Nhớ ngày ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/6/2012 | 2:51:33 PM

YBĐT - Sự kiện chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập tại thị xã Yên Bái (7.5.1945) là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của phong trào cách mạng tỉnh Yên Bái, đưa phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lên một bước mới.

Đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng tượng Bác Hồ cho các cá nhân tiêu biểu tại hội nghị tuyên dương bí thư chi bộ tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ nhất, tháng 6/2011.
Đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng tượng Bác Hồ cho các cá nhân tiêu biểu tại hội nghị tuyên dương bí thư chi bộ tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ nhất, tháng 6/2011.

Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt mới trong lịch sử dân tộc, ảnh hưởng của Đảng đã có tác động lớn đến phong trào cách mạng ở Yên Bái.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đầu những năm 40 của thế kỷ 20, một số cơ sở cách mạng đã được xây dựng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái; nhiều tổ chức cứu quốc được thành lập. Ngày 7-5-1945, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên đã ra đời ở thị xã Yên Bái. Ngày 30-6-1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư...

Tại thị xã Yên Bái, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Thái Học lãnh đạo (tháng 2 năm 1930), ngọn lửa yêu nước, ý thức đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã được thổi bùng và khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân. Đầu tháng 3.1930, nhóm thanh niên yêu nước ở thị xã do Đỗ Văn Đức đứng đầu đã ra Học sinh báo nhằm giáo dục truyền thống, thức tỉnh lòng yêu nước của thanh niên, học sinh và góp phần thúc đẩy phong trào yêu nước, đọc sách, báo tiến bộ trong thanh niên thị xã cũng như các vùng lân cận.

Nhóm thanh niên yêu nước còn treo cờ đỏ búa liềm nhân ngày 1 - 5, rải truyền đơn kêu gọi dân chúng, thợ thuyền đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp đã tạo ảnh hưởng vang dội. Những năm 1936 - 1939, tại thị xã Yên Bái, các loại báo công khai như: Tin tức, Thời thế, Lao động... lưu hành rộng rãi.

Qua đó, các tầng lớp nhân dân từng bước nhận thức được đường lối, chủ trương, phương pháp đấu tranh cách mạng và các phong trào đấu tranh chuyển từ tự phát đến tự giác. Tiêu biểu là phong trào đấu tranh của Hội ái hữu ở Xưởng đề - pô (xưởng sửa chữa) xe lửa Yên Bái; nông dân xã Văn Phú, Đào Thịnh (Trấn Yên); tiểu thương chợ thị xã… khiến giới cầm quyền hết sức lo ngại.

Năm 1943, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ đã nhận định vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái - Phú Thọ là nơi thực dân Pháp có nhiều sơ hở, không kiểm soát gắt gao, rất thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở cách mạng. Nếu phát triển phong trào ở Yên Bái (đặc biệt là chiến tranh du kích) có thể mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều hướng như Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai... Từ thực tế trên, Trung ương Đảng đã ra quyết định xây dựng cơ sở cách mạng ở Vần - Hiền Lương nhằm mục đích làm nơi dừng chân cho các đồng chí tù vượt ngục từ nhà tù Sơn La ra và xây dựng căn cứ cách mạng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.

Đầu năm 1944, đồng chí Mai Văn Ty là quần chúng trung kiên của Đảng từ Nhà máy xe lửa Gia Lâm chuyển lên đề - pô Yên Bái làm việc đã tích cực tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Mặt trận Việt Minh trong công nhân; tập hợp các hội viên ái hữu trước đây vào tổ chức công nhân cứu quốc. Tháng 6.1944, đồng chí đã lãnh đạo công nhân đề - pô Yên Bái đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm...

Cuộc đấu tranh thắng lợi có ảnh hưởng khá mạnh đến các tầng lớp nhân dân. Tháng 10 năm 1944 đến đầu năm 1945, từ những cơ sở đầu tiên ở Nang Xa, Hiền Lương (Phú Thọ) đã mở rộng lên Linh Thông, Vần, Vân Hội, Đại Lịch, thị xã Yên Bái. Nhiều tổ chức cứu quốc được thành lập, tập hợp hàng ngàn hội viên. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, tình hình có nhiều biến đổi có lợi cho cách mạng.

Khí thế cách mạng của quần chúng khắp nơi trong tỉnh dâng lên ngùn ngụt. Ngày 7/5/1945, Chi bộ Cộng sản đầu tiên ra đời ở thị xã Yên Bái đã mở ra sự chuyển hướng đấu tranh của nhân dân sang một giai đoạn mới. Tình thế cách mạng ngày một lớn, phong trào đấu tranh của công nông với các tầng lớp nhân dân lao động Yên Bái không ngừng phát triển.

Để phát triển hơn nữa phong trào cách mạng ở Yên Bái và bắc Phú Thọ trong điều kiện tình thế cách mạng đã xuất hiện, đầu tháng 5 năm 1945, Xứ ủy Bắc Kỳ chính thức cử đồng chí Ngô Minh Loan lên phụ trách, xây dựng căn cứ cách mạng Vần - Hiền Lương.

Công tác phát triển Đảng của Yên Bái thời kỳ này là vô cùng cần thiết. Đồng chí Mai Văn Ty và Nguyễn Chí Dũng đều là những quần chúng ưu tú, trung kiên của Đảng đã được đồng chí Nguyễn Hữu Minh kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đứng trước tình hình thời cơ cách mạng đang có nhiều thuận lợi, cần có hạt nhân lãnh đạo, định hướng phong trào cách mạng cho quần chúng nhân dân, đồng chí Ngô Minh Loan quyết định thành lập Chi bộ Đảng ở thị xã Yên Bái gồm 3 đảng viên do đồng chí Mai Văn Ty làm Bí thư.

Các đảng viên của Chi bộ đã tích cực hoạt động, củng cố phong trào đấu tranh của công nhân cứu quốc ở đề - pô xe lửa, thanh niên, phụ nữ cứu quốc trong thị xã; xây dựng được cơ sở trong trại bảo an binh, lấy được vũ khí chuyển vào chiến khu cách mạng Vần - Hiền Lương và tổ chức giải thoát thành công cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng đang điều trị ở Nhà thương thị xã Yên Bái.

Sự kiện chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập tại thị xã Yên Bái (7.5.1945) là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của phong trào cách mạng tỉnh Yên Bái, đưa phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lên một bước mới. Sự ra đời của chi bộ Đảng là tiền đề quan trọng cho việc thành lập Đảng bộ tỉnh ngày 30.6.1945 và sự thành công trọn vẹn, ít hao tổn xương máu trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Yên Bái.

Hơn 67 năm đã qua đi, từ chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên chỉ với vài đảng viên, đến nay, hệ thống chính trị của tỉnh Yên Bái được xây dựng đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đảng bộ tỉnh có 12 Đảng bộ trực thuộc, 570 tổ chức cơ sở Đảng, 3.044 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và hơn 40 nghìn đảng viên, tất cả các thôn bản đều có chi bộ.

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng. Đảng bộ đã luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực và sức chiến đấu; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đã làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đạt kết quả; luôn quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, đáp ứng vai trò là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực công tác, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; công tác vận động quần chúng của Đảng; xây dựng hệ thống chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh; phát huy vai trò đoàn kết các dân tộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và phát triển tỉnh Yên Bái.

Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng ngày càng bền chặt. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh từ kiếp nô lệ lầm than đã thật sự trở thành người chủ quê hương, đất nước...

A.H

Các tin khác
Việt Nam làm quan sát viên tập trận lớn nhất thế giới.

Cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC 2012 sẽ mở màn ngày 29/6, trong đó Việt Nam tham dự với tư cách quan sát viên phần diễn tập quân y.

YBĐT - Sáng ngày 29/6, tại tỉnh Hà Nam, Báo Hà Nam đã đăng cai tổ chức Khai mạc Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2012.

YBĐT - Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế chính sách thông thoáng, khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu.

Đồng chí Hà Thị Hải - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và lãnh đạo các chi, Đảng bộ cơ sở bỏ phiếu quy hoạch cán bộ giai đoạn 2010 - 2015.

YBĐT - Một tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ phải thực sự tự giác, trung thực, xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, tự thấy rõ khuyết điểm và tự mình sửa chữa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục