Phân công công tác Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội
- Cập nhật: Thứ tư, 31/8/2011 | 8:13:55 AM
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ký ban hành Nghị quyết số 213/NQ-UBTVQH13 về việc phân công công tác Ủy viên UBTVQH nhiệm kỳ khóa XIII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (giữa) cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội (từ trái sang):Uông Chu Lưu, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Huỳnh Ngọc Sơn.
|
Theo đó, UBTVQH quyết nghị phân công công tác của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cụ thể như sau:
1. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, chỉ đạo chung việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, UBTVQH, đồng thời trực tiếp phụ trách một số công việc:
- Tổ chức và nhân sự: Trực tiếp chỉ đạo, chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện triển khai cuộc bầu cử; chuẩn bị nhân sự cấp cao của Quốc hội; chuẩn bị kế hoạch quy hoạch nguồn nhân sự cho các cơ quan của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội chuyên trách; chủ trì phiên họp Quốc hội, bầu và phê chuẩn nhân sự các cơ quan Nhà nước; quyết định việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quyết định thành lập, giải thể các cơ quan thuộc thẩm quyền quyết định của UBTVQH. Những vấn đề có liên quan đến công tác đại biểu Quốc hội, chủ trì chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Quốc hội.
- Chỉ đạo việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội; chủ tọa các phiên họp của Quốc hội và các phiên họp của UBTVQH;
- Ký chứng thực luật, nghị quyết của Quốc hội, ký pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH;
- Triệu tập và chủ tọa hội nghị với Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; dự các cuộc họp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội (khi cần thiết);
- Chỉ đạo, tổ chức mối quan hệ phối hợp giữa UBTVQH với Chủ tịch nước, Thường trực Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Chỉ đạo hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong quan hệ quốc tế song phương và đa phương.
- Giữ mối quan hệ công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
2. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng giúp Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo các công việc:
- Thay mặt Chủ tịch Quốc hội điều hành công việc khi Chủ tịch vắng mặt;
- Điều hành phiên họp Quốc hội, UBTVQH khi bàn về lĩnh vực và các dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực được phân công;
- Chỉ đạo xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng và giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và các lĩnh vực do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban về các vấn đề xã hội phụ trách;
- Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động đối ngoại (đoàn ra, đoàn vào) của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Ban của UBTVQH, Viện Nghiên cứu lập pháp; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các vị đại biểu Quốc hội công tác ở các cơ quan khác;
- Hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội;
- Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Chỉ đạo tổ chức mối quan hệ phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Chỉ đạo xây dựng dự kiến nội dung và chương trình kỳ họp Quốc hội và phiên họp UBTVQH. Chỉ đạo hoạt động cơ quan Văn phòng Quốc hội; bảo đảm kinh phí và các điều kiện vật chất, phương tiện hoạt động của Quốc hội;
- Giữ mối quan hệ công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Giữ mối liên hệ công tác với các Ban của Đảng, các tỉnh, thành ủy, Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội;
- Trực tiếp theo dõi công tác của Hội đồng dân tộc, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban về các vấn đề xã hội; Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Văn phòng Quốc hội; Ban Công tác đại biểu.
3. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giúp Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo các công việc:
- Điều hành các phiên họp Quốc hội, UBTVQH khi bàn về lĩnh vực và các dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực được phân công;
- Chỉ đạo xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng và giám sát thực hiện về lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách, tiền tệ, ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm, khoa học, công nghệ, môi trường;
- Chủ trì, phối hợp xem xét kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương; chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chính sách thuế; dự toán ngân sách của Quốc hội; chỉ đạo việc thực hiện cam kết hợp tác quốc tế về hoạt động Quốc hội;
- Chỉ đạo xem xét việc quyết định và giám sát việc thực hiện các công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;
- Trực tiếp theo dõi công tác của Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính, ngân sách; Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường; Kiểm toán Nhà nước.
4. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giúp Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo các công việc :
- Điều hành phiên họp Quốc hội, UBTVQH khi bàn về lĩnh vực và các dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực được phân công;
- Chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ và hàng năm của Quốc hội, UBTVQH; trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng pháp luật và giám sát thực hiện pháp luật về lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, tư pháp, tổ chức bộ máy Nhà nước;
- Chủ trì, phối hợp chung giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội, các Quy chế hoạt động của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội;
- Chủ trì, phối hợp xem xét việc bãi bỏ văn bản trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; chủ trì, phối hợp giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;
- Chỉ đạo về công tác thông tin báo chí nói chung, duyệt thông cáo báo chí;
- Trực tiếp theo dõi công tác của Ủy ban pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Viện nghiên cứu lập pháp.
5. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn giúp Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo các công việc:
- Điều hành phiên họp Quốc hội, UBTVQH khi bàn về lĩnh vực và các dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực được phân công;
- Chỉ đạo xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng và giám sát thực hiện pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh;
- Chỉ đạo xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện chương trình giám sát cả nhiệm kỳ và hàng năm của Quốc hội, UBTVQH. Theo dõi, tổng hợp, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của các cơ quan Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, hoạt động giám sát của UBTVQH;
- Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân;
- Chủ trì, phối hợp, xem xét việc có liên quan đến quyết định đại xá; quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình, ban bố về tình trạng khẩn cấp; tổng động viên hoặc động viên cục bộ;
- Chỉ đạo công tác dân nguyện của Quốc hội, việc xây dựng và thi hành pháp luật về dân chủ ở cơ sở;
- Trực tiếp theo dõi công tác của Ủy ban Quốc phòng và an ninh; đối ngoại quân sự - an ninh.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Chiều 30/8, Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Phạm Duy Cường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã có buổi làm việc tại huyện Yên Bình.
YBĐT - Ngày 30/8, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác 8 tháng đầu năm 2011 và bàn phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm. Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh chủ trì hội nghị.
YBĐT - Cụ thể hóa nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 thành các chương trình hành động đã được Đảng bộ xã Cẩm Ân (Yên Bình) thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ mới.
YBĐT - Nhiệm kỳ 2004 - 2011, HĐND huyện Trấn Yên ban hành 69 nghị quyết, trong đó có 17 nghị quyết chuyên đề. Các nghị quyết được ban hành bảo đảm đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế và phát huy tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.