Ngành Tư pháp Yên Bái 30 năm xây dựng và trưởng thành

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/8/2012 | 10:26:04 AM

YBĐT - Trải qua chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành, được ngành Tư pháp tỉnh Yên Bái đã luôn nỗ lực tập trung sức lực, trí tuệ để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao trong mỗi thời kỳ.

Lãnh đạo Sở tư pháp đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2005.
Lãnh đạo Sở tư pháp đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2005.

Ngày 11/12/1982, UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn ban hành Quyết định số 908/QĐ-UB thành lập Sở Tư pháp Hoàng Liên Sơn. Tháng 11/1987, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Hoàng Liên Sơn là một trong 5 tỉnh của toàn quốc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức rút gọn Sở Tư pháp thành một bộ phận trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh.

Tháng 10/1989, UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn đã ban hành Quyết định số 473/QĐ-UB ngày 29/10/1989 tái thành lập Sở Tư pháp Hoàng Liên Sơn. Tháng 10/1991 tỉnh Hoàng Liên Sơn chia tách thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái, cũng là thời điểm Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái được thiết lập, tồn tại và phát triển đến nay.

Hiện tại, Sở Tư pháp Yên Bái có 7 phòng nghiệp vụ và 4 đơn vị trực thuộc với tổng số 74 biên chế, trong đó có trên 90% cán bộ công chức, viên chức có trình độ thạc sỹ, cử nhân chuyên ngành Luật.

Ở cấp huyện, Phòng Tư pháp được duy trì, tiếp tục củng cố, ổn định để thực hiện chức năng tham mưu cho UBND cấp huyện trong công tác tư pháp với tổng số 30 biên chế của 9 Phòng Tư pháp. Ở cấp xã, tổng số công chức tư pháp - hộ tịch là 203 người/180 xã, phường, thị trấn.

Qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Tư pháp Yên Bái đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương Yên Bái, nổi bật là các nhiệm vụ: Trên lĩnh vực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Cơ quan Tư pháp đã tham mưu tích cực giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý quy trình lập quy.

Hàng năm, ngoài việc soạn thảo trình UBND tỉnh ban hành các văn bản về quản lý công tác tư pháp, ngành đã trực tiếp soạn thảo hoặc phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của UBND soạn thảo, tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Từ năm 1996, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và từ tháng 7/2005 theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, ngành Tư pháp được giao nhiệm vụ thẩm định đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình HĐND và UBND xem xét ban hành.

Trung bình mỗi năm cơ quan Tư pháp các cấp đã tiến hành thẩm định trên 100 văn bản quy phạm pháp luật. Hoạt động thẩm định của cơ quan Tư pháp ngày càng được chú trọng và nâng cao về chất lượng, nội dung thẩm định, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, tính thống nhất, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trong sự nghiệp đổi mới, cải cách tư pháp, cải cách hành chính.

Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật: Ngành Tư pháp Yên Bái đã chủ động hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật đối với cơ quan Tư pháp cấp dưới. Từ năm 2004 đến nay, bên cạnh việc giúp UBND cùng cấp thực hiện tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện đã thực hiện việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.

Theo đó, đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền đối với các văn bản do HĐND và UBND cấp dưới ban hành. Qua kiểm tra, phát hiện kiến nghị xử lý, yêu cầu xử lý hàng trăm văn bản chưa phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu là chưa phù hợp về hình thức văn bản. Thường xuyên thực hiện có hiệu quả công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong mỗi thời kỳ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Luôn được coi là công tác quan trọng, một bộ phận không thể thiếu trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

Từ chỗ thực hiện việc tuyên truyền theo chiến dịch, thời điểm phục vụ cho việc triển khai những văn bản pháp luật cụ thể..., những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ cũng như các chỉ thị, quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và kế hoạch phổ biến giáo dục, pháp luật qua các giai đoạn, công tác này được coi trọng và quan tâm nhiều hơn, thực hiện thường xuyên, nề nếp.

Cơ quan Tư pháp các cấp đã tham mưu trình UBND các cấp thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức kinh tế và các cơ quan thông tin đại chúng lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng và địa bàn dân cư, các văn bản pháp luật đã và đang được triển khai sâu rộng tới tận cơ sở.

Công tác quản lý hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp: Về công tác luật sư: Đoàn Luật sư tỉnh Yên Bái được thành lập năm 1989. Pháp lệnh Tổ chức luật sư và Luật Luật sư năm 2006 là cơ sở pháp lý quan trọng để củng cố và tăng cường tổ chức hoạt động luật sư với 2 chức năng: bào chữa và tư vấn pháp luật.

Hiện nay, tỉnh có đoàn luật sư, 4 văn phòng luật sư với  8 luật sư. Kể từ khi thành lập đến nay, hoạt động của các luật sư đã góp phần giúp đỡ về mặt pháp lý cho công dân, tham gia bào chữa trên một ngàn vụ án, vụ kiện, phạm vi bào chữa không chỉ bó hẹp trong địa bàn tỉnh mà còn mở rộng đến một số địa phương trong toàn quốc.

Hoạt động bào chữa đã góp phần vào sự khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, từng bước đổi mới quá trình tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Các luật sư còn tích cực thực hiện công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách, tham gia tuyên truyền chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân.

Về công tác công chứng, chứng thực: Thực hiện Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành. hoạt động công chứng của 2 phòng công chứng và hoạt động chứng thực ở cấp xã được tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Công tác công chứng, chứng thực góp phần phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo an toàn pháp lý cho cơ quan, tổ chức, công dân, hạn chế vi phạm pháp luật và tranh chấp xảy ra, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Công tác hộ tịch: Nhận bàn giao từ cơ quan Công an sang cơ quan Tư pháp năm 1989. Nghị định số 83/1998/NĐ-CP và Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký hộ tịch được ban hành đã tạo điều kiện cho công tác này có nhiều chuyển biến tích cực.

Để đáp ứng đòi hỏi của công tác quản lý hộ tịch trong tình hình mới, từ năm 2001 trở lại đây, thực hiện các văn bản của Trung ương, đặc biệt triển khai thực hiện Đề án 278 của Bộ Tư pháp về năm tập trung đăng ký khai sinh cho trẻ em, ở địa phương đã thực hiện 2 chiến dịch để thực hiện 2 công tác nói trên.

Qua các chiến dịch này, toàn ngành Tư pháp Yên Bái có sự phối hợp, giúp đỡ của các ngành Y tế, Giáo dục, Dân số đã đăng ký cho hơn 37.000 trẻ em và hơn 7.000 trường  hợp hôn nhân thực tế, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về công tác đăng ký hộ tịch.

Các việc về hộ tịch có nhân tố nước ngoài (đặc biệt là việc kết hôn) được tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh quốc gia, đáp ứng các yêu cầu của xã hội trong điều kiện mở cửa hội nhập về kinh tế.

Công tác lý lịch tư pháp: Được tiếp nhận và thực hiện từ tháng 02/1999 theo Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 08/2/1999 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an, nay là Luật Lý lịch Tư pháp năm 2009. Hơn 13 năm triển khai thực hiện, Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an và Chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác lý lịch tư pháp.

Công tác trợ giúp pháp lý: Được triển khai thực hiện từ tháng 06/1998. Theo Quyết định số 734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập tháng 06/1998. Triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong thời gian qua, tổ chức của Trung tâm đã được củng cố kiện toàn, Trung tâm có các phòng nghiệp vụ và các chi nhánh trợ giúp pháp lý, 131 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và 116 cộng tác viên, đã tích cực tuyên truyền nhiệm vụ của Trung tâm để công dân hiểu, tiếp cận, giúp họ thực hiện quyền do pháp luật quy định.

Hoạt động trợ giúp pháp lý đã và đang là địa chỉ đáng tin cậy của người nghèo và đối tượng chính sách, giúp họ “xóa đói, giảm nghèo” về pháp luật, góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu vì một xã hội công bằng, dân chủ và văn văn minh.

Hoạt động bán đấu giá tài sản: Trước yêu cầu khách quan của thực tiễn đặt ra, ngày 28/5/2003, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 190/2003/QĐ-UB thành lập Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản do Sở Tư pháp trực tiếp quản lý.

Là lĩnh vực công tác mới mẻ song được sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Tư pháp, sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và quá trình tìm tòi học tập kinh nghiệm, trên cơ sở quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 15/01/2005 và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 01/7/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, qua 9 năm hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế của Trung tâm đã được củng cố, kiện toàn và hoạt động đi vào nề nếp, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm minh bạch công khai và đã được Bộ Tư pháp chọn làm điểm mô hình chỉ đạo. Bình quân mỗi năm tổ chức bán đấu giá thành công gần 100 tỷ đồng.

Trong 30 năm qua, tập thể, cán bộ công chức, viên chức và người lao động của ngành Tư pháp Yên Bái đã đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Yên Bái.

Để ghi nhận công lao, đóng góp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý, như: Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Tư pháp, Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, Huân chương Lao động, Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư pháp'', Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Tập thể lao động xuất sắc, bằng khen và nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng khác.

Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, tuy còn nhiều khó khăn nhưng trong xu thế phát triển chung của đất nước, cùng với toàn ngành Tư pháp Việt Nam, tin tưởng rằng trong tương lai ngành Tư pháp Yên Bái sẽ không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh và trưởng thành.

Các mặt hoạt động tư pháp sẽ từng bước được đổi mới với phương pháp, bước đi thích hợp và được đẩy mạnh phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt trên các lĩnh vực công tác trọng tâm, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trần Quang Vinh

Giám đốc Sở Tư pháp Yên Bái

Các tin khác

YBĐT - Ban chỉ đạo Chính sách Nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 7 tháng đầu năm và bàn giải pháp thực hiện những tháng tiếp theo/ UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, đối phó với cơn bão số 5 ... và một số thông tin quan trọng khác.

Nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước sang tuổi 102 (25-8-1911 – 25-8-2012), nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến thăm, chúc thọ và mừng sinh nhật Đại tướng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Jeffrey Immelt, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh và Việc làm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Chiều 24/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Jeffrey Immelt, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh và Việc làm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Phạm xuân Đương - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao Huân chương Lao động hạng nhất cho tập thể Báo Thái Nguyên

YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập, Báo Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục