Phát huy truyền thống anh hùng và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng Trấn Yên trở thành huyện phát triển toàn diện
- Cập nhật: Thứ hai, 26/7/2010 | 8:54:54 AM
YBĐT - 5 năm qua, Đảng bộ huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc phát huy những thế mạnh, tiềm năng và nội lực, giành được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật và khá toàn diện.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên (người đứng giữa) với học sinh Trường THCS xã Y Can.
|
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Trấn Yên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 -2015 nhằm kiểm điểm, tổng kết những kết quả, kinh nghiệm trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy Yên Bái và rút ra những bài học về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đồng thời đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Nhân dịp này, phóng viên (PV) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên.
PV: Xin đồng chí cho biết, những thành tựu nổi bật của huyện Trấn Yên sau 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX?
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng: 5 năm qua, Đảng bộ huyện Trấn Yên đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc phát huy những thế mạnh, tiềm năng và nội lực, giành được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật và khá toàn diện. Nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, quan hệ sản xuất được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, bước đầu tạo ra sự kết hợp chặt chẽ giữa vùng sản xuất nguyên liệu tập trung với khu vực chế biến, tạo đà thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua đạt 12%, cao hơn 1,4% so với nghị quyết điều chỉnh giữa nhiệm kỳ.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - thương mại, trong đó nông - lâm nghiệp chiếm 41%, công nghiệp - xây dựng 35%, thương mại - dịch vụ 24%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 của huyện đạt 9,7 triệu đồng, tăng hơn 3,1 triệu đồng so với nghị quyết điều chỉnh giữa nhiệm kỳ và tăng hơn 5,5 triệu đồng so với năm 2005; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 25,27% năm 2005 xuống còn 4,51% năm 2010.
Sản xuất nông - lâm nghiệp đã góp phần ổn định đời sống nhân dân, cơ bản bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn. Bước đầu, huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, từng bước tạo ra những sản phẩm hàng hóa thế mạnh như: măng tre Bát Độ, chè chất lượng cao, lúa chất lượng cao, quế, gỗ rừng trồng, thủy sản. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp theo giá cố định đạt 282.749 triệu đồng, tăng 82.052 triệu đồng so với năm 2005. Tổng sản lượng lương thực hàng năm đều tăng và vượt kế hoạch đề ra.
Năng suất lúa bình quân đạt 50 tạ/ha, tăng 6 tạ/ha so với năm 2005; sản lượng thóc đạt trên 25.300 tấn, tăng hơn 2.000 tấn so với năm 2005; diện tích vụ ba tăng nhanh, nâng hệ số sử dụng đất đạt bình quân 2,5 lần/năm, trong đó diện tích ngô đông trên đất 2 vụ lúa bình quân đạt 500 ha, năng suất ngô đông tăng từ 26 tạ/ha lên hơn 36 tạ/ha, sản lượng ngô hạt đạt 3.890 tấn, tăng 647 tấn so với năm 2005. Một thế mạnh nữa là trong nuôi trồng thủy sản, huyện khai thác hiệu quả 351 ha ao hồ hiện có, tập trung phát triển cá lồng trên diện tích đầm hồ tự nhiên, chuyển đổi diện tích ruộng 1 vụ kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đến nay, Trấn Yên phát triển được gần 500 lồng cá và chuyển 43 ha ruộng 1 vụ sang nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng tổng sản lượng thủy sản lên 965 tấn, tăng hơn 400 tấn so với năm đầu nhiệm kỳ.
Có thể nói, kết quả thực hiện 8 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX thông qua gồm: “Mở lớp đào tạo Đại học nông, lâm nghiệp tại chức khóa học 2006 - 2010”, “Xây dựng thị trấn Cổ Phúc, xã Báo Đáp, Hưng Khánh trở thành các trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của huyện”, “Phát triển kinh tế rừng”, “Sản xuất lúa chất lượng cao”, “Phát triển sản xuất, kinh doanh chè”, “Phát triển trồng tre Bát Độ lấy măng”, “Phát triển chăn nuôi bò”, “Phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm” đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân các xã từ vùng thấp đến vùng cao.
Làm tốt công tác đầu tư phát triển, đến nay, 100% tuyến đường đến trung tâm xã đều được nâng cấp, rải nhựa; 304 phòng học, nhà ở cho giáo viên được kiên cố hóa và xây dựng mới. Cơ sở vật chất của 6 trường chuẩn quốc gia và trường dân tộc nội trú đều được đầu tư đồng bộ, xóa các phòng học tạm cho học sinh trong năm học 2009 - 2010.
Hệ thống bệnh viện đa khoa, các phòng khám đa khoa khu vực, 7 trạm y tế được đầu tư xây mới và 16 trạm y tế xã được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Bên cạnh đó, nâng cấp, tôn tạo Chiến khu Vần, đình làng Dọc; xây dựng mới nhiều trụ sở làm việc của ủy ban nhân dân các xã. Trong 5 năm, huyện đã xây dựng 106 nhà văn hóa, nâng tổng số nhà văn hóa toàn huyện lên 198 nhà; 100% số xã đã được phủ sóng truyền hình, trên 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn, 165/231 thôn, bản có cụm loa truyền thanh.
Đối với công tác xây dựng Đảng, tính trung bình hàng năm, huyện có trên 80% số tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh và trên 80% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệm kỳ 2005 - 2010, Đảng bộ kết nạp mới trên 900 đảng viên, nâng tổng số đảng viên sinh hoạt tại 54 tổ chức cơ sở Đảng toàn huyện lên 4.049 đảng viên; hoàn thành mục tiêu 100% thôn, bản có chi bộ Đảng.
- Đồng chí có thể cho biết một số bài học kinh nghiệm chủ yếu rút ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của nhiệm kỳ qua?
Có 3 bài học kinh nghiệm mà Đảng bộ huyện Trấn Yên đã rút ra như sau:
Một là: Phải làm tốt công tác xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng gắn với nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng của các đoàn thể; thường xuyên coi trọng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp.
Hai là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải hướng về cơ sở; tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đủ sức thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng; chủ động giải quyết tốt những vụ việc xảy ra ngay từ cơ sở; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; tổ chức sơ kết, tổng kết chuyên đề nhằm đánh giá đúng tình hình, kết quả công tác hàng năm; kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế, xã hội, chính trị của Đảng bộ.
Ba là: Quán triệt nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương; gắn phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Những giải pháp tích cực để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2010 - 2015 mà Đảng bộ huyện Trấn Yên đề ra là gì, thưa đồng chí?
Đảng bộ huyện Trấn Yên đã đề ra 6 giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất là tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; củng cố và nâng cao năng lực điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở để tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội trong giai đoạn 2010 - 2015.
Thứ hai là ngay sau Đại hội cần xây dựng các nghị quyết chuyên đề để triển khai thực hiện 6 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX thông qua; tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết chuyên đề nhằm tạo bước phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.
Thứ ba là triển khai công tác quy hoạch theo ngành, theo vùng và lĩnh vực như các trung tâm của huyện, cụm công nghiệp, các vùng nguyên liệu tập trung... nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, tài nguyên khoáng sản... bảo đảm chất lượng quy hoạch. Đồng thời cần tổ chức quản lý và thực hiện tốt theo quy hoạch để bảo đảm sản xuất bền vững, trong đó tập trung cho công tác quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch đô thị, quy hoạch các vùng chuyên canh, các cơ sở chế biến và sản xuất công nghiệp.
Thứ tư là huy động tối đa các nguồn vốn để tập trung đầu tư vào các chương trình trọng điểm gồm: vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn liên doanh liên kết, vốn huy động trong dân và các nguồn vốn có tính chất đầu tư khác. Đặc biệt, cần tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, liên doanh liên kết, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa cho đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chống thất thoát, lãng phí; phấn đấu tăng thu ngân sách, quy hoạch và khai thác các quỹ đất để bố trí dân cư và tăng thu tiền giao đất, thực hành tiết kiệm trong chi ngân sách để bổ sung vốn cho đầu tư phát triển; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng khâu đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận tại địa phương nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ chủ chốt có đủ trình độ, kinh nghiệm điều hành nền kinh tế - xã hội phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Thứ năm là tăng cường việc áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Coi khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng để bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững; có chính sách đào tạo và thu hút nhân tài, nhất là trong hoạch định và đề xuất các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Cuối cùng là giải pháp về cơ chế, chính sách. Cần tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn; nghiên cứu, xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách đối với các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của huyện, các nhiệm vụ có tính đặc thù, chính sách đối với cán bộ; cụ thể hóa các chính sách của Đảng, Nhà nước trên địa bàn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để ưu tiên, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế. Đồng thời tạo điều kiện về vốn tín dụng khuyến khích phát triển ngành nghề trong nông thôn, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất, khuyến khích sản xuất hàng hóa phát triển.
Từ những bài học kinh nghiệm quý báu cùng các giải pháp cơ bản đó, Đảng bộ sẽ động viên nhân dân các dân tộc huyện Trấn Yên tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, phát huy truyền thống của huyện anh hùng và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng Trấn Yên trở thành huyện phát triển toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Hương - (Thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVI khai mạch kỳ họp thứ 18/ Đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm và làm việc tại huyện Trạm Tấu/ Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia của các ủy viên Ủy ban vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ lần thứ 17... và một số thông tin khác.
Tại buổi hội đàm sáng 24/7 giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước Việt Nam-Nhật Bản, hai bên đã nhất trí thiết lập cơ chế “Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản” cấp thứ trưởng ngoại giao, nhằm trao đổi sâu rộng về các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng… trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Ngoại trưởng Hungary Janos Martonyi, trưởng đoàn EU tham dự các hội nghị ASEAN diễn ra tại Hà Nội ngày 23/7, khẳng định vai trò tích cực của Việt Nam trong tiến trình hội nhập của ASEAN.
YBĐT - Với không khí dân chủ với tinh thần đổi mới và trách nhiệm cao, ngày 23/7, kỳ họp thứ 18 - HĐND tỉnh khóa XVI đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với việc thông qua 4 nghị quyết quan trọng. >>>Nỗ lực khắc phục khó khăn, Yên Bái phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 11,08% / Khai mạc Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa XVI