉ biết “ngắt cầu dao”?

Tình trạng thiếu điện, việc cắt điện vô tội vạ của ngành điện lực làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân, và đặc biệt là gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là mối quan tâm của rất nhiều ĐB tại phiên thảo luận hôm qua.

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) "tố": Trong khi chúng ta đầu tư nhiều nghìn tỉ đồng cho một nhà máy nhiệt điện hoặc thủy điện, mỗi nhà máy cũng chỉ góp vào lưới điện quốc gia từ 2% - 3% tổng công suất điện, song lãng phí, thất thoát điện năng trên các đường dây, trạm điện đến các hộ tiêu thụ lên tới 18% - 20% tổng lượng điện cả nước.

Để giải quyết bài toán thiếu điện, ĐB Tiến cho rằng nên tạm dừng đầu tư một số công trình chưa thật thiết yếu như sân golf, đại lộ, trung tâm hành chính, thương mại... để tập trung xử lý nguồn điện. “Ngành điện cũng nên nghĩ đến giải pháp cơ bản lâu dài là phát triển các nguồn điện năng đi đôi với tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, chống độc quyền hơn là dùng biện pháp "ngắt cầu dao" như hiện nay”, ông Tiến nhấn mạnh.

Cùng bức xúc, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) cho biết khi tiếp xúc cử tri tại địa bàn của tỉnh Thừa Thiên - Huế, không có điểm tiếp xúc nào mà cử tri không đề cập đến vấn đề cắt điện, cắt điện luân phiên. Ông cho rằng cách giải thích của ngành điện về nguyên nhân thiếu điện do tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước kéo theo nhu cầu điện tăng thêm, hoặc do trời nắng nóng, các trạm thủy điện bị thiếu nguồn nước là "chưa thỏa đáng và chưa phải là nguyên nhân căn bản của vấn đề”. “Thực tế thì bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi sử dụng điện hiện nay đều phải ký hợp đồng với ngành điện nhưng quyền lợi và ràng buộc trách nhiệm thì lại không bình đẳng. Ngành điện cứ cắt điện và chưa chịu bất cứ một trách nhiệm nào về việc cắt điện, nhất là điện sinh hoạt, chúng ta chưa có một cơ chế gì và phải chăng đây cũng là một trong những lý do khiến cho việc mất điện còn kéo dài? Có phải vì chưa có áp lực nào lên ngành điện cho nên ngành điện có thể hành xử như vậy?", ĐB Mạo đặt vấn đề.

Trung bình mỗi ngày có 20 lễ hội

Theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương): Công luận than phiền và rất bức xúc xung quanh các lễ hội vừa qua. Lễ hội trước hết là văn hóa, tâm linh nhưng chúng ta đã để các lễ hội biến tướng ra sao? Đáng lẽ lễ hội là nơi giáo dục lòng yêu nước, hào khí Đông A nhưng lại cổ súy cho sự mua bán và thăng quan tiến chức... “Người ta đem tiến cúng cho quốc tổ Hùng Vương những gì? Năm trước là chiếc bánh chưng khổng lồ, năm nay là chai rượu to tướng, những sự háo danh đó còn tiếp tục những chiêu thức gì nữa, còn bao nhiêu trò nhố nhăng, dung tục khác đã phô bày ra trong lễ hội? Trách nhiệm thuộc về ai?”, ĐB Đáng nêu một loạt câu hỏi, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng “rút kinh nghiệm nghiêm túc để chấn chỉnh tình trạng này”.

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) thì cho rằng, đang có một dạng lãng phí vừa hữu hình vừa vô hình qua số lượng thống kê về lễ hội và các lễ khởi công, động thổ: mỗi năm cả nước có 7.966 lễ hội từ quy mô làng xã đến quy mô quốc gia. Trung bình mỗi ngày diễn ra hơn 20 lễ hội. Cả nước có hàng nghìn hội nghị, hội thảo, tọa đàm giao lưu gặp mặt, lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ kỷ niệm truyền thống, lễ đón nhận các loại danh hiệu...

(Theo TNO)

Các tin khác

YBĐT - Nhân ngày lễ Phật Đản và An cư kết Phật lịch 2554- Dương lịch 2010, ngày 27/5/2010, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà và chung vui với các tăng ni Phật tử chùa Ngọc Am - phường Hồng Hà và Đền Rối - xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái.

Đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm bày tỏ sự lo lắng về hệ số đầu tư tăng trưởng cao.

Hôm nay, 27-5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; và báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm. Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận các báo cáo này.

Đồng chí Hà Chí Họp - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu thăm và tặng quà cho gia đình anh Hờ A Thào - người tự nguyện hiến 500m2 đất sản xuất để xây dựng trường mầm non xã Bản Công.

YBĐT - Hiện nay, Đảng bộ huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 30 tổ chức cơ sở Đảng, 105 chi bộ trực thuộc với 1.225 đảng viên. Thực hiện Chỉ thị số 06 của Bộ Chính trị và kế hoạch hướng dẫn của Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", huyện đã thành lập ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, triển khai đầy đủ các bước.

Thuyền trưởng (đi đầu) và tám thuyền viên người nước ngoài vừa được đưa về Vũng Tàu ngày 8-5 để làm thủ tục về nước sau khi được hải quân VN cứu sống ở vùng biển Trường Sa

Trước lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến - tư lệnh quân chủng hải quân - khuyên bà con vẫn ra khơi đánh cá bình thường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục