Nông thôn Yên Bái: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI
- Cập nhật: Thứ hai, 7/6/2010 | 9:58:47 AM
YBĐT - Năm năm qua, tỉnh Yên Bái nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen.
Vùng quế Văn Yên đã đem lại thu nhập và cải thiện một bước đời sống của nông dân. (Trong ảnh: Khai thác quế ở xã Đại Sơn).
|
Phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, vượt qua mọi thiên tai, dịch bệnh và nhanh chóng khắc phục hậu quả, cùng với sự lãnh đạo của Đảng bộ và truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn Yên Bái.
Kinh tế nông thôn đã có bước chuyển biến tích cực. Nông nghiệp đã chuyển mạnh sang cơ cấu sản xuất hiệu quả hơn và đạt tốc độ tăng trưởng khá; quy mô sản xuất hàng hóa mở rộng; an ninh lương thực từng bước bảo đảm. Giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2006 - 2010 tăng 5,64%/năm; giữ vững, mở rộng và hình thành thêm một số vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như: vùng lúa Mường Lò, Văn Chấn, Đông Cuông, Báo Đáp...; vùng chè Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình; vùng quế Văn Yên; vùng cây ăn quả, bao gồm vùng nhãn (bắc Văn Yên, Văn Chấn, Nghĩa Lộ), cam (Lục Yên, Văn Chấn), bưởi (Yên Bình), sơn tra ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải... đã đem lại thu nhập và cải thiện một bước đời sống của nông dân.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường, nhất là thủy lợi, giao thông. Từ năm 2005 đến nay, năng lực tưới tiêu của hệ thống thủy lợi tăng lên đáng kể; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 471 công trình thủy lợi, bảo đảm tưới chắc cho 75% diện tích lúa nước. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới, bảo đảm các tuyến đều đạt tiêu chuẩn cấp V, VI; đường xã, liên xã đạt tiêu chuẩn cấp A, B; tỷ lệ cứng hóa mặt đường đạt 95%, tỷ lệ đường đi lại được 4 mùa đạt 90%.
Hệ thống viễn thông, mạng lưới điện phát triển mạnh. Đến hết năm 2010, Yên Bái đã hoàn thành 100% số xã có điện lưới quốc gia; bình quân 100 dân có 23 máy điện thoại; tất cả các xã có trường học, tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt 98,1%; 180/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về giáo dục tiểu học; 60% số xã, phường, thị trấn có bác sỹ, tăng 20% so với năm 2005, số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế chiếm 78,3%; trên 70% hộ dân cư ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 99% xã, phường có làng, bản văn hóa và 45% số làng đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng lên, đặc biệt là kinh tế - xã hội vùng cao. Cùng với những chính sách của Trung ương, 5 năm qua, tỉnh đã ban hành một số chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng cao; huy động và lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư; phát huy tinh thần tự lực vươn lên của cán bộ và nhân dân các địa phương.
Mặt khác thực hiện có hiệu quả bước đầu việc sắp xếp đất đai, hỗ trợ phát triển sản xuất, đưa sản lượng lương thực của hai huyện vùng cao tăng 8.000 tấn so với năm 2005; trồng mới 9.680 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh 5.000 ha rừng phòng hộ. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu được đẩy mạnh; quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, dân chủ cơ sở được phát huy. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã xóa 628 thôn, bản sinh hoạt chi bộ ghép; đến tháng 5/2009, 100% thôn, bản đã có chi bộ Đảng. Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Yên Bái đã tổ chức thành công tốt đẹp đại hội Đảng bộ cơ sở thí điểm bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tại 18 cơ sở; thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân tại 6 xã, thị trấn đạt kết quả tốt.
Song song quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách cấp xã nhằm nâng cao chất lượng, trình độ và kỹ năng làm việc của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc cùng với các đoàn thể quần chúng các cấp đã tích cực giải quyết nhiều vấn đề ở nông thôn.
Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ngày càng đi vào nề nếp, góp phần quan trọng tạo nên sự đồng thuận ở nông thôn. Nhận thức, kiến thức về sản xuất hàng hóa của nông dân từng bước hình thành và nâng lên, dần thích nghi với cơ chế thị trường và tiếp cận hội nhập kinh tế quốc tế. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, sáng tạo, được cả hệ thống chính trị và nhân dân quan tâm, hưởng ứng, tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn xã hội.
Tuy nhiên, nông thôn Yên Bái phát triển còn thiếu quy hoạch, tự phát và số xã được quy hoạch còn nhiều bất cập, chất lượng chưa cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu. Giao thông ở miền núi rất thiếu so với nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế. Hệ thống lưới điện hạ thế ở tình trạng chắp vá, chất lượng thấp, quản lý lưới điện ở nông thôn còn yếu. Hệ thống các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở nông thôn có tỷ lệ đạt chuẩn về cơ sở vật chất thấp; hệ thống trường bán trú dân nuôi tuy đã được thực hiện song còn ít. Hầu hết các thôn, bản không có khu thể thao theo quy định; các thiết chế văn hóa ở nông thôn còn thiếu và nơi có thì chất lượng kém, xuống cấp; số làng, bản đạt văn hóa chất lượng thấp, không bền vững, có nơi còn chạy theo thành tích.
Thực hiện Nghị quyết 30a và Quyết định 167 về xóa nhà tạm cho người nghèo đã phần nào giải quyết tình trạng nhà ở tạm bợ song quá trình triển khai cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đời sống cư dân nông thôn tuy được cải thiện nhưng còn ở mức thấp, chênh lệch giàu nghèo giữa người dân thành thị và nông thôn, giữa vùng cao, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn với vùng thấp ngày càng lớn. Chưa hình thành một hệ thống an sinh xã hội thống nhất và thông suốt ở các vùng nông thôn, đặc biệt là dân cư nông thôn tham gia các hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. Chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn còn chậm; các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn đổi mới chậm; kinh tế trang trại tuy đã được quan tâm song quy mô nhỏ bé, hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, mức hưởng thụ về văn hóa của người dân thấp; hệ thống chính trị ở cơ sở nhiều nơi yếu; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thấp; một số vùng vẫn còn những vấn đề bức xúc, tệ nạn xã hội có xu hướng tăng; an ninh, trật tự xã hội nông thôn vẫn tiềm ẩn bất ổn; địa bàn nông thôn, nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc là nơi mà kẻ xấu, các thế lực thù địch liên tục tấn công và lợi dụng để chống phá chính quyền, chống phá cách mạng.
Hà Hóa - Ngọc Luận
Các tin khác
YBĐT - Hơn 8.500 thí sinh Yên Bái bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT 2010 / Đại biểu Quốc hội của tỉnh Yên Bái tham gia các hoạt động xây dựng luật phát và thảo luận về Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 / Đại hội Đảng các cơ sở trong tỉnh tiếp tục diễn ra theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 37 của Bộ Chính trị.
Ngày 6/6, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ III về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA) tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 7-8/6.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Diễn đàn Kinh tế Đông Á lần thứ 19, diễn đàn cấp khu vực của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khai mạc sáng nay (6/6) tại TP Hồ Chí Minh.
Ngày 4-6, Chính phủ đã ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2010. Nghị quyết nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng tiếp tục có chuyển biến tích cực.