Chi ngân sách sẽ ưu tiên đầu tư cho con người
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/10/2011 | 7:46:24 AM
Tiếp tục kỳ họp thứ hai, chiều 20/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia.
Quang cảnh lễ khai mạc.
|
Quốc hội cũng nghe các báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012; Chương trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015; Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015 và báo cáo của các Ủy ban thẩm tra nội dung trên.
Theo tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất có 13 chỉ tiêu. Diện tích đất nông nghiệp của cả nước đến năm 2020 là 26,7 triệu ha, tăng 506.000 ha so với năm 2010.
Để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, quy hoạch đất trồng lúa được xác định là 3,81 triệu ha, giảm 308.000 ha so với năm 2010, trong đó đất chuyên trồng lúa nước (hai vụ trở lên) là hơn 3,2 triệu ha.
Quy hoạch đất lâm nghiệp phải đạt trên 16,2 triệu ha để đảm bảo độ che phủ đạt 45%. Ngoài ra, đến năm 2020, diện tích đất rừng sản xuất cần phải giữ là 8,1 triệu ha, diện tích các loại đất nông nghiệp còn lại là 6,67 triệu ha. Các chỉ tiêu này sẽ được Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các cấp xét duyệt trong quy hoạch sử dụng đất của các địa phương.
Đối với đất phi nông nghiệp, đến năm 2020, cả nước có 4,88 triệu ha, tăng gần 1,2 triệu ha so với năm 2010. Diện tích đất phi nông nghiệp còn lại gần 2,4 triệu ha sẽ được Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các cấp xét duyệt trong quy hoạch sử dụng đất của các địa phương.
Năm 2010, cả nước còn hơn 3,1 triệu ha đất chưa đưa vào sử dụng, trong thời kỳ quy hoạch sẽ khai thác khoảng 1,7 triệu ha sử dụng vào các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp. Như vậy, đến năm 2020, quỹ đất chưa sử dụng của cả nước còn lại khoảng 1,48 triệu ha.
Nhất trí cơ bản với quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án cũng như việc đổi mới về nội dung Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất 2011-2015. Ủy ban Kinh tế cho rằng Quốc hội nên quyết định các chỉ tiêu lớn, quan trọng, mang tính định hướng.
Đây là các chỉ tiêu cần xác định để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an ninh lương thực quốc gia. Các chỉ tiêu cụ thể còn lại giao Chính phủ, chính quyền các cấp phê duyệt theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện.
Ủy ban này đề nghị Chính phủ lưu ý giảm diện tích đất trồng lúa thì phải đẩy mạnh thâm canh, nâng hệ số sử dụng đất lên cao hơn và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất giống, bảo quản, chế biến. Đồng thời, cần khoanh định rõ diện tích đất trồng lúa để bảo vệ nghiêm ngặt, quy định trách nhiệm rõ ràng, điều kiện chặt chẽ khi chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích khác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị xem xét, tính toán lại đối với diện tích đất dành cho khu công nghiệp do tỷ lệ lấp đầy đạt rất thấp, kế hoạch sử dụng đất đến 2015 tăng từ 72.000 ha lên 150.000 ha là quá nhanh.
Thẩm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng đánh giá của Chính phủ về kết quả thu ngân sách năm 2011 là khá tích cực, tương đối sát thực tế. Cơ cấu thu ngân sách đã có sự chuyển biến dựa vào sản xuất kinh doanh trong nước, song chưa nhiều. Thu nội địa (không kể dầu thô) chiếm 63% tổng thu ngân sách, nếu trừ tiền sử dụng đất thì thu nội địa chiếm 56,6% tổng thu ngân sách, có tăng so với các năm trước.
Ủy ban Tài chính, ngân sách nhận thấy mặc dù Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu công, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, nhưng tổng số chi ngân sách vẫn vượt dự toán 9,7%. Đây là mức tăng khá lớn. Mức tăng chi trên chưa thể hiện vai trò tích cực của chính sách tài khóa trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ủy ban Tài chính, ngân sách nhất trí với Chính phủ về việc phải cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước năm 2012 theo hướng ưu tiên đầu tư cho con người và thực hiện chính sách an sinh; tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh; nâng cao chất lượng và hiệu quả cho đầu tư phát triển; tiếp tục thực hiện giảm chi tiêu công ở mức hợp lý để góp phần kiềm chế lạm phát, phấn đấu đưa lạm phát về mức một con số.
Báo cáo về Chương trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày cho thấy việc đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã thực hiện đúng các mục tiêu được Quốc hội đề ra, đã bổ sung một lượng vốn lớn (giai đoạn 2003-2011 là trên 236,7 nghìn tỷ đồng) cho đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội quan trọng của đất nước, cũng như ở các vùng miền núi, biên giới và các vùng khó khăn khác. Để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, cân đối ngân sách và nợ công, Chính phủ trình Quốc hội dự kiến huy động trong 5 năm 2011-2015 là 225 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia, tổng kinh phí huy động thực hiện 12 Chương trình giai đoạn 2006-2010 là trên 65,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,08% tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn này. Các Chương trình này đã góp phần trực tiếp vào việc hoàn thành đạt và vượt mức kế hoạch 7/23 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010; đưa Việt Nam hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ…
Thẩm tra nội dung sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, Ủy ban Tài chính, ngân sách nhất trí chỉ bố trí vốn trái phiếu cho cả giai đoạn 2011-2015 tối đa là 225 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 45.000 tỷ đồng mỗi năm. Việc bố trí ở mức này là hợp lý vì hiện nay nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, các cân đối vĩ mô còn bất ổn, tình hình nợ công ngày một tăng cao, việc huy động, phát hành trái phiếu Chính phủ ngày càng khó khăn. Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; các dự án đã có khối lượng hoàn thành trên 70% tổng mức đầu tư tính đến ngày 30/9/2011 và khả năng đưa vào sử dụng trong năm 2011-2012; các dự án đã khởi công thuộc lĩnh vực thủy lợi miền núi, thủy lợi đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, an toàn hồ chứa, kè biên giới…
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006-2010, Ủy ban Tài chính, ngân sách nhận thấy các chương trình đã góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện sự ưu tiên phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia; huy động đóng góp của xã hội nhằm góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục; bảo vệ sức khỏe người dân; hỗ trợ tích cực cho các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội.
Ủy ban Tài chính, ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ về tổng mức kinh phí từ ngân sách trung ương cho 16 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 tối đa là 105,3 nghìn tỷ đồng trên tổng mức vốn đầu tư là 276,3 nghìn tỷ đồng, chưa kể chương trình 135 và 30a đã được bố trí năm 2011 là 4,1 nghìn tỷ đồng.
Ủy ban Tài chính, ngân sách cũng đề nghị Chính phủ làm rõ về khả năng huy động các nguồn lực tài chính khác, các căn cứ, cơ sở tính toán và các cam kết trong việc huy động nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình này.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT – Ngày 20/10, Ban Quản lý Dự án Năng lượng nông thôn II (REII) đã có buổi làm việc với đoàn giám sát của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) về đánh giá tiến độ triển khai Dự án năng lượng nông thôn II (REII) trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Xác định nhiệm vụ hàng đầu trong những năm tới là tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn và cố gắng kiểm soát nợ công không quá 65% vào năm 2015.
500 đại biểu sẽ thảo luận, thông qua 5 dự luật và cho ý kiến 13 dự luật, đồng thời thảo luận hàng chục báo cáo liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng, khiếu kiện, quốc phòng, an ninh...
Sáng 19-10, tại Trụ sở Trung ương Ðảng đã diễn ra lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương (HÐLLT.Ư) nhiệm kỳ 2011 - 2015.