Nhiều kế sách ổn định và phát triển kinh tế - xã hội
- Cập nhật: Thứ năm, 27/10/2011 | 3:13:11 PM
YBĐT - Ngày 27/10, thảo luận tại hội trường, theo các đại biểu, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt 6 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát mà Nghị quyết 11 đã đề ra.
Đại biểu Phùng Quốc Hiển cho ý kiến tại phiên họp tổ.
|
Thảo luận tại hội trường về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 trong ngày 27/10, hầu hết các ý kiến của đại biểu nêu đều khẳng định, trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước có nhiều bất ổn, lạm phát, nợ công tăng cao, thiên tai bão lũ xảy ra liên tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nhưng Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp tích cực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, các đại biểu QH cũng đã nêu nhiều ý kiến làm rõ thêm một số nguyên nhân yếu kém, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội năm tới cũng như giai đoạn tiếp theo đạt được kết quả khả quan.
Theo các đại biểu, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt 6 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát mà Nghị quyết 11 đã đề ra. Chính phủ đã có giải pháp nhưng cần rà soát, đánh giá rõ hiệu quả việc thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ trong việc cắt giảm đầu tư công, mức độ an toàn về nợ công…
Trong năm tới, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ mạnh hơn để phục hồi cho các doanh nghiệp, ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông huyết mạnh, vùng miền núi, Tây Nguyên. Đối với việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ngân hàng cần chia sẻ với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang khát vốn, linh hoạt hơn về thủ tục vay vốn, qui định mức trần lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vấn vay sản xuất kinh doanh.
Trong tái cấu trúc nền kinh tế đòi hỏi triển khai đồng bộ, có bộ máy nghiên cứu đề ra giải pháp thực hiện, trong đó, cần nghiên cứu đồng tiền bỏ vào đâu để hiệu quả. Đầu tư tái cấu trúc không chỉ đơn giản phần đầu tư nhà nước mà đồng tiền đầu tư nhà nước sẽ kích thích đầu tư của xã hội.
Về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng được nhiều đại biểu cho rằng, nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai là rất lớn, vùng nông thôn chậm phát triển… Bởi vậy, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu cơ cấu lại mùa vụ, ổn đinh an ninh lương thực, nâng cao chất lượng, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm tiềm năng nông thủy sản; không nên cắt giảm đầu tư các dự án giao thông nông thôn, xây dựng đê, kè chắn lũ, ngăn nước mặn, công trình thủy lợi, hỗ trợ ngành cơ khí sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp…
Xây dựng nông thôn mới đang được triển khai với ý nghĩa chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài. Nhưng, cùng với sự đầu tư của Nhà nước phải gắn với vận động sự đóng góp từ nhân dân. Việc xây dựng nông thôn mới đạt 19 tiêu chí đề ra nhiều nơi rất khó có thể đạt được. Do đó, bước đầu Chính phủ cũng nên xem xét lại giảm bớt tiêu chí trong điều kiện khó khăn như hiện nay.
Trong xây dựng vùng kinh tế cần có sự liên kết vùng tạo sự gắn kết giữa các địa phương. Từ đó, tạo điều kiện cho các tỉnh chia sẻ khó khăn, hỗ trợ trong qui hoạch phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu cạnh tranh không cần thiết, trách cục bộ địa phương. Cùng với xây dựng tiêu chí cho vùng đặc biệt khó khăn có cơ sở phấn đấu vươn lên với tiếp tục cân đối ngân sách triển khai Chương trình 135 cho các vùng này.
Vấn đề phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đào tạo đại học, chính sách đối với người có công còn gặp nhiều vướng mắc… được nhiều đại biểu băn khoăn chia sẻ và đề nghị Chính phủ quan tâm có giải pháp tháo gỡ có lộ trình cải cách tiền lương phù hợp.
Đặc biệt, tai nạn giao thông đã được đại biểu báo động ở mức khẩn cấp cần được Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan triển khai các biện pháp xử lý triệt để quyết liệt hơn. Một số đại biểu nêu báo cáo đánh giá của Chính phủ chưa đề cập nhiều đến việc dự báo tình hình, trong đó có vấn đề đạo đức xuống cấp, nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa của một bộ phận cán bộ, nhân dân; âm mưu phá hoại chế độ XHCN ở nước ta của các thế lực thù địch chưa được từ bỏ.
Những kế sách mà các đại biểu QH đưa ra được nhiều cử chi quan tâm, đồng thời giúp QH, Chính phủ nhìn nhận đánh giá đúng, sát thực trạng, những dự báo về tình hình kinh tế- xã hội giai đoạn tới. Qua đó, Chính phủ tập trung chỉ đạo đề ra những giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội năm 2012 và giai đoạn 2011- 2015.
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Tối 26/10, tại Hà Nội, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cùng lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi gặp mặt các học viên đang theo học các lớp cao cấp chính trị, cao học tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
Chương trình Hành động 2011-2016 sẽ là cơ sở pháp lý thuận lợi để hai nước thúc đẩy hợp tác trên từng lĩnh vực cụ thể trong thời gian tới.
YBĐT - Theo báo cáo được trình bày trên nghị trường, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng cường quốc phòng và an ninh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh - trật tự, tập trung khắc phục sơ hở, thiếu sót trong phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc và Cuba, ngày 25/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66 đã tiến hành phiên họp toàn thể và bỏ phiếu thông qua Nghị quyết “Sự cần thiết chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống Cuba” (A/66/L4) với 186 phiếu ủng hộ, 2 phiếu chống (Mỹ và Israel) và 3 phiếu trắng (Liên bang Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau).