Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng
- Cập nhật: Thứ tư, 4/1/2012 | 7:50:36 AM
Cùng với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong năm 2012 tiếp tục tăng cường ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội..., Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại thông điệp đầu năm mới 2012.
Theo người đứng đầu Chính phủ, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng cường ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội là những nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn.
|
Với tiêu đề "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế , chuyển đổi mô hình tăng trưởng", bài viết của Thủ tướng khẳng định, tư tưởng kinh tế cốt lõi trong các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI là tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.
Tiền đề để thực hiện thành công nhiệm vụ này là triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược, trong đó, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường vừa là một đột phá then chốt, có tác động trực tiếp đến quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, lại là nhiệm vụ không đòi hỏi nhiều nguồn lực tài chính, nếu nhận thức đúng và quyết tâm cao có thể hoàn thành cơ bản trong một thời gian tương đối ngắn.
Nghịch lý trong vận động của tư duy
Theo nhận định của người đứng đầu Chính phủ, sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa đồng bộ, các yếu tố của kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ, thể hiện ở những vướng mắc, bất cập trên các thị trường đất đai, tài chính, trái phiếu, chứng khoán, tín dụng...
Cùng với thị trường khoa học công nghệ chậm phát triển, Thủ tướng nêu rõ, thị trường lao động tuy đã khá hoàn chỉnh nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp cùng với sự bất hợp lý về tiền lương giữa các khu vực đang là rào cản lớn cho việc chuyển dịch lao động đến những lĩnh vực thiết yếu trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công.
Giá cả một số hàng hóa và dịch vụ chưa bù đắp được chi phí, chưa theo cơ chế thị trường, làm cản trở việc thu hút nguồn lực và công nghệ cao cho phát triển.
Thể chế kinh tế thị trường là một chỉnh thể gồm nhiều loại thị trường vận động đồng bộ trong chỉnh thể đó. Một loại thị trường không phát triển đầy đủ sẽ kìm giữ sự vận động của các thị trường khác và làm cản trở sự vận động chung.
Trong bối cảnh đó, rất dễ dẫn đến sự can thiệp hành chính vào các quá trình kinh tế. Sự can thiệp này có thể giải quyết những khó khăn trước mắt nhưng chi phí sẽ lớn hơn cơ hội tạo ra và làm sai lệch quá trình phát triển. Rốt cuộc, những vấn đề cơ bản vẫn không được giải quyết.
"Đây có thể là một nghịch lý trong sự vận động của tư duy mà những người làm công tác quản lý phải nhận thức được để có cách hành xử đúng đắn và nhất quán" Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ thực tiễn này, Thủ tướng nêu rõ, trong năm 2012 phải tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, tạo điều kiện cho các nguồn lực dịch chuyển trong các ngành và đến các vùng của đất nước theo tín hiệu của thị trường quanh trục lợi nhuận bình quân, bảo đảm sự phát triển hài hòa, cân đối của nền kinh tế.
Năm đặc trưng cơ bản của thể chế kinh tế thị trường hiện đại cũng được nêu tại bài viết của người đứng đầu Chính phủ.
Thứ nhất, các loại thị trường phát triển đồng bộ, các yếu tố của kinh tế thị trường hình thành đầy đủ, vận động cùng nhịp, hỗ trợ lẫn nhau, cùng tương tác trong một chỉnh thể thống nhất.
Thứ hai, thể chế kinh tế thị trường hiện đại đòi hỏi phải tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể tham gia thị trường.
Thứ ba, thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình về các chính sách quản lý, các đề án phát triển cũng như trong hoạt động của các chủ thể kinh doanh.
Thứ tư, thể chế kinh tế thị trường hiện đại trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi phải định vị lại mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.
Thứ năm, một thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải hướng về người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm chủ thể. Phải không ngừng hoàn thiện các thiết chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát triển các trung tâm bảo vệ người tiêu dùng.
“Rút dây” mà không “động rừng”
Tái cơ cấu nền kinh tế cũng là nội dung quan trọng tại thông điệp của Thủ tướng.
"Khi nói các đột phá chiến lược là tiền đề của tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hoàn toàn không có nghĩa là phải đợi thực hiện xong các đột phá mới thực hiện tiến trình này. Các tiền đề đã hình thành và sẽ được hoàn thiện trong suốt quá trình phát triển", bài viết nhấn mạnh.
Với mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu các ngành sản xuất, dịch vụ theo yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế để có thể tham gia vào những công đoạn có giá trị gia tăng cao trong mạng sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, các nội dung sẽ được thực hiện đồng bộ trong quá trình tái cơ cấu được Thủ tướng nêu rõ.
Ở nội dung thứ nhất là tái cơ cấu các ngành sản xuất và dịch vụ, bài viết nhấn mạnh nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành là “mạch máu” của nền kinh tế như các dịch vụ tài chính, nâng cao năng lực quản trị, bảo đảm phòng tránh rủi ro và an toàn hệ thống. Phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, đổi mới cơ chế nhằm khuyến khích phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ công.
Với tái cơ cấu doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh phải ứng dụng những thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ trong sản xuất và quản lý, phải đổi mới mô hình tổ chức và phương pháp quản trị doanh nghiệp phù hợp với sự thay đổi công nghệ sản xuất và sự phát triển của thị trường nhằm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nội dung tiếp theo là điều chỉnh chiến lược thị trường, bên cạnh phải đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu, hạn chế sự lệ thuộc vào một số ít thị trường, theo Thủ tướng đồng thời phải hết sức coi trọng thị trường nội địa, nhất là địa bàn nông thôn, hình thành chuỗi cung ngay trên thị trường trong nước.
Gắn kết và thực hiện đồng thời với tái cơ cấu các lĩnh vực nêu trên là tái cơ cấu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo một quy hoạch và một hệ thống phân cấp được rà soát chặt chẽ theo tầm nhìn dài hạn và tư duy liên vùng, Thủ tướng nêu rõ.
Cũng theo thông điệp của Thủ tướng, các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế phải được thực hiện trong suốt quá trình công nghiệp hóa nhưng phải được bắt đầu ở những lĩnh vực cấp bách nhất, đó là tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo sát sao việc xây dựng đề án tái cơ cấu trong từng lĩnh vực để triển khai mạnh mẽ theo những quy trình chặt chẽ cho từng bước với những mục tiêu cụ thể đặt ra cho mỗi bước, xác định rõ các tiêu chí đo lường và đánh giá kết quả.
Yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm sự đồng bộ khi thực hiện tái cơ cấu các lĩnh vực nói trên do mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau giữa chúng, đồng thời tăng cường công tác giám sát việc thực hiện ở mỗi Bộ, ngành, địa phương và từng doanh nghiệp, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo động lớn cho nền kinh tế, “rút dây” mà không “động rừng”.
Tái cơ cấu nền kinh tế đặt ra yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhấn mạnh thông điệp này, Thủ tướng cho biết, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong năm 2012, cùng với việc sớm phê duyệt đề án phát triển thị trường công nghệ, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; quy định tiêu chuẩn công nghệ trong Luật Đầu tư công và các dự án đấu thầu; khuyến khích mạnh các dự án áp dụng công nghệ mới và các dự án có lập trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ; tăng cường hợp tác công - tư trong việc hình các quỹ đầu tư mạo hiểm về khoa học công nghệ… Xây dựng văn bản pháp lý cao hơn để phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo người đứng đầu Chính phủ, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng cường ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội là những nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, thậm chí có nguy cơ rơi vào vòng suy thoái mới, đòi hỏi phải có sự nỗ lực vượt bậc của các ngành, các cấp. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò mở đường, tạo cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện nhưng kết quả phải được phản ánh trên từng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp phải là chủ thể, có vai trò quyết định.
Phải chuyển nhận thức, quyết tâm thành hành động và hành động quyết liệt để vượt qua sức ỳ của quá trình khởi động, đặt tiến trình phát triển của đất nước vào quỹ đạo mới - quỹ đạo phát triển bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh.
(Theo VnEconomy)
Các tin khác
YBĐT - HĐND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh/ UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2011, triển khai Nghị quyết HĐND tỉnh và nhiệm vụ năm 2012/ Bộ giao thông vận tải phát lệnh khởi công Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai tại Yên Bái... và một số thông tin khác.
YBĐT - Năm 2011, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy những thuận lợi, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao chủ động khắc phục khó khăn kiềm chế lạm phát khá hiệu quả nên đã giành được thắng lợi trên các lĩnh vực.
YBĐT - Đó là ý kiến phát biểu của đồng chí chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp thứ ba - HĐND tỉnh Yên Bái khoá XVII tổ chức ngày 30/12/2011.
YBĐT - Ngày 30/12, Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012.