Xây dựng huyện Yên bình phát triển toàn diện, bền vững
- Cập nhật: Thứ ba, 19/6/2012 | 3:03:32 PM
YBĐT - Phát huy truyền thống 65 năm xây dựng và trưởng thành, trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Yên Bình (Yên Bái) tiếp tục nỗ lực, khắc phục những tồn tại và khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ huyện đã đề ra.
Đồng chí Dương Văn Tiến - Bí thư Huyện ủy Yên Bình (thứ hai, trái sang) kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh chè tại Công ty cổ phần Chè Hương Lý.
|
Ngày 20 tháng 6 năm 1947, Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã ra Quyết định thành lập Ban Đảng vụ Yên Bình (tức Huyện uỷ Yên Bình ngày nay). Khi mới thành lập, toàn huyện mới chỉ có 4 chi bộ và 49 đảng viên. Theo thời gian, Đảng bộ lớn mạnh dần, nhiều tổ chức cơ sở Đảng được thành lập ở khắp các xã trong huyện, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng của địa phương; là nhân tố quan trọng, tham gia tích cực vào việc củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng, góp phần quyết định giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hàng ngàn, hàng vạn người con của nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình đã tình nguyện lên đường chiến đấu, góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch thu đông năm 1947, Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chiến dịch Tây Bắc năm 1952 - 1953… Năm 1960, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng công trình thuỷ điện Thác Bà - một công trình trọng điểm để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc “đại chuyển dân” để nhường đất cho thi công công trình. Từ năm 1962 đến năm 1968, đã chuyển gần 2 vạn dân của 37/39 xã đến vùng quê mới, trong đó có gần một nửa phải chuyển đến các huyện của tỉnh bạn; gần 3.000/5.000ha ruộng nước “bờ xôi, ruộng mật”, hàng ngàn mồ mả, hàng chục đền, miếu, nhà thờ, công trình kiến trúc đã chìm sâu trong nước. Đến quê mới, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tích cực xây dựng nhà cửa, khai hoang ruộng nước, tăng gia sản xuất, ổn định đời sống.
Với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất lương thực, thực phẩm để chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ vừa chiến đấu đánh trả máy bay địch trong chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, bảo vệ hậu phương. Hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm được chuyển ra tiền tuyến, hàng vạn thanh niên các dân tộc hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, xung phong lên đường tòng quân giết giặc cứu nước với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Chỉ riêng trong 3 năm (từ tháng 10/1965 đến tháng 9/1968), máy bay Mỹ đã bắn tên lửa và hàng trăm tấn bom các loại xuống các mục tiêu của 18 xã thuộc huyện Yên Bình.
Với phương châm “vừa sản xuất vừa chiến đấu” chống chiến tranh phá hoại của địch, bảo vệ thành quả sản xuất, bảo vệ Nhà máy Thủy điện Thác Bà, lực lượng công nhân và nhân dân địa phương đã phải chuyển hàng ngàn tấn máy móc, thiết bị đi cất giấu đồng thời khắc phục nhanh những thiệt hại để sau khi địch ngừng đánh phá có thể trở lại sản xuất ngay.
Lực lượng dân quân địa phương và tự vệ cơ quan đã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh trả hàng trăm lượt máy bay oanh tạc, bắn rơi nhiều máy bay, bắt nhiều giặc lái Mỹ. Những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình đã góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên chiến công hiển hách: đại thắng mùa xuân năm 1975 và đất nước hoàn toàn độc lập, hai miền Nam - Bắc cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, những người con ưu tú của quê hương Yên Bình đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường và nhiều người trong số họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, nhiều người đã để lại một phần thân thể, xương máu của mình ở nơi chiến trường.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử, cả nước bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ độc lập, hòa bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Yên Bình cũng như tất cả các địa phương khác nêu cao tinh thần vượt khó, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị qua từng nhiệm kỳ đại hội. 65 năm với 21 kỳ đại hội, tập thể cán bộ, đảng viên của toàn Đảng bộ đã tập trung trí tuệ, sức lực và kinh nghiệm đưa ra những quyết sách phù hợp với từng giai đoạn.
Nhờ vậy, huyện đã có những bước phát triển và đổi thay to lớn. Đảng bộ huyện xác định, cơ cấu kinh tế của huyện là: nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ - du lịch. Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, Đảng bộ đã lãnh đạo làm tốt việc quy hoạch vùng sản xuất lúa thâm canh ở khu vực hạ huyện và thượng huyện.
Đồng thời đã thay đổi cơ bản tập quán canh tác, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, đặc biệt là về giống, trong đó lúa lai chiếm trên 85%. Cùng với việc chỉ đạo áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng năm, Đảng bộ đã chỉ đạo làm tốt việc vận động nhân dân tận dụng triệt để diện tích dưới cốt (cos) để cấy lúa (trên 150ha) và hoa màu (nhất là cây lạc).
Trong đó, đặc biệt quan tâm trồng cây ngô đông ở chân ruộng hai vụ lúa để nâng cao sản lượng lương thực trên địa bàn. Do đó, diện tích, năng suất, sản lượng lúa và hoa màu luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp năm 2011 (giá cố định) đạt 373,48 tỷ đồng, tăng 137,87 tỷ đồng so với năm 2005; năng suất lúa cả năm ước đạt 97 tạ/ha; diện tích ngô đông trồng trên chân ruộng 2 vụ hàng năm đạt từ 800ha đến 950ha, chiếm trên 40% diện tích gieo cấy; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 27.329 tấn, tăng trên 4.000 tấn so với năm 2005. Đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng nguyên liệu giấy sợi, vùng lúa cao sản, vùng cây ăn quả có múi, vùng nguyên liệu sắn, chè, vùng nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi đại gia súc…
Đặc biệt, kinh tế trang trại theo mô hình nông - lâm kết hợp (VAC, VACR) ở huyện Yên Bình phát triển mạnh. Nhiều mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả cao như mô hình trồng xen sắn cao sản với diện tích rừng trồng ở năm đầu tiên, trồng lạc dưới cos, trồng chè cành, trồng rừng, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi thủy đặc sản (cá tầm, ba ba…) và đã đưa bình quân giá trị sản xuất trên 1ha canh tác ước đạt trên 45 triệu đồng/năm.
Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, số hộ đói nghèo giảm xuống rõ rệt. Huyện đã chỉ đạo duy trì và phát triển tốt các cây công nghiệp có lợi thế. Toàn huyện Yên Bình hiện có 1.990ha chè, hàng năm trồng cải tạo trên 50ha, sản lượng chè búp tươi năm 2011 đạt 15.398,1 tấn, tăng trên 5.200 tấn so với năm 2005.
Cây ăn quả hiện có trên 1.500ha, tăng 310ha so với năm 2005 đồng thời huyện còn có trên 380ha tre măng Bát Độ cho sản phẩm bán ra thị trường trong và ngoài nước. Huyện cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình chăn nuôi trang trại sản xuất hàng hóa tập trung.
Đến nay, toàn huyện có trên 200 mô hình chăn nuôi, trong đó có 109 mô hình chăn nuôi lợn, gà theo cơ chế khuyến khích đầu tư của tỉnh và đều đã phát huy hiệu quả tốt; chăn nuôi thủy sản phát triển không ngừng. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được quan tâm đầu tư. Đến nay, toàn huyện có 42.310,37ha rừng, trong đó rừng phòng hộ 7.589,67ha, rừng tự nhiên 6.266,81ha, rừng trồng 26.206,33ha; độ che phủ rừng đạt 66%.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển mạnh cả ở khu vực quốc doanh và ngoài quốc doanh, dần dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương như khai thác đá, sản xuất gỗ ván, chè khô, tinh bột sắn… Nếu như trước đây, kinh tế của huyện Yên Bình còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp thì hôm nay đã đổi khác.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 14%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm - nghiệp, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, giao thông - công nghiệp - xây dựng ngày càng phát triển, hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh: tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (tính cả của tỉnh và Trung ương) chiếm 74,5% trong cơ cấu kinh tế (dẫn đầu các huyện, chỉ đứng sau thành phố Yên Bái).
Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh năm 2011 đạt 310 tỷ đồng, tăng trên 3 lần so với năm 2005. Đặc biệt, đến nay, đã có 278/283 thôn có đường ô tô và trên 63km mặt đường đã được bê tông hoá và láng nhựa. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 20%/năm; năm 2011 đạt 63 tỷ đồng, trong đó trên 80% là thu ngoài quốc doanh (vượt 20 tỷ đồng, bằng 146,5% so với kế hoạch tỉnh giao đầu năm, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2005); thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 18,7 triệu đồng (tăng hơn 3 lần so với năm 2005).
Lĩnh vực văn hóa - xã hội không ngừng củng cố và phát triển, trường lớp được xây dựng tới tận các thôn, xóm vùng xa, vùng sâu, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập. Đội ngũ giáo viên từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục trong thời kỳ mới. Năm 1998, huyện Yên Bình đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ; đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2008, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2012.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước phát triển mới. Bệnh viện Đa khoa huyện được xây dựng mới, 3 phân viện là Thác Bà, Cảm Ân, Cảm Nhân được đầu tư nâng cấp, bổ sung thiết bị mới, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, 26/26 xã, thị trấn có trạm y tế xây dựng kiên cố, có đội ngũ thầy thuốc đủ điều kiện khám, chữa bệnh thông thường và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không có những vụ việc nổi cộm xảy ra.
Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được tăng cường. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tổ chức cơ sở Đảng. Hiện nay, toàn huyện đã có 54 Đảng bộ, chi bộ cơ sở, trong đó có 26 Đảng bộ xã, thị trấn, 28 Đảng bộ, chi bộ cơ quan, doanh nghiệp, với 400 chi bộ nhỏ và trên 5.000 đảng viên.
Kết quả phân xếp loại, nhiều năm liền, Đảng bộ huyện đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh và có từ 85% - 90% cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, 80% - 85% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ; 80% -85% chính quyền cơ sở đạt danh hiệu chính quyền vững mạnh. Đặc biệt, nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, trong các nhiệm kỳ qua, Huyện ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.
Đặc biệt, Chỉ thị 11-CT/HU ngày 30/9/2011 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực sự là một việc làm sáng tạo trong thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ở xã Cảm Ân, nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ trồng và chế biến gỗ rừng trồng. (Ảnh: Đức Hồng)
1- Lĩnh vực kinh tế: Đảng bộ tập trung chỉ đạo, xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từng vùng để phát triển có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội, nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa tập trung.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trên địa bàn, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai nghị quyết chuyên đề về tăng cường thu hút, xúc tiến đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch cộng đồng; đẩy mạnh việc xây dựng đường giao thông nông thôn và xây dựng nông thôn mới (trước mắt, thực hiện kế hoạch năm 2012, huyện sẽ phấn đấu làm 13km đường bê tông, 3,2km đường đất theo cơ chế đầu tư 60 - 40, trong đó huyện đóng góp 30% trong số 60%). Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào Cụm công nghiệp Thịnh Hưng và Khu công nghiệp Mông Sơn.
Trên cơ sở tận dụng những tiềm năng, thế mạnh của huyện, Đảng bộ tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, hiệu quả cao; tiếp tục phát triển kinh tế đồi rừng theo mô hình trang trại nông - lâm kết hợp (VAC, VACR), đẩy mạnh trồng rừng, trồng cây nguyên liệu, cây ăn quả và cây công nghiệp; phát triển chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản ở những nơi có điều kiện, góp phần tăng thu nhập và đời sống nhân dân; duy trì tốt các cơ sở công nghiệp quốc doanh tại địa phương đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh vào các lĩnh vực: khai thác nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến chè, sắn…
2- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) của Đảng về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 11-CT/HU và Nghị quyết 06-NQ/HU của Huyện ủy gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Song song, tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh trên cả ba lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, tổ chức đồng thời chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; chú trọng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, đồng bào công giáo, đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ, công an viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư (khoá X).
Tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng đạo đức cách mạng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Đồng thời đẩy mạnh việc tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền từ huyện đến cơ sở thực sự vững mạnh, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.
3- Lĩnh vực văn hóa - xã hội: Tập trung khắc phục những khó khăn, tồn tại của ngành giáo dục và tập trung chuyên môn nâng cao chất lượng dạy và học, phấn đấu đến hết năm 2012 đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đồng thời chú trọng phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống các dịch bệnh, trước mắt là bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em, làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch, không để dịch bệnh lan rộng; tập trung xây dựng cơ sở trạm y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc và giáo dục trẻ em, xây dựng mô hình gia đình ít con, khỏe mạnh, hạnh phúc; duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 5%. Huyện tiếp tục tạo việc làm cho người lao động còn dôi dư ở các địa phương; đẩy nhanh việc đào tạo nghề cho con em nông thôn, xoá đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho người lao động.
4- Tăng cường công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra các điểm nóng trên địa bàn; giải quyết dứt điểm những vụ việc tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện, xử lý các vụ án theo đúng pháp luật. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác huấn luyện quân sự, xây dựng địa phương thành khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần cùng các lực lượng giữ vững ổn định chính trị ở địa phương.
Phát huy truyền thống 65 năm xây dựng và trưởng thành, trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Yên Bình tiếp tục nỗ lực, khắc phục những tồn tại và khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ huyện đã đề ra. Đảng bộ huyện cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, đồng tâm hiệp lực, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua thử thách để xây dựng Yên Bình trở thành một huyện phát triển toàn diện, bền vững.
Dương Văn Tiến - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Bí thư Huyện ủy Yên Bình
Các tin khác
Sáng 19-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi (HTX). Cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật song tại phiên thảo luận các đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm,bản chất của HTX, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, lợi dụng chính sách ưu đãi cho HTX để trục lợi…
Nhận lời mời của Phó Chủ tịch nước Lào Boungnang Volachit, ngày 18/6, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu đã tới thủ đô Vientiane, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (từ ngày 18-20/6 tới).
Ngày 18/6, Quốc hội bước vào tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 3 với trọng tâm là biểu quyết thông qua các dự án luật và nghị quyết của kỳ họp.
YBĐT - Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải/ Yên Bái và 2 tỉnh Viêng Chăn, Sayabouly (CHDCND Lào) thống nhất các hoạt động hợp tác năm 2012/ Báo Yên Bái tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề: "Nâng cao chất lượng tuyên truyền xây dựng nông thôn mới" trên các ấn phẩm của Báo Yên Bái... và một số thông tin khác.