Phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết và đổi mới, xây dựng huyện Trấn Yên phát triển toàn diện và bền vững

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/3/2012 | 9:46:40 AM

YBĐT - 65 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã phát triển, đổi thay to lớn về chất trên tất cả các lĩnh vực.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Trấn Yên, các ngành thăm cơ sở chế biến gỗ của Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa, xã Báo Đáp.
(Ảnh: Đức Toàn)
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Trấn Yên, các ngành thăm cơ sở chế biến gỗ của Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa, xã Báo Đáp. (Ảnh: Đức Toàn)

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, do yêu cầu cấp bách cần sớm có tổ chức Đảng để lãnh đạo, bảo vệ chính quyền non trẻ và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, sau khi đã có bốn chi bộ cơ sở, ngày 15/3/1947, Tỉnh ủy Yên Bái quyết định thành lập Đảng bộ huyện Trấn Yên.

65 năm qua là giai đoạn vẻ vang, hào hùng của Đảng bộ huyện với những sự kiện, những dấu mốc quan trọng trong xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Đảng; trong lãnh đạo nhân dân lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ quê hương, đất nước.

Trong quá trình đó, Đảng bộ ngày càng lớn mạnh, đảm nhận và hoàn thành xuất sắc trọng trách mà lịch sử giao phó, đưa phong trào cách mạng của huyện phát triển, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng chung.

Trong giai đoạn đầu, thời kỳ xây dựng nền móng của Đảng bộ huyện, trước rất nhiều yêu cầu cấp bách lúc bấy giờ, công tác phát triển Đảng được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trấn Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giáo dục, giác ngộ, lựa chọn quần chúng tích cực trong các tổ chức cứu quốc và trung kiên của Việt Minh. Kết quả đầu tiên là đã có được lớp “đảng viên tháng Tám”.

 Từ những đảng viên làm nòng cốt dẫn dắt phong trào ở cơ sở, ba chi bộ liên xã Phạm Hồng Thái - Nam Cường - Tuy Lộc, Minh Quân - Âu Lâu - Khánh Môn, Việt Thành - Mậu A - Đông Cuông được thành lập. Đó là cơ sở để Tỉnh ủy Yên Bái quyết định thành lập Huyện ủy Trấn Yên và cử đồng chí Nguyễn Thái giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy. Sau hơn một năm xây dựng và phát triển, đến cuối năm 1948, toàn huyện đã có 29 chi bộ và 416 đảng viên.

Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhờ có những chủ trương sát và đúng với tình hình, lực lượng dân quân, du kích địa phương phát triển ngày càng mạnh, đủ sức chống càn và gây rối cầm chân địch, làm cho chúng phải căng sức đối phó với ta. Những trận tiến công tiêu diệt địch ở đồn Đại Bục, Đại Phác, đồn Dóm, đồn Đồng Bằng, đồn Ca Vịnh… với nghệ thuật công đồn hiệu quả đã được ghi vào lịch sử quân sự Việt Nam.

Từ những diễn biến có lợi cho ta trên chiến trường, Bộ Tư lệnh quyết định lần lượt mở các chiến dịch Biên giới, Lý Thường Kiệt, Lê Hồng Phong, Tây Bắc. Tỉnh ủy Yên Bái giao nhiệm vụ cho huyện Trấn Yên xây dựng lực lượng vận tải, phương tiện vượt sông; đóng góp sức người, sức của cho các chiến dịch; tổ chức kìm chân, chống càn, quấy rối, tiêu diệt địch trên địa bàn; xây dựng các bến, bãi để đảm bảo cho bộ đội vượt sông Hồng, tiến sâu vào Tây Bắc.

Quân và dân huyện Trấn Yên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng được 25 đội vận tải với 800 người tham gia, huy động hàng vạn lượt dân công phục vụ chiến đấu; chuẩn bị 300 bè, mảng, 25 bến, bãi vượt sông, thu mua hàng ngàn tấn thóc và hàng trăm con trâu, bò, đáp ứng yêu cầu về lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Sau chiến thắng Tây Bắc, Trấn Yên hoàn toàn giải phóng, nhân dân các dân tộc phấn khởi bắt tay vào xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện sức người, sức của cho chiến trường, đóng góp đáng kể vào thắng lợi chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này, Đảng bộ huyện lãnh đạo khôi phục và ổn định sản xuất; cải cách ruộng đất; cải tạo xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh khai hoang phục hóa để đảm bảo đủ ăn, đủ mặc cho nhân dân; giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Kết quả là đời sống nhân dân đã ổn định, người dân được chăm sóc về y tế và được học hành.

Phong trào xây dựng hợp tác xã đã xuất hiện những điển hình tiên tiến như Hợp tác xã Cận Còng và Chủ nhiệm Hợp tác xã Trần Văn Đôn được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”. Sau Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là: hoàn thành cuộc vận động xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, vận động định canh định cư cho đồng bào các dân tộc thiểu số; cảnh giác chống chiến tranh phá hoại bằng gián điệp, biệt kích của đế quốc Mỹ; xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp.

Đồng thời làm công tác tư tưởng để bàn giao 40% số xã thượng huyện cho việc thành lập huyện Văn Yên; tổ chức đón tiếp, ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân di cư để xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà; hoàn thiện hệ thống thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã mua bán và hệ thống giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Với khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi Đảng bộ phải có quyết tâm chính trị với cố gắng cao nhất, xác định rõ vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; hoạt động có hiệu quả của chính quyền các cấp và vai trò vận động quần chúng của các đoàn thể chính trị.

Kết quả là những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã thực hiện vượt mức kế hoạch đề ra, làm tiền đề để huyện bước vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: vừa sản xuất vừa chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam.

Khi đế quốc Mỹ điên cuồng cho không quân đánh phá ra Miền Bắc, Đảng bộ huyện đã nhanh chóng lãnh đạo chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức, chuyển hướng xây dựng kinh tế trong điều kiện vừa sản xuất vừa phải chống trả với chiến tranh phá hoại ác liệt đồng thời hết lòng, hết sức chi viện cho cuộc kháng chiến gian khổ của đồng bào miền Nam; nhanh chóng chuyển các hoạt động kinh tế - xã hội từ thời bình sang thời chiến; xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch bảo vệ các mục tiêu trọng yếu; xây dựng hệ thống các trận địa trực chiến phòng không nhân dân, duy trì lực lượng thường trực chiến đấu cao; huy động hàng vạn dân công phục vụ chiến đấu cho các đơn vị phòng không, tên lửa, bảo vệ sân bay Nga Quán, Nhà máy Z1 an toàn.

Quân và dân địa phương đã phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; phối hợp đánh hàng trăm trận, bắn rơi 14 máy bay, bắt sống 6 phi công Mỹ; các mục tiêu quan trọng như bến phà Âu Lâu, tuyến đường sắt, đường bộ, hệ thống cầu đường, nhà ga, các cơ sở quân sự được bảo vệ vững chắc. Từ sân bay Nga Quán, các phi đội máy bay ta xuất kích đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Điển hình là sự kiện phi công Phạm Tuân trên chiếc MIC của không quân Việt Nam đã hạ gục pháo đài bay B52 của Mỹ.

Trong chiến tranh ác liệt và gian khổ, những thanh niên ưu tú của huyện đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu với tinh thần anh dũng, kiên cường; có hơn 700 người trong số họ không trở về và hàng ngàn người để lại một phần xương máu cùng tuổi xuân nơi chiến trường; có những người con, những bà mẹ đã làm nên kỳ tích anh hùng. Trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, Trấn Yên là huyện có nhiều thanh niên nhất viết đơn tình nguyện và tỷ lệ người được huy động vào bộ đội đông nhất tỉnh.

Những năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, huyện Trấn Yên đã nêu cao tinh thần vượt khó, đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, tự lực tự cường, cần cù, sáng tạo, xây dựng quê hương phát triển, tạo diện mạo đổi mới toàn diện như hôm nay.

65 năm qua, Đảng bộ huyện đã tổ chức 20 kỳ đại hội. Các kỳ đại hội của Đảng bộ huyện là những thời điểm đánh dấu sự trưởng thành cả về tổ chức, bộ máy, nhận thức chính trị đến vai trò lãnh đạo của Đảng bộ đối với toàn bộ quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của huyện Trấn Yên. 65 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, huyện Trấn Yên đã phát triển, đổi thay to lớn về chất trên tất cả các lĩnh vực.

Trấn Yên trước kia là vùng đất thuần nông, độc canh, manh mún, lạc hậu, nghèo nàn, làm ăn của người dân tự cung tự cấp… thì nay đã có nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần với cơ cấu kinh tế hợp lý. Tổng mức đầu tư phát triển trong 5 năm qua đạt gần 1.300 tỷ đồng, năm 2011 là gần 500 tỷ đồng.

Trên địa bàn đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, có quy mô lớn như: vùng lúa chất lượng cao 1.500ha, vùng tre Bát độ lấy măng 1.500ha, vùng chè Bát tiên 450ha, vùng dâu tằm 110ha, vùng rừng nguyên liệu 28.000ha, vùng quế 7.000ha; đã có nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như: chăn nuôi tập trung, kinh tế đồi rừng, kinh doanh tổng hợp, vật liệu xây dựng, nuôi trồng thủy sản…

Sự nghiệp giáo dục được quan tâm đầu tư phát triển mạnh. Đến nay, ngành giáo dục huyện đã đầy đủ các cấp học, có 66 đơn vị trường học, 1 trung tâm dạy nghề; 1.350 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên với trên 15.000 học sinh các cấp; có 12 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Về sự nghiệp y tế, Trấn Yên hiện có hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh hoàn chỉnh, rộng khắp trên địa bàn.

Bệnh viện đa khoa, các phòng khám khu vực, trạm y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; 100% số thôn, bản, khu phố có đủ cán bộ y tế; 100% số xã, thị trấn có bác sỹ; 21 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; công tác giám sát dịch tễ được tăng cường, không để dịch bệnh lớn xảy ra.

Đời sống nhân dân từ khi có Đảng, có cách mạng đã đổi thay căn bản, chuyển đổi về chất và ngày càng cải thiện, từng bước nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt trên 13 triệu đồng; huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm một cách bền vững.

Từ lúc chỉ có 4 chi bộ với 24 đảng viên, đến nay, Đảng bộ huyện đã có trên 4.200 đảng viên sinh hoạt tại 53 tổ chức cơ sở Đảng với 322 chi bộ. Hàng năm, số tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh đạt trên 81%; đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 80%; mỗi năm kết nạp trên 170 đảng viên mới; tất cả các thôn, bản đều có chi bộ Đảng.

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp từng bước được nâng lên. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và công tác cải cách hành chính được chú trọng thực hiện đạt kết quả tích cực.

Hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từng bước đổi mới và phát huy tốt. Trấn Yên đã tập trung lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh. Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh và phát triển rộng khắp trên địa bàn; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

 

Đồng chí Triệu Tiến Thịnh - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên (thứ ba, trái sang) kiểm tra tình hình sản xuất công nghiệp tại xã Đào Thịnh. (Ảnh: Thanh Phúc)

Với những nỗ lực, đóng góp trong 65 năm qua, Đảng, Nhà nước đã ghi nhận và tặng cho huyện Trấn Yên nhiều phần thưởng cao quý: danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân, huy chương cao quý; có 6 xã, 1 đơn vị, 6 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; 31 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Chúng ta mãi mãi ghi công và tôn vinh trên 700 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh cùng hàng ngàn thương binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã mất đi một phần xương máu cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Những thành tựu đạt được trong quá trình phát triển của huyện là tiền đề, nền tảng cho địa phương tiếp tục phát triển đi lên. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Trấn Yên tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, truyền thống cách mạng, nêu cao quyết tâm chính trị, chủ động nắm vững tình hình, khắc phục khó khăn, bổ sung kịp thời các chủ trương, giải pháp thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã đề ra: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy truyền thống của huyện anh hùng, giữ vững đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục xây dựng Trấn Yên trở thành huyện phát triển toàn diện”.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch vùng; quy hoạch và phát triển thị trấn Cổ Phúc, xã Báo Đáp, Hưng Khánh, Vân Hội thành các trung tâm phát triển của huyện. Trên cơ sở quy hoạch, xác định những mục tiêu, lợi thế của từng vùng, từng ngành, từng lĩnh vực để đầu tư phát triển phù hợp.

Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là những công trình trọng điểm trên các lĩnh vực nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội như: hệ thống giao thông, nhất là giao thông nông thôn; hệ thống điện; bệnh viện, phòng khám; trường học; trụ sở làm việc của các cơ quan, các xã, thị trấn; hệ thống thủy lợi; tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của khu di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Vần và các di tích văn hóa đã được công nhận; đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch của vùng hồ Vân Hội, đầm Hậu - Minh Quân.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của các tổ chức Đảng, trước mắt quán triệt tốt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có kết quả một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở; đổi mới hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị với phương châm hướng mạnh về cơ sở, phát huy sức mạnh nội lực và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng nền hành chính thực sự trong sạch, vững mạnh, vì dân.

Triệu Tiến Thịnh - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên

Các tin khác
Đại sứ Dương Văn Quảng trả lời phỏng vấn phóng viên tại Paris.

Sau khi tham dự kỳ họp Đại hội đồng chấp hành 189 của Tổ chức Liên hợp quốc về văn hóa, khoa học và giáo dục (UNESCO), diễn ra trong vòng 2 tuần vừa qua tại Paris, Pháp - từ ngày 27/2-10/3, Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, cho biết đây là kỳ họp bất thường diễn ra sớm hơn dự kiến.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp ông Wilfried Lutkenhorst, Tổng Giám đốc điều hành UNIDO.

Ngày 8/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tiếp ông Wilfried Luetkenhorst, Giám đốc điều hành của Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) đang thăm làm việc tại Việt Nam.

Đồng chí Dương Văn Thống phát biểu kết luận buổi làm việc tại Sở
Kế hoạch và Đầu tư.

YBĐT - Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành TƯ xem xét nghiên cứu có chính sách cân đối bố trí vốn theo định hướng khung kế hoạch và giao quyền chủ động cho tỉnh phân bổ chi tiết theo từng năm…

YBĐT - Ngày 7/3, Đảng ủy khối cơ quan tỉnh tổ chức Hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt các Quyết định, Quy định, hướng dẫn của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về thi hành điều lệ Đảng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục